Tâm điểm
Vũ Hoàng Linh

Trùng tu chùa Cầu, đón người viễn khách

Tôi khá bất ngờ trước việc trùng tu chùa Cầu gây nhiều xôn xao như vậy.

Hội An là một thành phố nhỏ mà tôi luôn ưa thích. Tôi đến Hội An lần đầu tiên cách đây 24 năm khi đó thị xã Hội An còn chưa phát triển, có rất ít khách du lịch trong và ngoài nước. Thời đó, tôi nhớ, du khách tham quan Hội An sẽ mua một vé du lịch chung, bao gồm 6 hay 7 địa điểm tham quan, trong đó có chùa Cầu.

Điều gây ấn tượng với tôi lúc đó là quá khứ vàng son một thuở của Hội An, nơi từng là cảng giao thương trù phú với các thương nhân đến từ nhiều nơi trên đất Trung Hoa như Triều Châu, Quảng Châu, Phúc Kiến, và từ Nhật Bản, thậm chí cả những lái buôn và nhà truyền giáo đến từ Bồ Đào Nha xa xôi. Họ cùng với các cộng đồng cư dân sinh sống ở nơi này, không chỉ gồm những người Việt theo chân các Chúa Tiên, Chúa Sãi, Chúa Thượng… đến phương Nam mở đất mà cả người Chăm, người Khmer… vẫn sinh sống ở đây từ nhiều đời, để tạo ra một di sản văn hóa đặc sắc, đa dạng, đa thanh, hết sức đáng nhớ của Việt Nam.

Sau này, tôi còn trở lại Hội An nhiều lần, khi thì mừng với sự phát triển về du lịch của thành phố, khi thì hơi buồn và có đôi chút lo lắng vì dường như việc quá đông du khách đã tạo ra những áp lực nhất định tới sự phát triển bền vững về du lịch của Hội An và chứng kiến sự xuống cấp của một số di tích lịch sử, trong đó có chùa Cầu.

Trùng tu chùa Cầu, đón người viễn khách - 1

Du khách tham quan Chùa Cầu chiều ngày 1/8 (Ảnh: Ngô Linh).

Trong các di tích ở Hội An thì Chùa Cầu dường như là một địa điểm lý thú bậc nhất. Nói thật, lần đầu đến đây, tôi hơi bất ngờ vì cứ hình dung đây là một cây cầu hoành tráng lắm trong khi hóa ra là cây cầu rất ngắn.

Cây cầu có mái che, trụ cầu bằng gạch đá, mái cầu lợp ngói âm dương che kín cả cây cầu. Gọi là cầu nhưng cầu cũng đồng thời là chùa (và vì thế người ta gọi nó là Chùa Cầu). Điều đặc biệt, và gợi nên dấu tích của Nhật Bản là hai đầu cầu có tượng thú bằng gỗ đứng chầu, một đầu là tượng chó, một đầu là tượng khỉ - hai vị thần trấn giữ thủy quái trong truyền thuyết dân gian của người Nhật).

Tương truyền, cây cầu này được xây dựng như một cây kiếm đâm xuống sống lưng con quái vật Namuzu- loài thủy quái tạo ra lũ lụt trong truyền thuyết dân gian Nhật Bản và đó là lý do mà các thương gia Nhật Bản ở Hội An trong thế kỷ 17 xây dựng cây cầu này, nhằm trấn yểm lũ lụt, cũng gần giống như cách người Việt thờ Sơn Tinh (Thánh Tản Viên) ở núi Ba Vì để trấn yểm lũ lụt do lũ thủy quái dưới quyền Thủy Tinh gây ra hàng năm.

Chùa Cầu là di tích hiếm hoi còn được lưu lại như một dấu ấn cho mối quan hệ lịch sử  Việt Nam- Nhật Bản trong hơn 400 năm qua và là minh chứng cho một thương cảng Đàng Trong trù phú một thời. Chùa đã được trùng tu nhiều lần trong lịch sử, lần gần nhất vào năm 1986. Vì thế, việc Hội An quyết định trùng tu hạ giải chùa Cầu với kinh phí 20 tỷ đồng là sự lựa chọn cần thiết và được dư luận tán đồng.

