Tâm điểm
Nguyễn Dương

Ứng xử với phố cà phê đường tàu

Hà Nội đang triển khai "dẹp" phố cà phê đường tàu. Trong 3 ngày từ 15/9 đến 17/9, quận Hoàn Kiếm sẽ tiến hành thu hồi toàn bộ giấy phép của tất cả các hộ kinh doanh có vị trí ở mặt hành lang an toàn đường sắt.

Lực lượng chức năng cũng tổ chức rào chắn, tuyên truyền vận động dưới nhiều hình thức để người dân, đặc biệt là du khách không đến "check-in" gây mất an toàn giao thông ở khu vực này.

Đây là động thái cần thiết trên cơ sở quy định pháp luật và để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt. Việc này không có gì cần bàn cãi và không thể làm khác.

Ứng xử với phố cà phê đường tàu - 1

Trong 3 ngày, từ 15-17/9, các quán ở xóm cà phê đường tàu vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt sẽ phải đóng cửa; bên cạnh đó lực lượng chức năng đã chia ca trực, dựng hàng rào tuyên truyền cho người dân và du khách không vào khu vực này "check-in". (Ảnh: Mạnh Quân).

Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên lực lượng chức năng ra quân xử lý vi phạm giới hạn hành lang an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Trong nhiều năm qua đã không ít lần phố cà phê đường tàu bị "dẹp", song ít lâu sau tình trạng du khách đến trải nghiệm nhộn nhịp ở khu vực này lại tái diễn. Và lực lượng chức năng lại ra quân. 

Thực tế trên đặt ra vấn đề cần có giải pháp căn cơ và lâu dài cho phố cà phê đường tàu. Trong đó, trước mắt, vấn đề ưu tiên là thực hiện nghiêm quy định pháp luật, không thể đánh đổi sự an toàn của người dân với bất kể lợi ích kinh tế nào. 

Về lâu dài, như chính ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), đã nói là chính quyền địa phương cần phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng đề án gắn với tuyến đường sắt này nhằm hình thành điểm đến thu hút du khách, xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân và du khách.

"Sau khi có phương án thống nhất, chúng tôi hi vọng bà con tiếp tục được kinh doanh, và khu đường tàu này sẽ trở thành địa điểm thu hút khách du lịch đặc trưng của Hà Nội", ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) trả lời phóng viên báo Dân trí.

Ở đây có hai vấn đề. Một mặt pháp luật về an toàn giao thông cần phải được tôn trọng và tuân thủ. Mặt khác, cấm đoán là biện pháp dễ, điều khó hơn là các đơn vị liên quan cùng nghiên cứu, xem xét liệu có thể đưa phố cà phê đường tàu thành một sản phẩm du lịch mà vẫn đảm bảo an toàn hay không? Việc này khó, song điều xã hội cần ở các nhà quản lý chính là giải quyết các bài toán khó.

Cần thấy rằng, phố cà phê đường tàu đã trở thành địa danh được đông đảo bạn trẻ trong nước và nhất là nhiều du khách nước ngoài biết đến. Đây là điều không dễ có được. Từ năm 2019, một du khách khi chia sẻ câu chuyện thú vị của mình về trải nghiệm xóm cà phê đường tàu tại Hà Nội trên mạng xã hội đã nhận về gần 450.000 lượt thích và rất nhiều bình luận. Sau đó, trải nghiệm của du khách này được Tạp chí du lịch danh tiếng National Geographic Traveler đăng tải. Nhờ vậy, nhiều du khách trên thế giới mới biết đến xóm cà phê đường tàu và mỗi lần đến Hà Nội đều ghé qua "check-in".

Với người dân ở xóm đường tàu, từ những công việc như đạp xích lô, chở hàng..., họ chuyển qua bán nước giải khát cho khách du lịch. Điểm "check-in" này dần trở nên nhộn nhịp dù vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt như chúng ta đã biết.

Hiện nay cộng đồng mạng đang bàn tán sôi nổi về "số phận" phố cà phê đường tàu. Bên cạnh các ý kiến thống nhất cần đóng cửa khu vực này, cũng có nhiều góp ý, đề xuất được đưa ra theo hướng cân nhắc duy trì dãy phố như một sản phẩm du lịch thú vị của Hà Nội. 

Nhóm ý kiến có nguyện vọng giữ lại phố cà phê đường tàu cho rằng có thể tổ chức giao thông đường sắt qua khu vực này sao cho tàu dừng ở ga Long Biên là chủ yếu, tàu từ phía Bắc vào ga Hà Nội và ngược lại phải duy trì ở tần suất và tốc độ rất thấp, đi kèm với biện pháp cảnh báo trước. Các quán cà phê phải hoạt động theo khung giờ cụ thể và tuân thủ quy định về an toàn đường sắt; địa phương xây dựng quy chế quản lý phù hợp và hiệu quả… Nhóm ý kiến này còn dẫn ra ở Thái Lan có khu chợ đường sắt Maeklong nổi tiếng là mô hình mà Hà Nội có thể tham khảo.

Chưa rõ "hình hài" đề án lãnh đạo quận Hoàn Kiếm đề cập ở trên sẽ như thế nào. Dù phương án nào được đưa ra, thiết nghĩ vẫn phải trên cơ sở quy định pháp luật và yếu tố an toàn vẫn phải đặt lên hàng đầu.

Tác giả: Nguyễn Dương là phóng viên của báo Dân trí. Anh vào nghề báo năm 2010, hiện là phóng viên lĩnh vực nội chính, an ninh và quốc phòng.

Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!