Di sản, cao ốc và tính kế thừa trong quy hoạch
"Làm quy hoạch hay thiết kế đô thị, ngại nhất là những nơi không có lịch sử - vì rất khó xây dựng câu chuyện cho bản đồ án của mình". Đây là câu nói tôi nghe được từ ông Thomas Wang, chuyên gia thiết kế đô thị người Mỹ, người thầy tôi được dịp làm việc chung hơn 10 năm trước.
Khi định ra phương hướng cho một đồ án quy hoạch, hay kiến trúc một tòa nhà, ý tưởng của người kiến trúc sư sẽ dễ được đón nhận hơn rất nhiều nếu có câu chuyện gắn với lịch sử, với bối cảnh của vùng đất - địa phương đó. Bản đồ án sẽ có chiều sâu hơn, có căn cứ vững chãi hơn, và vì vậy rất khó bị phản biện, cũng như không bị cũ đi theo sự biến thiên của xã hội. Và không chỉ với từng bản đồ án kiến trúc, những giá trị lịch sử của đô thị là cái gốc để đô thị đó có thể phát triển bền vững, có bản sắc riêng.
Nói dài như vậy, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của lịch sử đô thị - và những di sản kiến trúc - những thứ hữu hình tạo ra giá trị lịch sử đó. Mỗi di sản kiến trúc, khoan hãy bàn xấu hay đẹp, đều mang trong nó rất nhiều câu chuyện, là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, và là thành tố tạo nên cái hồn đặc trưng của đô thị.
Câu chuyện khối nhà máy cũ từ đầu thế kỷ 20 tại khu đất 61 Trần Phú, Hà Nội, bị tháo dỡ để nhường chỗ cho một dự án mới vừa qua, lại là một trường hợp nữa cho thấy di sản kiến trúc đô thị có thể bị xâm hại, với lý do rất giản đơn "công trình không có nhiều giá trị về mặt kiến trúc". Trong thực tế không chỉ Hà Nội mà nhiều địa phương khác trên cả nước, hàng loạt di sản đã vĩnh viễn biến mất và không gì có thể phục hồi lại được. Những công trình thay thế chúng, dẫu cho người ta có ca ngợi vẻ đẹp kiến trúc hay công năng mang lại, cũng không thể nào tạo ra những giá trị, cả hữu hình và vô hình, mà những công trình trăm năm tuổi kia đã bồi đắp.
Có hai câu chuyện về phát triển đô thị, nhìn có vẻ như không liên quan gì nhau, nhưng tôi nghĩ đều có điểm chung, đó là chúng ta đang hoàn toàn không có tính kế thừa và rất tùy tiện trong việc quy hoạch đô thị cũng như thiết kế kiến trúc. Câu chuyện thứ nhất, là chúng ta sẵn sàng phá bỏ di sản kiến trúc để phục vụ cho việc phát triển dự án mới. Như dự án mới ở lô đất 61 Trần Phú - Hà Nội, sau này nó mọc lên bạn sẽ không thể biết được trước đây đã có một nhà máy kiến trúc thuộc địa đã tồn tại cả trăm năm, cũng như nó hoàn toàn không có một mối liên hệ nào với những tòa nhà cổ kính xung quanh thuộc khu Ba Đình. Thế hệ con cháu chúng ta lớn lên sẽ không nhìn thấy được, cũng không có ai để kể, là ngày xưa ở đây có một dãy nhà cổ 2 tầng, kiến trúc thuộc địa đơn giản nằm dưới hàng cây râm mát rất đáng yêu.
Câu chuyện thứ hai, rất nực cười, là chúng ta rất sính ngoại, và "ngoại" ở đây chính là kiến trúc cổ điển châu Âu. Trên cả nước Việt Nam có không biết bao nhiêu dự án bất động sản biệt thự, bao nhiêu căn nhà riêng lẻ lấy kiến trúc cổng vòm, thức cột Hy lạp, phào chỉ "lai Tây" để tạo hình. Vì không có tính kế thừa trong quy hoạch và thiết kế, và vì vậy không thể có bản sắc, phong cách riêng, nên chúng ta đành đi vay mượn những cái có sẵn. Và vì tùy tiện, nên chúng ta không hề học một cách thấu đáo những thứ mình đi vay mượn, nên những kiến trúc được tạo ra có bề ngoài hỗn tạp, thiếu cân đối về tỉ lệ và thường là xấu xí.
Chúng ta đập bỏ những gì thuộc về chân giá trị, những cái đẹp của người xưa đã trân trọng và truyền lại, rồi sẵn lòng xây mới những dự án, những căn nhà với cái tên Tây rất kêu, và những lời quảng cáo hào nhoáng "kiến trúc phong cách tân cổ điển".
Di sản kiến trúc, dẫu có thể là tài sản cá nhân, cần được hiểu rằng nó và không gian quanh nó là tài sản chung của đô thị. Chúng ta cần giữ gìn, và nếu được, tạo điều kiện để di sản kiến trúc đó có thể "sống" cùng với hoạt động hàng ngày của đô thị. Cụ thể, ví dụ như trường hợp khối nhà máy 61 Trần Phú, chúng ta không nhất thiết phải cứng nhắc giữ nguyên hiện trạng và gọi đó là "bảo tồn di sản". Ngược lại, hoàn toàn có thể giữ nguyên kiến trúc và cải tạo thành một điểm đến văn hóa - thương mại hấp dẫn mà không phải phá vỡ không gian - cảnh quan đô thị đã tồn tại trong ký ức người Hà Nội hơn 100 năm. Trên thế giới có rất nhiều ví dụ "làm sống lại di sản" mà chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo.
Tôi xin mượn lời cố nhà văn Sơn Nam trong cuốn "Đi và ghi nhớ" để kết thúc bài viết này. "Không giữ được di sản của thế hệ trước, ta sẽ mang chứng bệnh bức xúc (stress) mà căn do không phải vì buồn phiền chuyện riêng tư về tình ái, thất bại dịch vụ mua bán nhà đất nhưng vì lý do sâu thẳm hơn, tận trong tiềm thức, trong vô thức. Đó là sự hụt hẫng về lịch sử, đôi chân sẽ không đứng vững trên mặt đất vì chẳng hiểu rằng Tổ quốc là sự gắn bó liên tục qua những ký ức tập thể, buồn vui".
Tác giả: Kiến trúc sư Lê Vũ Huy Nam tốt nghiệp Thạc sĩ Quy hoạch đô thị tại Đại học Công nghệ Tokyo năm 2007, sau đó làm việc trong chuyên ngành tư vấn quy hoạch và phát triển đô thị tại Nhật Bản. Ông về Việt Nam làm việc từ năm 2013.