Thế nhưng, vào lúc những bức hình đầu tiên Chùa Cầu sau khi trùng tu được đưa lên, tôi thấy có rất nhiều ý kiến trái chiều về việc trùng tu này ở trên mạng xã hội. Nhiều người ngay lập tức đã lên tiếng phê phán những người trùng tu đã phá hoại di sản, bởi vì hình ảnh chùa Cầu sau khi trùng tu trông khá mới, không còn cũ kỹ rêu phong. Người ta cũng cười cợt với câu nói được cho là của một vị lãnh đạo Hội An, rằng chỉ sau một hai mùa mưa bão thì yên tâm là chùa Cầu sẽ hết mới…

Ngay sau đó, lại có thêm những tin loan truyền trên mạng xã hội như sau khi trùng tu thì nhiều đĩa trang trí trên mái Chùa Cầu biến mất… càng khiến dư luận xôn xao (việc này sau đó đã được chứng minh là một tin giả).

Tôi không có dịp đến tham quan Chùa Cầu ngay trước và sau khi trùng tu để có thể so sánh trực tiếp bằng mắt thường. Và khi nhìn ảnh Chùa Cầu sau khi trùng tu thì đúng là đoạn tường màu trắng dưới lan can trông hơi trắng quá, nhìn đã thấy là mới sơn…cũng chưa hài hòa với khung cảnh cả cây cầu. Thế nhưng điểm đáng nói là với việc trùng tu di tích, cần nhìn nhận những điểm gì là quan trọng, cốt yếu và những gì không quá quan trọng.

Việc sơn ngoài công trình sau khi trùng tu chủ yếu là để bảo quản công trình và công trình mới sơn xong trông không quá cũ, là chuyện bình thường.

Điều đó không có nghĩa là việc trùng tu thất bại. Tuy không phải là một người có kiến thức chuyên môn về trùng tu di sản, nhưng tôi cho rằng thành công hay thất bại của trùng tu là ở việc phục dựng được di sản với diện mạo gần nhất với chính nó ở trong thời quá khứ, khi di sản mới được xây dựng, trong khi cố gắng giữ được một cách tốt nhất những gì còn trong quá khứ chưa hư hại và vẫn có thể được sử dụng lại.

Điều đó có nghĩa là kết hợp giữa ngói cũ với ngói mới, giữa gỗ cũ, với gỗ mới… và tạo ra một sự hài hòa của công trình, đảm bảo sự tồn tại vững chắc lâu dài của công trình trong thời gian.

Trùng tu chùa Cầu, đón người viễn khách - 2

Hình ảnh chùa Cầu sau khi trùng tu giữa lòng thành phố Hội An (Ảnh: Ngô Linh).

Để hiểu thêm về kết quả của trùng tu, tôi có đọc thêm một số bài trên báo và trên mạng xã hội của các chuyên gia về di sản, khảo cổ hay kiến trúc như của TS. Trần Đức Anh Sơn, TS. Nguyễn Thị Hậu, Thạc sĩ Sơn Đặng… thì hầu hết đều khẳng định những người trùng tu đã tiến hành công việc một cách nghiêm túc, với sự tham gia tích cực của các chuyên gia đến từ Nhật Bản. Đó là các cơ sở để tôi có niềm tin vào kết quả của việc trùng tu này. Hay nói như tục ngữ dân gian "tốt gỗ hơn tốt nước sơn".

Trong các thành phố tôi từng đi thì có một số nơi khiến tôi rất ấn tượng về việc trùng tu di sản. Thứ nhất là Nhật Bản, khi thăm các đền đài hay cung điện ở Nhật Bản, tôi hoàn toàn ngưỡng mộ họ về công tác trùng tu khi tôi có cảm giác như được đưa về thời quá khứ, khi các công trình tuyệt vời này được hoàn thành - mọi thứ đều được phục dựng cực kỳ cẩn thận chi tiết, và hài hòa với không gian xung quanh.

