Thói côn đồ và sự vô ơn
Trong những ngày qua đã xảy ra hai sự việc khiến lòng người day dứt. Đó là hành vi của những kẻ có máu côn đồ trong vụ việc hành hung một cô giáo tiểu học giữa trời mưa, và vụ bác sỹ bị người nhà đấm đạp ngay trong lúc đang ra sức cứu chữa cho con gái của họ khỏi cơn nguy kịch tại bệnh viện.
Thật đau lòng khi nạn nhân của thói côn đồ lại chính là những người được xã hội gọi là người thầy đáng kính và lẽ ra cần được tôn vinh, bảo vệ: thầy giáo, thầy thuốc!
Một cô giáo bé nhỏ đã bị một phụ huynh học sinh có hành vi vặn tay, tát liên tiếp vào đầu, mặt. Người đàn ông này sau đó túm tóc cô, đẩy nữ giáo viên ra đứng dưới mưa để hành hạ, lăng nhục. Sự việc xảy ra trước mặt nhiều phụ huynh và học sinh đang đứng chờ trời tạnh mưa sau giờ tan lớp.

Người đàn ông tấn công nữ giáo viên trước cửa lớp học trước khi túm tóc kéo ra đứng dưới mưa (Ảnh: Cắt từ clip).
Clip ghi lại sự việc cho thấy, cô N. đã cầu cứu sự giúp đỡ khi bị tấn công. Tuy nhiên, chỉ một người có hành động can ngăn. Cảnh tượng thật đau lòng, không chỉ là tàn ác mà còn chà đạp phẩm giá con người không thể chấp nhận. Kẻ côn đồ đã bị tạm giữ và rồi đây cơ quan chức năng sẽ làm rõ cơ sự để có biện pháp xử lý thích đáng.
Nguồn cơn của câu chuyện sẽ được làm rõ nhưng bất cứ lý do gì cũng không thể biện minh cho hành vi bạo lực như thế với một phụ nữ bé nhỏ, hơn nữa lại là một cô giáo tiểu học, người đã hàng ngày, hàng giờ trực tiếp nuôi dạy con cháu chúng ta những điều tốt đẹp nhất về lòng nhân ái, tình yêu thương và sự bao dung. Thật tội nghiệp cho những đứa trẻ vô tội phải chứng kiến cảnh tượng đau lòng đó. Ai cũng có con đi học và không phải cha mẹ nào cũng hài lòng về mọi thứ diễn ra ở trường, ở lớp. Nhưng có một điều mà tuyệt đại bộ phận các bậc phụ huynh đều chia sẻ với sự vất vả của các thầy, các cô, những người luôn phải chịu sức ép về bất cứ điều gì xảy ra với các em khi ở trường, nhất là những cô giáo mầm non, tiểu học, khi mà các em còn quá non nớt, chưa hiểu và hành xử đúng sai, phải trái.
Cứ nghĩ đến việc mỗi gia đình chỉ 1-2 con mà mẹ cha đã vất vả trong việc bảo ban, giáo dục và đôi khi không kiềm chế được đã phải quát tháo, đòn roi mới thấy sự vất vả của thầy cô ở lớp học khi phải "quản" mấy chục em với đủ loại tính cách. Sự chia sẻ và cao hơn nữa là lòng biết ơn đã ở đâu đối với chính người đang cùng mình dạy dỗ những đứa trẻ non nớt lên người? Chỉ những kẻ vô giáo dục mới hành động tàn tệ đến như thế!
Nỗi đau không chỉ là những vết bầm trên người cô giáo, mà là sự đau xót của cả xã hội về lòng dạ và cách hành xử của con người trong một xã hội văn minh.
Câu chuyện về các thầy thuốc bị hành hung ngay khi đang tận lực cứu chữa cho người nhà của kẻ côn đồ cũng gây kinh ngạc và phẫn nộ tương tự. Trong khi các nhân viên y tế tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba (Phú Thọ) đang cấp cứu, ép tim bệnh nhân 12 tuổi bị sốc phản vệ, một người nhà bệnh nhân bất ngờ xông vào, đạp thẳng vào bụng một bác sĩ vừa thực hiện ép tim cho bệnh nhân. Người thầy thuốc khi đó hẳn là không phải chỉ nén đau mà còn phải nén cả những giọt nước mắt rơi xuống để tập trung mọi trí tuệ, hoàn thành được sứ mệnh cao cả trị bệnh cứu người.
Còn chúng ta thì không, bất kỳ ai có lương tri đều sẽ rơi nước mắt khi chứng kiến sự việc có một không hai như thế! Việc các y bác sỹ bị người nhà hành hung cũng đã từng nhiều lần xảy ra, nhưng hiếm khi nào lại có chuyện bác sỹ bị tấn công trong lúc đang cố gắng giành giật với tử thần để bảo vệ mạng sống cho chính con cháu của họ.
Khi có người ốm đau tai nạn, mọi người đều phải đưa người nhà vào viện mong được tai qua, nạn khỏi và một khi đã vào bệnh viện thì mọi sự phải tuân thủ vào nội quy, quy chế, nhất là trông cậy vào chuyên môn và sự tận tâm của những người thầy thuốc. Cứu mạng sống của con người là chuyện vô cùng hệ trọng và căng thẳng, đòi hỏi những quyết định và hành động chính xác của người thầy thuốc theo những quy trình hết sức nghiêm ngặt. Không thể lấy sự lo lắng, sốt ruột mà đòi hỏi hay "chỉ đạo" những người có chuyên môn, lại càng không có quyền lăng mạ chửi bới, thậm chí là thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với chính những người bác sỹ. Hành động đó chỉ có thể là của những kẻ côn đồ vô ơn.
Những sự việc như vậy xảy ra, không chỉ mang đến rủi ro cho người thầy khiến họ mất đi phần nào tinh thần và nhiệt huyết trong công việc đầy ý nghĩa nhân văn, mà còn là sự day dứt và nỗi đau của xã hội. Sự tri ân, vinh danh người thầy giáo, thầy thuốc không chỉ là những biểu ngữ, băng rôn, những bó hoa tươi trong dịp lễ tết mà họ cần lắm sự chia sẻ về nỗi vất vả trong công việc của mình.
Sự trừng phạt của pháp luật đối với những hành vi côn đồ, thô bạo là cần thiết nhưng cần lắm sự chung tay của toàn xã hội, luôn hiện diện khích lệ, bảo vệ hàng ngày, hàng giờ những thầy cô giáo, những y, bác sỹ để họ có thể tận tâm với công việc cao cả của mình. Một xã hội tốt đẹp luôn hàm chứa sự tri ân, hiếu lễ và điều đó không chỉ trông đợi vào chính sách, luật pháp của Nhà nước mà còn là tình thương và trách nhiệm của mỗi thành viên trong cộng đồng.
Tác giả: TS Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) là cán bộ đã có hơn 34 năm công tác trong ngành Thanh tra; trong đó 16 năm làm công tác nghiên cứu khoa học, từng giữ chức Viện trưởng Viện chiến lược và khoa học thanh tra; thời gian còn lại ông gắn bó với công tác pháp chế, tham gia quá trình soạn thảo Luật Phòng chống tham nhũng và các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!