Tâm điểm
Nguyễn Văn Đáng

Đại dịch, đại án, và đạo đức công vụ

Từ đầu năm 2020, nhân loại phải đối diện với Covid-19, dịch bệnh chưa từng xuất hiện trong lịch sử. Không là ngoại lệ, Việt Nam cũng phải huy động mọi nguồn lực để gồng mình ứng phó; Đảng, Nhà nước và mỗi người dân đã chung tay nỗ lực nhằm kiểm soát, tiến tới đẩy lui dịch bệnh.

Đến nay, khi đại dịch đã cơ bản được kiểm soát, cuộc sống xã hội đã trở lại với trạng thái bình thường thì chúng ta không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến những đại án liên quan đến Covid-19, với số người bị khởi tố nhiều đến mức khó ai có thể nhớ hết.

Trong cơn hoạn nạn của cộng đồng, nhiều cán bộ, công chức bất chấp quy định pháp luật và những giới hạn đạo đức, đã trục lợi từ kit test, từ những chuyến bay đưa đồng bào về nước tìm chốn an toàn.

Câu hỏi đặt ra là vì sao những cán bộ được đào tạo bài bản, có quá trình phấn đấu lâu dài, cuộc sống chắc chắn là không túng thiếu lại có thể hành động phi đạo đức như vậy? Hẳn nhiên, để trả lời được câu hỏi nêu trên thì có cả những yếu tố thuộc về bối cảnh xã hội, cơ chế quản trị, quy trình chính sách và phẩm chất cá nhân.

Từ góc độ cơ chế quản trị, có thể thấy là hẳn còn những "lỗ hổng", còn những chế tài chưa đủ mạnh khiến một số cá nhân nắm giữ quyền lực công dễ dàng vụ lợi bất chính; khiến cho một công ty nhỏ, ít người biết đến như Việt Á lại có thể trở thành tác nhân gây ra những hậu quả lớn như chúng ta đã chứng kiến thời gian qua.

Trên phương diện cá nhân, một bộ phận cán bộ, đảng viên đã để lòng tham trỗi dậy, vô cảm với nỗi đau và sự bất hạnh của những người xung quanh, tìm kiếm lợi ích cho mình bằng cách chiếm đoạt lợi ích của người khác.

Với tôi và có lẽ cũng là suy nghĩ của chung nhiều người, đó là các vụ đại án liên quan đến dịch bệnh cho thấy sự thiếu vắng của các ý niệm về đạo đức công vụ nơi những người vi phạm.

Lòng tham không sinh ra cùng con người nhưng lại là yếu tố có thể lớn cùng thời gian nếu thiếu sự tu dưỡng, rèn luyện. Yêu cầu cơ bản đối với mỗi cán bộ, công chức là chấp hành nghiêm túc các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Thế nhưng, chúng ta cũng dễ đồng thuận với nhau rằng pháp luật chỉ là đạo đức ở mức tối thiểu, đạo đức mới là pháp luật ở mức tối đa. Hay nói cách khác, đạo đức và pháp luật đều bao gồm những nguyên tắc, những chuẩn mực điều chỉnh hành vi trong quan hệ giữa người với người, giữa cá nhân và xã hội. Song, nếu pháp luật là những yêu cầu tối thiểu thì đạo đức là những yêu cầu tối đa về việc thực hiện những hành vi và quan hệ này.

Đạo đức, hay những quan niệm về cái đúng đắn, cái nên làm, nên tuân thủ, được số đông thành viên trong xã hội thừa nhận và bảo vệ, chính là "hệ thống pháp luật" hoàn thiện nhất, có sức mạnh tối thượng, nên có thể giúp con người tránh xa được những hành vi xấu, bị xã hội lên án.

Lịch sử nước ta không thiếu những tấm gương thanh liêm, coi sự phục vụ nhân dân như một giá trị đạo đức nền tảng, điểm tựa cho hoạt động công vụ của mình. Với họ, bất cứ một hành động vụ lợi vị kỷ nào cũng đều là phi đạo đức, sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng với lòng tin của người dân vào chính quyền, nhà nước. Đặng Huy Trứ - một nhà nho yêu nước thời nhà Nguyễn, từng đúc kết cái đạo vì dân qua hai câu thơ:

"Mình thiệt, dân lợi, dân gắn bó

Đẽo dân, mình béo, dân căm hờn".

