Tâm điểm
Bùi Mẫn

Thảo Cầm Viên di sản đặc biệt, cần đặc biệt giữ gìn

Tuổi thơ tôi có nhiều kỷ niệm đẹp gắn liền với Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Từ khi 4-5 tuổi, tôi đã được bố mẹ dẫn vào Thảo Cầm Viên để xem thú, chụp hình và ăn kem - những việc mà có lẽ bất cứ đứa trẻ nào ở thành phố cũng thích thú. Thỉnh thoảng, các thầy cô ở trường tiểu học cũng tổ chức cho cả lớp đi tham quan sở thú. Tôi thậm chí từng trèo lên hái me ở những hàng me cổ thụ xung quanh Thảo Cầm Viên.

Không chỉ người dân thành phố và du khách trong nước, mà người nước ngoài đến TPHCM thì Thảo Cầm Viên cũng là địa chỉ tham quan ưu tiên. Năm 2005, tôi đón chào một đoàn khách người Nhật, gồm giáo sư của tôi và một số nhà nghiên cứu đi khảo sát địa chất tại Cần Thơ và các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long. Trong khoảng thời gian rất ít của chuyến công tác, đoàn chỉ mong ước được đi thăm hai nơi: đầu tiên là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Đền Hùng nằm trong Thảo Cầm Viên và sau đó là Bảo tàng chứng tích chiến tranh.

Thảo Cầm Viên di sản đặc biệt, cần đặc biệt giữ gìn - 1

Khu vực Thảo Cầm Viên Sài Gòn nhìn từ trên cao (Ảnh: Hải Long)

Thảo Cầm Viên Sài Gòn (Sài Gòn Botanical Garden), được xây dựng vào năm 1864, là một trong những vườn bách thảo - bách thú lâu đời nhất thế giới, xếp ngang với các vườn danh tiếng tại Italy, London, Paris, Berlin. Với diện tích 12ha, khu vực Thảo Cầm Viên được quy hoạch bởi bác sĩ thú y người Pháp, Louis Adolphe Germain, nhằm nuôi dưỡng và bảo tồn động thực vật toàn Đông Dương. Sau đó, khu vườn được mở rộng và phát triển thành một khu bảo tồn, nghiên cứu và giải trí, giữ vai trò quan trọng trong việc giáo dục và bảo vệ thiên nhiên.

Gần đây, thông tin Thảo Cầm Viên bị truy thu 850 tỷ đồng tiền thuế đất đã khiến nhiều người lo lắng, rằng Thảo Cầm Viên đứng trước nguy cơ đóng cửa.

Sự lo lắng càng tăng lên trong bối cảnh thành phố đang thiếu trầm trọng không gian công cộng và chất lượng không khí ngày càng xuống cấp. Trong thực tế những năm qua nhiều biệt thự cổ hàng trăm năm tuổi, một số tòa nhà lịch sử… đã bị phá bỏ, thay vào đó là những khối bê tông cao tầng vô hồn.

Về quy hoạch đô thị từ thời Pháp, trục đại lộ Lê Duẩn ngày nay đã có lịch sử hơn 160 năm, cùng đại lộ Nguyễn Huệ tạo thành hai trục "hệ quy chiếu", là "tọa độ gốc" để thành phố hình thành và phát triển. Trục Nguyễn Huệ, với đầu đường là Tòa đô chính (nay là UBND TPHCM) và cuối đường là sông Sài Gòn - "con sông mẹ" nuôi dưỡng thành phố. Trong khi đó, đường Thống Nhất bắt đầu từ Thảo Cầm Viên - biểu tượng của mẹ thiên nhiên, đi qua Nhà thờ Đức Bà và kết thúc tại Dinh Độc Lập. Hai con đường này, tuy ngắn nhưng mang ý nghĩa lịch sử, di sản, văn hóa sâu sắc của thành phố.

