Bác sĩ bị đánh khi cứu người: Giải pháp nào?
Vừa qua dư luận đã lên án gia đình bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba (Phú Thọ) bởi những hành động và lời nói không phù hợp với các y, bác sĩ đang cấp cứu cho chính con trai của họ.
Tôi không phê phán gia đình bệnh nhân vì ở vào địa vị ấy, chắc chắn ai cũng mất bình tĩnh trong những phút giây sinh tử. Nhưng giá như có hệ thống bảo vệ chuyên nghiệp, cách ly sớm thân nhân khỏi khu vực cấp cứu, và có các điều luật đủ mạnh để kìm hãm những cái đầu đang bốc hỏa, chắc chắn chính người mẹ ấy sẽ ôm lấy các y bác sĩ đã cứu sống con mình, và cái kết sẽ là một câu chuyện thật cảm động, đầy tính nhân văn.
Trong nghề của chúng tôi, không ai có thể nói trước được 100% các ca phẫu thuật và thủ thuật sẽ thành công. Người thầy và cũng là người chú kính yêu của tôi - GS.TS Nguyễn Lân Việt - luôn nói trong các buổi họp giao ban: "Làm nhiều thì sẽ gặp biến chứng, chỉ có ai không làm mới không có biến chứng". Và thầy luôn bình tĩnh phân tích, tìm ra nguyên nhân để các bác sĩ "tâm phục, khẩu phục".

Khi đang bước ra ngoài cửa, nam nhân viên y tế bị một người nhà đạp thẳng vào bụng (Ảnh chụp từ clip).
Sự cố không mong muốn trong y khoa luôn hiện hữu, ngay cả ở các nước rất phát triển. Như Mỹ có gần 100.000 bệnh nhân tử vong hàng năm do sự cố y khoa - cao hơn số người tử vong do tai nạn giao thông, ung thư vú và HIV. Báo cáo của Bộ Y tế Anh cũng cho thấy sự cố y khoa chiếm khoảng 10% số ca nhập viện. Vậy các bạn có thể ước tính với trình độ y tế của Việt Nam, con số này sẽ như thế nào.
Vấn đề tôi muốn bàn đến ở đây là thái độ của các bên khi sự cố xảy ra và cách nào giảm bớt các biến cố đáng tiếc đang xuất hiện ngày càng nhiều trên mặt báo.
Khi bệnh nhân và người nhà biết có biến chứng xảy ra, phản ứng tự nhiên là cảm giác giận dữ, bị phản bội. Trong họ luôn thường trực suy nghĩ "bác sĩ không trung thực", do đó họ luôn có ý định kiện cáo.
Còn bác sĩ thì sao? Cảm giác xấu hổ, nhục nhã, sợ hãi, thậm chí hoảng loạn, nghi ngờ chính bản thân mình. Họ lo lắng cho danh tiếng bản thân, về khả năng xảy ra các sai sót trong tương lai và dần dần sẽ hết yêu nghề, mất tự tin trong công việc.
Những phản ứng ấy xảy ra ở tất cả bác sĩ. Bác sĩ càng giỏi, càng có kinh nghiệm, phản ứng càng nặng nề hơn. Tôi đã tận mắt chứng kiến sự đau khổ của đồng nghiệp, một người anh, một bác sĩ mắt cự phách, chỉ vì một sự cố y khoa đã hành động cực đoan và ra đi mãi mãi.
Chúng ta đang hướng đến một nhà nước pháp quyền, xin được phép nhắc lại định nghĩa này. Nhà nước pháp quyền theo quan điểm của các nhà tư tưởng trong lịch sử nhân loại, là nhà nước bảo đảm tính tối thượng của pháp luật trong đời sống xã hội. Trong đó, pháp luật phải phản ánh ý chí chung, lợi ích chung của nhân dân; thực hiện và bảo vệ quyền tự do, dân chủ của nhân dân; chịu trách nhiệm trước công dân về những hoạt động của mình và yêu cầu công dân thực hiện các nghĩa vụ đối với nhà nước, xã hội.
Chính vì vậy, để không xảy ra những câu chuyện như trên, rất cần thiết củng cố hành lang pháp lý, mà cụ thể ở đây là đạo luật chống bạo hành y tế.
Tuy Luật Khám chữa bệnh sửa đổi đã có những điều khoản răn đe nhưng trong thực tế chưa phát huy được tác dụng.
Chúng ta cần có điều luật cụ thể hơn về việc xâm hại sức khỏe và tinh thần đối với nhân viên y tế trong các tình huống khám, chữa bệnh thông thường và cấp cứu. Chúng ta cũng cần có quy định cụ thể nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của lực lượng bảo vệ bệnh viện với việc được sử dụng các trang thiết bị hỗ trợ.
Rồi quy định dùng hình ảnh trích xuất camera, điều khoản tăng nặng khi sử dụng hình ảnh nhân viên y tế và khoa phòng điều trị trên mạng xã hội mà chưa được sự chấp thuận của đơn vị, cá nhân liên quan... Còn rất nhiều nội dung cần quy định chi tiết thành điều khoản trong luật.
Chắc hẳn sẽ có người thắc mắc, nếu mỗi ngành đều có điều luật bảo vệ nhân viên của mình thì sẽ thành một "rừng luật". Nhưng xin thưa, luật pháp được xây dựng dựa trên hoạt động thực tiễn của xã hội. Với những hiện tượng được coi là nghiêm trọng, tác động lớn đến đời sống người dân, chúng ta cần những đạo luật đủ mạnh để giải quyết.
Ngành y là một ngành đặc biệt, hiện tượng hành hung nhân viên y tế chưa bao giờ chấm dứt, gây tác động đặc biệt tới phạm trù đạo đức toàn xã hội khi bác sĩ chữa bệnh cứu người lại bị chính người thân của họ đánh chửi, bạo hành.
Ngành Y tế Việt Nam, vì thế, xứng đáng có được một điều luật bảo vệ, để những y, bác sĩ như chúng tôi yên tâm làm nghề.
Tác giả: Ông Nguyễn Lân Hiếu là bác sĩ chuyên ngành tim mạch, Phó giáo sư, Tiến sĩ Y khoa; Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; thành viên của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khóa XIV, XV.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!