Tâm điểm
Phạm Hoàng Phương

Trùng tu di tích và ám ảnh "công trình trăm tuổi thành một tuổi"

Câu chuyện Chùa Cầu - một trong những di tích kiến trúc cấp quốc gia trong lòng đô thị di sản Hội An - sau 19 tháng triển khai trùng tu, sắp hoàn thành thì nhận nhiều ý kiến trái chiều về diện mạo mặt tiền công trình đã khiến dư luận quan tâm.

Khi một vài bức ảnh về công trình đăng tải lên mạng xã hội, liền xuất hiện nhiều ý kiến chỉ trích tập trung vào màu sơn trắng và diện mạo tươi mới khác với sự rêu phong cũ kỹ của di tích trước đây. Chuyện này còn tiếp tục bị đẩy xa theo nhiều chiều hướng tiêu cực khác, như việc đồn thổi mất các đĩa cổ trang trí trên mái trong quá trình tu bổ di tích, trong khi sự thật không phải như vậy.

Đây không phải lần đầu một di tích nhận nhiều ý kiến trái chiều sau khi trùng tu, nhất là với các di tích có giá trị đặc biệt. Tháng 4/2023, khi công trình biệt thự cũ 49 Trần Hưng Đạo & 46 Hàng Bài sắp hoàn thành tu bổ thì cũng đã phải đối mặt với hàng loạt nhận xét nặng lời về màu sắc của công trình. Chỉ sau một vài bức ảnh chụp được tung lên mạng, lập tức có rất nhiều ý kiến cho rằng những mảng màu ve vàng và ve đỏ giả màu gạch được thi công quá mới, có thể đã sai lệch so với nguyên gốc và làm hỏng giá trị của công trình.

Trùng tu di tích và ám ảnh công trình trăm tuổi thành một tuổi - 1

Chùa Cầu - Hội An sau khi trùng tu (Ảnh: Công Bính)

Các ý kiến cũng tiếp tục diễn biến theo hướng nghi ngờ về tính chuyên môn và chất lượng công tác tu bổ dự án. Sự việc chỉ lắng xuống khi lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cũng như chuyên gia nước ngoài lên tiếng làm rõ các nội dung về việc đánh giá hiện trạng, đối chiếu tư liệu, thi công thực nghiệm một cách nghiêm túc bài bản trước khi thực hiện công trình.

Trước hết, cần khẳng định rằng sự quan tâm của cộng đồng đối với việc trùng tu, tu bổ các di tích kiến trúc như trường hợp Chùa Cầu Hội An hay biệt thự cũ 49 Trần Hưng Đạo & 46 Hàng Bài là điều bình thường và đáng khích lệ. Hơn nữa, thời gian qua công luận đã nhiều lần ngã ngửa và nuối tiếc trước một số trường hợp di tích bị phá hỏng sau khi được trùng tu, tu bổ như: đình Quang Húc, chùa Trăm Gian (Hà Nội) hay cầu ngói Chợ Thượng (Nam Trực, Nam Định)...

Việc quan tâm của cộng đồng, hay nói cách khác là "dân biết, dân bàn" nhìn chung sẽ giúp hạn chế được sự tùy tiện trong trùng tu và tôn tạo công trình, làm biến dạng thậm chí mai một các giá trị nguyên gốc; biến một công trình hàng trăm tuổi có giá trị rất lớn về thành công trình một tuổi lạc lõng, vô giá trị.

Trong bối cảnh hiện nay, khi cộng đồng đã có sự quan tâm đáng kể tới các di tích lịch sử văn hóa, thì các bên liên quan đến việc trùng tu, tôn tạo cần chủ động cung cấp thông tin đầy đủ và minh bạch nhất có thể, tránh những dư luận không đáng có.  

Khi quá trình tiếp cận thông tin về việc trùng tu một di tích nào đó chủ yếu là thông qua các bức ảnh chụp trên mạng, chưa nắm vững các nguyên tắc khoa học trong trùng tu, tôn tạo di sản văn hóa, di tích kiến trúc thì câu chuyện của biệt thự 49 Trần Hưng Đạo & 46 Hàng Bài (Hà Nội), Chùa Cầu (Hội An)… sẽ vẫn còn tiếp diễn, dẫn đến tình trạng nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang, ảnh hưởng đến hiệu quả chung của dự án.

Thiết nghĩ, cộng đồng cũng cần có cách tiếp cận và đóng góp ý kiến một cách công tâm, xác đáng và khoa học hơn trên cơ sở nắm rõ các nguyên tắc của công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích kiến trúc.

Trước tiên, do đặc thù các công trình kiến trúc truyền thống Việt Nam chủ yếu có kết cấu chính là gỗ và gạch xây, trong điều kiện khí hậu thời tiết nóng ẩm, mối mọt xâm hại nhiều, tuổi thọ công trình khá thấp, nên việc triển khai công tác trùng tu, tu bổ liên tục và thường xuyên là rất cần thiết.

Bên cạnh đó, do điều kiện về nguồn lực tài chính và nhân lực triển khai trong thời gian vừa qua nên nhiều công trình có diện mạo bị xuống cấp, rêu phong bao phủ và đã trở nên quen mắt với nhiều người dân. Do vậy, một diện mạo khang trang, sạch sẽ hơn của di tích sau khi được trùng tu là điều dễ nhận biết nhất, nhưng lại là điều có thể khiến một số người ngỡ ngàng. Điểm mấu chốt công luận cần hiểu rõ chính là diện mạo sau khi trùng tu có đảm bảo tính nguyên gốc đúng với các tư liệu khoa học, và kết quả khảo sát thực nghiệm hiện trạng hay không.

