Bức tử di tích

Hoàng Lam

(Dân trí) - Đã có không ít công trình văn hóa, lịch sử đã bị biến dạng, thậm chí là xóa sổ sau khi được trùng tu. Công trình giếng Ngọc cổ ở Thanh Hóa là một trong những trường hợp đã bị "bức tử" như vậy.

Những ngày qua, người dân xã Thiệu Trung (huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) và giới chuyên môn không khỏi xót xa, bức xúc khi giếng Ngọc có tuổi đời hàng trăm năm tuổi đã bị phá bỏ. Đây là hạng mục thuộc Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia đền thờ Lê Văn Hưu do UBND huyện Thiệu Hóa làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 38 tỷ đồng, nhân dịp kỉ niệm 700 năm ngày mất của nhà sử học được coi là người khai dựng quốc sử Việt Nam.

Bức tử di tích - 1

Khu vực giếng Ngọc đã bị phá bỏ và thay thế bằng một giếng mới, nhỏ hơn (Ảnh: M.T).

Điều đáng nói, khi thực hiện dự án, giếng Ngọc cổ đã bị thay thế bằng một giếng mới, bé hơn. Khi sự việc bị phát hiện, UBND tỉnh Thanh Hóa ngay lập tức có văn bản yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, UBND huyện Thiệu Hóa kiểm tra, làm rõ. Việc thi công dự án cũng được yêu cầu tạm dừng. Tuy nhiên, những động thái này đã không thể cứu được giếng Ngọc khi phần móng và bờ giếng đã bị đào phá nham nhở.

Đơn vị thực hiện dự án cho biết họ thi công theo đúng như thiết kế bản vẽ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định. Chính quyền địa phương cũng khẳng định trước khi trùng tu, các bước trình tự, thủ tục hồ sơ được thực hiện rất chặt chẽ và có lấy ý kiến của nhân dân, đa số người dân xã Thiệu Trung đồng tình việc trùng tu lại giếng Ngọc.

Đấy là trên mặt hồ sơ, thủ tục, còn trên thực tế, nhiều người dân, những người lớn lên và gắn bó gần hết cuộc đời với công trình này thì tỏ ra ngạc nhiên lẫn bức xúc vì bản thân họ không hề biết tới việc đập giếng cổ xây lại này.

Các công trình, di tích văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống lịch sử, văn hóa tinh thần của người dân. Trải qua hàng trăm năm với những biến thiên của lịch sử, sự bào mòn của thời gian và mưa gió, tình trạng xuống cấp, hư hỏng là không tránh khỏi. Việc trùng tu, bảo tồn các di tích là yêu cầu cấp thiết.

Đánh giá khách quan, công bằng thì công tác trùng tu, tôn tạo không chỉ giúp bảo tồn những giá trị văn hóa mà còn giúp diện mạo các di tích khởi sắc, chống chọi với thử thách của thời gian. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít công trình văn hóa, lịch sử đã bị biến dạng, thậm chí là xóa sổ sau khi được trùng tu.

Trùng tu, tôn tạo di tích là nhiệm vụ cấp thiết nhưng đây cũng là công việc vô cùng khó khăn, phức tạp, ngoài kiến thức chuyên môn còn là cách ứng xử, tôn trọng của người làm công tác bảo tồn đối với các giá trị gắn liền với di tích cũng như đối với đời sống tinh thần của người dân. Việc trùng tu, tôn tạo nhằm mục đích bảo vệ di tích và phải đảm bảo tính nguyên vẹn của nó, không thể chấp nhận mục đích khác và gây hại đến di tích.

Việc trùng tu, tôn tạo di tích phải trải qua nhiều bước xét duyệt, thẩm định chặt chẽ của các cơ quan có chuyên môn và tham khảo ý kiến của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong lĩnh vực này. Do vậy, khi xảy ra tình trạng đập đi xây lại, gây biến dạng di tích hay "xóa sổ" di tích, trước hết các cơ quan lập, phê duyệt và chính quyền sở tại nơi có di tích phải chịu trách nhiệm.

Trở lại công trình giếng cổ ở tỉnh Thanh Hóa, một công trình có tuổi đời hàng trăm năm, khi bị đập đi xây lại, dù có giống đến cỡ nào thì vẫn là "hàng giả", không thể giữ nguyên được giá trị vốn có, chưa kể sẽ tốn một nguồn kinh phí đáng kể nữa.

Rõ ràng trong vụ phá giếng Ngọc, đang có sự "vênh" nhau trong lý giải của chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan. Bởi vậy, ngoài việc tập trung để cứu giếng cổ, cần xem xét lại quy trình lập dự án, phê duyệt thiết kế, phương án thi công, gắn trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, tập thể, cơ quan chuyên môn...

Không thể để tiếp tục tái diễn tình trạng "bức tử" di tích núp bóng các dự án trùng tu, tôn tạo, bởi chứa đựng trong những tài sản vô giá đó là hồn cốt dân tộc, là đời sống văn hóa tinh thần, là giá trị lịch sử lớn lao mà chúng ta giữ lại cho hậu thế mai sau.