Đừng để “giấy khen” trở thành nỗi ám ảnh tuổi thơ
(Dân trí) - Một cậu học trò nhỏ với vẻ mặt chán chường, buồn bã, lạc lõng giữa một rừng giấy khen của lớp.
Đây là bức ảnh có sức “viral” (lan toả) khủng khiếp nhất trong những ngày vừa qua, khi một năm học cũ vừa chính thức khép lại.
Duy nhất cậu bé không có giấy khen trong lớp học (tôi không rõ là cậu bé ấy có được phát giấy khen hay không - không được phát hay là có mà không “khoe” như các bạn). Cậu ngồi ngay bàn đầu và trong bố cục bức ảnh (tỉ lệ 1:3) thì cậu ở vị trí trung tâm.
Căn cứ vào góc chụp, bức ảnh này được chụp từ trên xuống, nhiều khả năng là từ bàn giáo viên. Tôi không rõ ai là người chụp bức ảnh này, cũng không rõ ai là người đã đăng tải và phát tán bức ảnh trên mạng xã hội. Song, dù là ai thì họ cũng nên tự cảm thấy xấu hổ và xin lỗi cháu bé cũng như phụ huynh cháu vì đó là hành động rất vô ý đến mức vô cảm, phản giáo dục. Tôi tự đặt câu hỏi, nếu em học sinh đó là con tôi?
Dẫu vậy, từ bức ảnh này cũng thấy rằng, hệ thống giáo dục của chúng ta nhiều năm qua dù có nỗ lực cải cách, đổi mới nhiều chăng nữa thì “bệnh thành tích” vẫn là “nan y” và chỉ biến tướng đi chứ không hề thuyên giảm. Một lớp học mà tới hơn 90% có giấy khen, mới nên nông nỗi … từng có phụ huynh than vắn thở dài: “Thầy tiếc gì một tờ giấy khen cho cháu?!”.
Trên mạng xã hội nay tràn lan các bức ảnh phụ huynh khoe con với những thành tích kiểu như “có thành tích tiến bộ”, “thành tích vượt trội môn…”, “hoàn thành xuất sắc nội dung môn…” rồi lại còn “hoàn thành từng mặt”…
Cuối năm, cứ gọi là “đồng phục giấy khen” và đáng thương thay cho cháu nào “trắng tay” chỉ vì… cho có tỷ lệ!. Học trò thì mất động lực phấn đấu còn phụ huynh thấy có giấy khen là mừng, cũng chẳng biết thực tế năng lực của con ra sao. Tưởng mạng là ảo và hoá ra, thành tích cũng có thể là… ảo!
Có lẽ sẽ là khiếm nhã nếu như bàn chuyện thành tích dựa trên câu chuyện về người khác, nên tôi xin chia sẻ về chính câu chuyện của mình.
Cách đây đúng 15 năm, tôi đã từng là học sinh lớp 11 duy nhất toàn quốc đạt giải Nhất môn Văn trong kỳ thi HSG toàn quốc của lớp 12. Một năm sau đó, khi đã là học sinh lớp 12, tôi tự cảm thấy mình trưởng thành hơn trong suy nghĩ và bài luận đã có chiều sâu hơn so với năm lớp 11, nhưng năm đó, tôi chỉ đạt giải Khuyến khích.
Ai cũng có thể bình luận rằng, đó quả là một sự giật lùi đáng xấu hổ. Tôi cũng phải mất thời gian để vượt qua mặc cảm của sự thụt lùi đó, trước khi nhận ra, dù có đạt giải thấp hay cao thì tôi cũng không thể dựa vào đó để quyết định tương lai bản thân.
Và các độc giả cũng dễ thấy rằng, một học sinh được công nhận “giỏi văn” có thể sẽ không thể trở thành là một nhà văn, nhà thơ. Ngược lại, những nhà văn, nhà thơ lớn, họ không cần ai trao bằng khen, giấy khen cả nhưng họ được độc giả yêu quý, kính trọng - đó là “giấy chứng nhận” cao quý nhất và có giá trị nhất.
TS Haemin trong cuốn sách rất được ưa thích hiện nay “Bước chậm lại giữa thế gian vội vã” có viết rằng: “Thứ làm cho chúng ta trở nên yếu đuối hơn chính là tham vọng được người khác kiểm chứng và công nhận giá trị của chính bản thân mình”.
Việc chạy đuổi theo thành tích và sự công nhận, quả thực là quá trình mệt mỏi, nhiều khi là vô nghĩa. Những vụ trầm cảm đến mức tự vẫn ở tuổi học đường không phải hiếm.
Tất nhiên, tôi không phủ nhận ý nghĩa của sự nỗ lực để đạt thành tích, song quá trình đó cần đam mê, cần có niềm vui chứ không phải là cạnh tranh, giành giật, đố kỵ và chịu sự phán xét khắc nghiệt… Hơn nữa, thành công là cả một quá trình, còn thành tích có thể chỉ mang tính thời điểm.
Chúng ta cũng biết, Everest là đỉnh núi cao nhất thế giới, nhưng trước khi nó được khám phá và công nhận thì vốn dĩ, nó vẫn là đỉnh núi cao nhất thế giới. Giá trị một con người chắc chắn không chỉ phụ thuộc vào sự công nhận ở những tờ giấy khen.
Và sẽ thật khó để xây dựng nên một xã hội trung thực, phát triển nếu như ngay từ thế hệ ngồi trên ghế nhà trường đã phải chịu áp lực “lấy thành tích” mà nhiều khi là giả dối.
Thay vào đó, xin hãy truyền cho các em kiến thức và niềm say mê, hãy giúp các em mạnh mẽ, trở thành những người chính trực, chứ không phải là mặc cho các em những chiếc áo quá rộng chỉ để đẹp mặt nhà trường và làm vừa lòng phụ huynh.
“Giấy khen” không xấu nhưng hãy khen cho thực chất thì mới có giá trị, nếu không cũng là tờ giấy vô nghĩa mà thôi!
Bích Diệp