Tâm điểm
Bùi Minh Đức

"Trách nhiệm xã hội" của người độc thân

Độc thân ở tuổi 31 đi cùng với nhiều áp lực. Trong những cuộc họp gia đình, tôi thường là tâm điểm của mọi sự chú ý khi người nhà sẽ hỏi xem tôi bao giờ có ý định kết hôn. Gặp bạn bè ở tuổi này, thay vì hỏi "dạo này tôi có khỏe không?", bạn bè sẽ hỏi "vợ con dạo này thế nào rồi?".

Những áp lực tinh thần đó tôi có thể giải quyết nhưng trên thực tế, người độc thân cũng có những áp lực tài chính đặc thù.

Mới đây, khi thông tin tăng trách nhiệm đóng góp xã hội với người độc thân được lan truyền trên mạng xã hội, câu chuyện nhận được sự quan tâm của đông đảo cộng đồng độc thân. Cụ thể, chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 đã đề ra việc "Từng bước thí điểm các biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng đối với những trường hợp cá nhân không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn".

Tăng trách nhiệm đóng góp với người độc thân, "đánh thuế" người độc thân hay những biện pháp tài chính nhắm đến người độc thân thực tế không phải câu chuyện quá mới mẻ. 

Trách nhiệm xã hội của người độc thân - 1

Người độc thân có những áp lực tinh thần và áp lực tài chính đặc thù (Ảnh minh họa: CV)

Tại nhiều quốc gia, khái niệm "thuế độc thân" tuy không được thể hiện một cách trực tiếp, nhưng luật pháp nhiều nước có đề cập tới những khoản chi phí phát sinh khi bạn không kết hôn và sinh con, hoặc những khoản hỗ trợ tài chính chỉ dành riêng cho các cặp đôi hoặc gia đình có con. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. 

Ví dụ, người lao động có con ở Việt Nam sẽ được trừ thu nhập chịu thuế, hưởng ưu đãi về giảm trừ gia cảnh phù hợp. Tại nhiều công ty, chính sách hỗ trợ thường được thiết kế dành cho những người đã có gia đình và có con, ví dụ đơn giản là phần thưởng cho những cháu học giỏi, có bằng khen.v.v… Đây là những đặc quyền người độc thân không được hưởng. 

Tại Mỹ, khi hai người kết hôn và quyết định khai thuế chung, mức thuế giảm trừ có thể lên tới 29.200 USD, so với 14.600 USD khi khai thuế dưới danh nghĩa cá nhân. Nếu một trong hai người có thu nhập kém hơn nhiều so với người còn lại, việc khai thuế chung có thể giúp hai vợ chồng được hưởng ưu đãi theo mức thuế của người có thu nhập thấp hơn, thay vì chịu thuế cao.

Những thông tin trên không mới, chỉ là đa phần với người Việt - đặc biệt là những người độc thân, ít khi chúng tôi quan tâm tới quyền lợi của những cặp đôi về thuế, chưa nói tới những vấn đề khác như hỗ trợ mua nhà ở xã hội, hỗ trợ cho gia đình với trẻ nhỏ. 

Tôi đồng ý với việc Nhà nước đưa ra những chính sách nhằm tăng tỷ suất sinh. Nhưng liệu tăng trách nhiệm xã hội với người độc thân (ở đây nhiều người hiểu là tăng trách nhiệm tài chính) có phải là một hình thức hiệu quả?

Thứ nhất, trong rất nhiều nguyên nhân dẫn tới câu chuyện không muốn kết hôn, không muốn sinh con, thì thu nhập bấp bênh cùng chi phí đắt đỏ của việc nuôi con là rào cản với nhiều người, đặc biệt tại các đô thị, nơi có tỷ lệ sinh thấp. Theo khảo sát được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện năm 2023, 75% số người lao động được phỏng vấn khẳng định thu nhập không đủ để đảm bảo mức chi tiêu tối thiểu. Liệu với những người thu nhập đã không đủ chi tiêu cho cá nhân, "tăng trách nhiệm xã hội" có phải hình thức tốt để thúc đẩy việc kết hôn và sinh con hay không? Với những người có thu nhập cao, việc "tăng trách nhiệm xã hội" vốn không ảnh hưởng quá nhiều tới khả năng tài chính của họ để phải kết hôn, nếu đây không phải nguyện vọng của họ.

Thứ hai, tăng trách nhiệm xã hội với người độc thân để thúc đẩy hôn nhân cần phải làm rõ, đối tượng độc thân và không sinh con ở đây là ai? Họ không sinh con tự nguyện hay họ gặp những vấn đề y tế dẫn đến khả năng không thể sinh con? Số liệu đưa ra vào năm 2023 cho thấy Việt Nam là nước đang có tỷ lệ vô sinh cao, khoảng 7.7%.  Trong khi họ là những người cần hỗ trợ tài chính để thực hiện các biện pháp can thiệp y tế hỗ trợ sinh nở, "tăng trách nhiệm xã hội" khi họ chưa thể sinh nở liệu có phù hợp? Các nhà làm luật cần thực sự cân nhắc tới nhóm gia đình trên.

Tôi không đại diện cho những người độc thân trên cả nước, nhưng từ trải nghiệm cá nhân, việc "tăng trách nhiệm xã hội với người độc thân" không khiến tôi muốn kết hôn, vì nếu đặt lên bàn cân, "trách nhiệm xã hội" như cách mọi người vẫn đang suy đoán không thể nào lớn hơn những áp lực của hôn nhân vẫn chưa được giải quyết và tháo gỡ triệt để.

Câu chuyện tăng tỷ lệ kết hôn, tăng tỷ lệ sinh vẫn giống như "cây gậy và củ cà rốt". Việc "tăng trách nhiệm với người độc thân" là câu chuyện "cây gậy" trong khi điều nên làm nhiều hơn là "củ cà rốt": Đưa thêm nhiều những ưu đãi, chính sách cho các cặp đôi, từ chính sách thuế, nhà ở xã hội, cho đến bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ thai sản cho vợ chồng… Ở đây sẽ là vấn đề về diễn ngôn nhiều hơn: Thay vì nói tăng trách nhiệm với người độc thân, hãy nói hỗ trợ các gia đình kết hôn và sinh con. Còn chúng tôi, những người độc thân hiểu sẽ có những khoản trách nhiệm mình cần gánh, và trên thực tế đã gánh nhiều hơn. 

Mục tiêu tăng mức sinh trong bối cảnh thế hệ trẻ ngày càng "lười đẻ" là đúng đắn và phù hợp ở bối cảnh hiện tại. Tuy nhiên tôi cho rằng cần có cách tiếp cận phù hợp về việc tăng trách nhiệm với người độc thân, tránh gây nên tâm lý phản kháng. Các đòn bẩy tài chính theo hình thức "củ cà rốt" còn chưa thực sự hiệu quả tại nhiều quốc gia trên thế giới, khi các khoản hỗ trợ tài chính rất nhiều, nhưng vẫn chưa khiến phụ nữ mặn mà kết hôn và sinh con, huống chi đến những hình thức "cây gậy"?

Muốn người độc thân kết hôn, phải thực sự lắng nghe, thực hiện khảo sát phổ rộng để hiểu họ muốn gì và cần gì. Nếu coi đây là một bài toán quan trọng mỗi quốc gia cần giải trong thế kỷ 21, đầu vào thông tin đã sai thì đáp án chắc chắn cũng sẽ sai.

Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!