Như chúng ta đã biết, trong lòng Thảo Cầm Viên, bên cạnh hệ thống động vật - thực vật đặc hữu và quý hiếm, còn có Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và tượng Voi Đồng (quà của vua Xiêm tặng triều Nguyễn) đặt trước Đền Hùng, đều là những công trình, hiện vật cần được chăm lo, giữ gìn và bảo tồn. Thảo Cầm Viên vì vậy không chỉ là một khu vườn thú hay "lá phổi xanh", mà còn là di sản vô giá, góp phần làm nên bản sắc của thành phố, biểu tượng văn hóa - lịch sử gắn với thành phố hơn 160 năm qua.

Thảo Cầm Viên di sản đặc biệt, cần đặc biệt giữ gìn - 2

Bên trong Thảo Cầm Viên Sài Gòn (Ảnh: Hải Long)

Tên gọi "Thảo Cầm Viên Sài Gòn" hay "Sài Gòn Botanical Garden" đã gợi lên bề dày lịch sử và là điểm nhấn trong marketing du lịch, chứa những câu chuyện "đắt giá" mà TPHCM cần kể cho du khách.

Bao quanh Thảo Cầm Viên là con kênh Thị Nghè, càng làm đậm nét đặc trưng của thành phố sông nước. Nếu được khai thác tốt, như xây dựng một cây cầu đi bộ kiến trúc độc đáo nối Thảo Cầm Viên với tả ngạn, thành phố sẽ tạo thêm điểm nhấn và giúp nhân dân dễ dàng tiếp cận. Đây là cách nâng tầm và bảo tồn di sản, kết hợp nâng cao chất lượng sống, tăng tính bền vững và khả năng thích ứng của không gian đô thị.

Chúng ta có thể học London, một thành phố quốc tế hàng đầu, nổi tiếng với hệ thống công viên rộng lớn và rất nhiều tòa nhà cổ thấp tầng được bảo tồn hàng trăm năm. Những không gian này không chỉ là "lá phổi" cho thành phố mà còn tăng vẻ đẹp cảnh quan, giá trị bất động sản và thu hút du khách khắp nơi.

Đây cũng chính là triết lý xây dựng đô thị "cho mọi người", đô thị với chiều sâu lịch sử, với cái hồn và với cảm xúc "thuộc về".

Thảo Cầm Viên còn có thể học tập các vườn thượng uyển lâu đời như Royal Botanic Garden (Edinburgh, Scotland) hay Kew Garden (London), nơi thu hút hàng chục triệu khách mỗi năm nhờ các vườn kỳ hoa dị thảo.

Với trào lưu xây dựng hình ảnh trên mạng xã hội, việc trồng thêm các loài hoa rực rỡ như hồng, tulip, hay những loại cây quý hiếm như cây "ăn thịt" chắc chắn sẽ thu hút đông đảo du khách. Quan trọng không kém, bốn mặt bao quanh Thảo Cầm Viên cần được chỉnh trang, nâng tầm di sản một cách trân trọng nhất và theo phong cách "đậm nét thời gian."

Bảo tồn và phát triển Thảo Cầm Viên đúng hướng chính là góp phần bảo vệ "cái thần, cái hồn" của TPHCM, hướng tới phát triển bền vững. Đây không chỉ là trách nhiệm của các nhà quản lý mà còn là nghĩa vụ và niềm tự hào của mỗi người dân yêu thành phố này.

Tác giả: TS Bùi Mẫn, Giám đốc Phòng thí nghiệm GTC Soil Analysis Services tại Dubai, là chuyên gia cao cấp trong nghiên cứu đặc tính đất và thí nghiệm địa kỹ thuật tiên tiến, với trọng tâm về quản lý và kiểm soát chất lượng. Ông từng giảng dạy tại Đại học Bách khoa TPHCM và tham gia nhiều dự án hạ tầng lớn cùng các công ty tư vấn hàng đầu như Fugro, WS Atkins, và Amec Foster Wheeler.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!