Thế nhưng không phải nơi nào cũng có thể làm được như Nhật Bản vì nhìn chung các công trình kiến trúc cổ  của Nhật Bản không bị tàn phá nhiều bởi chiến tranh. Nhưng Seoul ở Hàn Quốc và Warsaw ở Ba Lan lại là hai trường hợp khác. Ở đây, hầu hết công trình cổ đều đã bị hủy hoại bởi chiến tranh và kẻ thù (trường hợp ở Hàn Quốc là người Nhật và ở Ba Lan là Đức quốc xã). Thế nên các công trình ở hai nơi này, các cung điện và cả khu phố cổ ở Warsaw hay các đền đài ở Seoul hầu như đều là phục dựng, được xây dựng lại từ những bản vẽ, những tấm ảnh, bức tranh, những mô tả, ghi chép về chúng trong lịch sử.

Thế nhưng, khi đến những nơi này, tôi vẫn thấy các du khách rất vui vẻ chụp hình với các công trình được phục dựng này và không hề chê chúng là cũ hay giả cả.

Những cảm xúc đó là hiểu được, bởi vì chúng ta sẽ không bao giờ biết được một cách chính xác các công trình đó trong quá khứ là như thế nào. Chùa Cầu khi được xây dựng vào thế kỷ 17 có lẽ cũng khác nhiều với Chùa Cầu năm 2024 sau 7 đến 8 lần trùng tu và với sự tham gia của người Việt, người Hoa (nhưng không có người Nhật) trong hầu hết lần trùng tu này, hẳn cây cầu có lẽ đã mang nhiều tính Việt, tính Hoa hơn và ít tính Nhật hơn trước kia.

Đánh giá một công trình trùng tu có thành công hay không cần nhìn vào những cảm xúc nó có thể khơi gợi từ người dân, chứ không phải sự sao chép chính xác như thế nào hay việc trông nó "cổ kính" ra sao.

Viết tới đây, tôi lại nhớ tới ngôi đền Ise Jingu ở Nhật đã tồn tại 1.300 năm qua. Thế nhưng nó không phải "một ngôi đền", vì cứ 20 năm, người ta lại tháo dỡ ngôi đền cũ và dựng nên ngôi đền mới đặt ở ngay sát đó, với các chi tiết y hệt như ngôi đền cũ. Vậy đó là một ngôi đền Ise Jinsu trong 1.300 năm qua? Hay là hàng trăm ngôi đền Ise Jingu?

Trở lại với chùa Cầu. Thật ra, tên chữ Hán của chùa này là "Lai Viễn Kiều" (Cây cầu đón người viễn khách), do đích thân chúa Nguyễn Phúc Chu đặt vào năm 1719, hẳn để bày tỏ lòng mến khách của các chúa Nguyễn với những thương khách phương xa. Lòng hiếu khách ấy không chỉ là lời nói chơi. Trước đó đúng 100 năm (năm 1619), chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã gả con gái nuôi của mình là công nữ Ngọc Hoa cho một thương nhân Nhật Bản, chủ một thương điếm ở Hội An. Có lẽ lễ rước dâu đưa nàng công nữ cũng từng cử hành ở chùa Cầu như một kỷ niệm của mối giao tình giữa hai quốc gia 400 năm trước.

Và tôi tin rằng, sau khi được trùng tu, chùa Cầu lại càng trở nên một điểm du lịch được nhiều người tìm đến, đúng như cái tên rất có ý nghĩa của nó, như biểu thị thịnh tình mến khách của người Hội An.

Tác giả: TS Vũ Hoàng Linh nhận bằng Tiến sĩ về Kinh tế Ứng dụng tại Đại học Minnesota (Mỹ) vào năm 2008 và hiện là giảng viên Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông có nhiều năm làm việc tại Ngân hàng Thế giới và các trường Đại học ở Việt Nam. Ông cũng từng tham gia tư vấn và nghiên cứu cho nhiều tổ chức trong và ngoài nước, trong các mảng kinh tế phát triển, kinh tế vi mô ứng dụng…

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!