Trong giai đoạn hiện nay, "không được chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi" là một trong số 19 điều đảng viên không được làm. Khi đảm nhiệm các vị trí công quyền, người cán bộ, đảng viên phải tuân thủ nguyên tắc bảo vệ lợi ích công. Điều này cũng có nghĩa, sự liêm chính của họ khi thực thi công vụ luôn đứng trước thách thức - làm thế nào có thể vượt qua được lợi ích riêng tư để ban hành những quyết định dựa trên và bảo vệ, phục vụ lợi ích công?

Nếu động cơ vị kỷ, lòng tham không được kiểm soát thì hệ quả là có thể gia tăng tham nhũng, giảm chất lượng chính sách, giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền; bào mòn lòng tin của người dân.

Nhìn lại các đại án liên quan đến dịch bệnh Covid-19, chúng ta sẽ rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm, trong đó chắc chắn có bài học về phòng, chống suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống của mỗi cán bộ, đảng viên.

Giá trị đạo đức là những quan niệm về sự đúng đắn, chính đáng theo đánh giá của số đông thành viên trong cộng đồng. Với mỗi cá nhân, các giá trị đạo đức phổ biến sẽ có tác dụng như chiếc la bàn, giúp chúng ta xác định được hành vi nào là đúng đắn, nên làm, và hành vi nào là sai trái, nên tránh xa.

Với những người làm việc cho khu vực công, ý thức sâu sắc về đạo đức công vụ sẽ tạo ra sợi dây ràng buộc giữa hành động của họ và bổn phận gắn với vị trí đảm nhiệm. Nhờ đó, mỗi người có thể kiềm chế tốt hơn cái tôi vị kỷ, không để lòng tham và sự ích kỷ cuốn vào những hành động sai trái, phi đạo đức.

Tại hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng (tháng 6/2022), Viện trưởng Viện KSNDTC Lê Minh Trí từng phát biểu rằng đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là vấn đề rất phức tạp, gay go, đây là cuộc đấu tranh không chỉ trong nội bộ Đảng ta mà cả những đối tượng ngoài xã hội tham gia; không chỉ đấu tranh với những người khác mà cả với chính mình! Không ai có thể nói trước được gì nếu không ý thức giữ gìn! Và không biết sửa chữa sai phạm của mình!

Do đó, ông Lê Minh Trí cho rằng bên cạnh việc áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm để răn đe, thì cần thiết xây dựng và ban hành Luật đạo đức để giáo dục cả cộng đồng xã hội. Nghĩa là cùng với biện pháp nêu gương, trách nhiệm, phẩm chất đạo đức của người cán bộ Đảng viên, thì cần thiết phải giáo dục mọi người trong xã hội nhận thức được danh dự, liêm chính là những điều thiêng liêng trong cuộc sống, để nhằm góp phần phòng ngừa hành vi vi phạm tốt hơn.

Thiết nghĩ phát biểu của ông Lê Minh Trí là rất đáng xem xét và có cơ sở thực tiễn. Đơn cử khi dõi theo vụ Việt Á hay vụ chuyến bay "giải cứu", chúng ta thấy rằng các hành vi vi phạm có sự móc nối của các đối tượng ngoài khu vực công với cán bộ, đảng viên nắm giữ vị trí "nhạy cảm" trong công tác chống dịch.

Khi các giá trị đạo đức, trong đó có đạo đức công vụ được xác lập rõ ràng và lan tỏa, trở thành giá trị chung được xã hội tôn trọng thì chắc chắn sẽ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Và nếu như đạo đức công vụ là một giá trị quan trọng hàng đầu với người cán bộ, thì nên chăng khi được bổ nhiệm, bên cạnh phát biểu cảm ơn sự quan tâm của cấp trên, sự ủng hộ của đồng nghiệp và hứa "sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ" như lâu nay, người cán bộ cần cam kết thêm về sự trung thực, liêm chính, cam kết "dĩ công vi thượng" trong suốt thời gian phục vụ của mình.

Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!