Cụ thể, hiến chương quốc tế về bảo tồn di sản và Luật di sản văn hóa hiện hành yêu cầu bảo tồn nguyên trạng tối đa các giá trị nguyên gốc và đảm bảo tính chân xác của di tích trong quá trình tu bổ, tôn tạo, trùng tu.

Trong đó, các giá trị nguyên gốc bao gồm: vị trí xây dựng, cảnh quan xung quanh, kiến trúc công trình, vật liệu xây dựng, công nghệ kỹ thuật thi công, phương thức sử dụng, thời gian, không gian hình thành nên di sản và các giá trị khác.

Đối với nhiều công trình di sản có giá trị cao, yêu cầu bắt buộc trong quá trình tu bổ, tôn tạo còn là giữ nguyên tối đa các cấu kiện hoặc hạng mục sử dụng được sau khi có đánh giá của các đơn vị thực hiện và hội đồng chuyên môn. Đồng thời, trong quá trình thi công cũng đánh dấu và ghi rõ các hạng mục đã được sửa chữa, thay mới. Việc lựa chọn phương án trùng tu, giải pháp thay thế và phục dựng để phục chế cũng phải được xem xét, đánh giá, trên cơ sở tra cứu hệ thống các tài liệu lưu trữ cũng như khảo sát thực nghiệm trực tiếp tại công trường.

Trùng tu di tích và ám ảnh công trình trăm tuổi thành một tuổi - 2

Biệt thự cũ 49 Trần Hưng Đạo & 46 Hàng Bài thời điểm vừa hoàn thành tu bổ, tháng 4/2023 (Ảnh: Mạnh Quân)

Với riêng màu sơn bên ngoài, để xác định chính xác màu sơn phục dựng, trước tiên cần tra cứu các tài liệu lưu trữ về màu sơn nguyên bản trong các giai đoạn lịch sử trước đây, đồng thời tiến hành bóc tách khảo nghiệm các lớp sơn và vữa trát trên cấu trúc mặt tiền công trình để không chỉ màu và sắc độ mà còn làm rõ thành phần vật liệu, giải pháp thi công truyền thống. Nếu các hạng mục được trùng tu, tôn tạo, bao gồm cả màu sơn phục dựng mới trên mặt tiền di tích dù có sáng hơn thời điểm trước khi triển khai, nhưng cơ bản trùng khớp với các dữ liệu khoa học, tuân thủ các quy trình thực hiện thì không có điều gì phải bàn.

Trong trường hợp các tư liệu lưu trữ và kết quả khảo sát thực nghiệm tại công trình có nhiều màu sơn chồng lớp ở các thời điểm khác nhau trong lịch sử thì cần lựa chọn màu sơn phù hợp nhất với công trình theo đúng cả màu sắc, chất liệu tạo thành, phương thức thi công sau khi có ý kiến đánh giá của hội đồng chuyên môn, ý kiến người dân.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với dự án trùng tu, tu bổ di tích để qua đó nâng cao nâng cao hiệu quả, chất lượng giám sát và đóng góp ý kiến của cộng đồng. Từ trường hợp tổ chức khá bài bản của di tích biệt thự 49 Trần Hưng Đạo & 46 Hàng Bài (Hà Nội) và Chùa Cầu (Hội An) vừa rồi, có thể rút ra một số nguyên tắc chính bao gồm:

Ngay sau khi phê duyệt dự án, cần tổ chức công bố thông tin về dự án một cách bài bản, bằng nhiều hình thức, đặc biệt là các trang thông tin chính thống trên không gian mạng. Thông tin công bố ngoài hình ảnh tổng thể và chi tiết di tích sau khi trùng tu như đã thường thấy, còn là phương pháp thực hiện, thời gian triển khai, các đơn vị tham gia thực hiện trùng tu di tích... để cộng đồng và giới chuyên gia có thể nắm bắt và có ý kiến đóng góp ngay từ ban đầu. Qua đó giảm thiểu những hạn chế trong tiếp cận thông tin về dự án như chỉ qua một số ảnh trên mạng thời gian vừa qua.

Thường xuyên công bố cập nhật thông tin kết quả triển khai thực tế theo tiến độ để cộng đồng và giới chuyên gia có thể tiếp tục nắm bắt và đóng góp kịp thời ngay khi có vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Định hướng cho cộng đồng tập trung giám sát vào một số điểm quan trọng nhất của dự án trùng tu di tích bao gồm: tính nguyên trạng trong cách tổ chức tổng thể khuôn viên di tích, các hạng mục mới được bổ sung hoặc phục dựng nếu có, hệ thống cây xanh đặc biệt là các cây xanh cổ thụ trong khuôn viên, diện mạo bên ngoài của di tích và cách tổ chức không gian, công năng sử dụng của từng không gian trong di tích, cấu trúc hệ khung kết cấu chính, các chi tiết trang trí bên ngoài và bên trong công trình

Đặc biệt, cần xây dựng và chuẩn bị một cơ chế trả lời, giải đáp ý các ý kiến đóng góp của cộng đồng với sự tham gia từ cơ quan quản lý, chuyên gia chuyên môn đảm bảo công chúng luôn có thể tiếp cận các nội dung trả lời một cách kịp thời, xác đáng và khoa học.

Tác giả: Thạc sĩ, kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương là chuyên gia nghiên cứu, lý luận phê bình về kiến trúc, quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, với gần 25 năm kinh nghiệm; nguyên phó tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc Việt Nam và hiện công tác tại Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng).

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!