Hành động đặc biệt của trưởng thôn Vàng Seo Chứ
Trong cơn mưa bão, lũ lụt chia cắt giao thông và hạn chế thông tin liên lạc, việc 115 người dân thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà (Lào Cai) "mất tích" khiến cộng đồng không khỏi lo lắng, trông mong tin tức từng phút, từng giờ.
Và rồi chúng ta thở phào nhẹ nhõm khi biết rằng tất cả người dân ở thôn Kho Vàng đều an toàn nhờ hành động đặc biệt của trưởng thôn Vàng Seo Chứ.
Theo lời kể của anh Chứ, suốt đêm 8/9 và sáng sớm 9/9, thấy trời mưa không ngớt, linh cảm mách bảo quả đồi lớn sau khu dân cư có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào, anh đã cử người đi nắm tình hình và quyết định sơ tán 115 người dân lên núi lánh nạn.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Quốc Nghi, Bí thư Đảng ủy xã Cốc Lầu, nhận định anh Chứ đã thể hiện sự nhanh nhạy trong việc đưa người dân lên núi lánh nạn. Trước khi xảy ra mưa bão, sạt lở trên địa bàn xã, chính quyền xã đã thường xuyên gọi điện, tuyên truyền cho các trưởng thôn ở toàn bộ xã về việc phòng chống bão lũ, và nhắc nhở các trưởng thôn có kế hoạch để giúp bà con tránh thiên tai.
"Không chỉ riêng thôn của anh Chứ, trước khi xảy ra bão lũ, chính quyền địa phương đã tuyên truyền cho toàn bộ các trưởng thôn về việc phòng chống bão lũ cho nhân dân. Đặc biệt, khu vực thôn Kho Vàng là nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét cao, nên chính quyền đã liên tục gọi điện cho anh Chứ để anh này có kế hoạch di tản người dân tới nơi an toàn khi bão lũ, sạt lở xảy ra", ông Nghị nói.
Cũng theo Bí thư Đảng ủy xã Cốc Lầu, sau khi xảy ra mưa bão, anh Chứ đã chủ động cho người đi kiểm tra đồi núi để nắm tình hình sạt lở, và việc anh Chứ chọn địa điểm di tản người dân lên núi lánh nạn "là quyết định của anh ấy".
Có thể nói đây là quyết định dựa trên kinh nghiệm và bản lĩnh trong thời khắc thử thách của người trưởng thôn, vì lúc đó anh Chứ không thể liên lạc với bên ngoài bằng điện thoại. Họ đã bị thiên tai cô lập.
Câu chuyện ở thôn Kho Vàng một lần nữa đặt ra vấn đề, phòng chống thiên tai không thể chỉ dựa vào dự báo của siêu máy tính hay các phương tiện, trang thiết bị hiện đại. Tất cả đều bất lực trước cơn cuồng nộ mưa to, gió quật, lũ quét… Đây là lúc con người phải dựa vào kinh nghiệm truyền thống, dựa vào kiến thức bản địa.
Rõ ràng, việc phát triển khoa học công nghệ để phòng chống thiên tai phải đi cùng với giữ gìn và phát huy kiến thức bản địa.
Kiến thức bản địa thật ra đã là một dạng khoa học, "khoa học thuận thiên", có tính thích nghi cao và quan trọng là hiểu đúng địa hình, địa chất vùng miền cụ thể. Trong khoa học này, người trưởng thôn chính là chuyên gia. Trải nghiệm, kinh nghiệm khác thực nghiệm. Khoa học thực nghiệm giúp khám phá ra những cái mới. Tuy nhiên, tôn trọng tri thức bản địa và lưu truyền chúng thì không chỉ khuyến khích, mà cần phải có chính sách hỗ trợ. Việc kết hợp kiến thức bản địa với nghiên cứu khoa học có tiềm năng nâng cao tính toàn diện và hiệu quả của các hệ thống quản lý thảm họa tự nhiên và sinh thái. Phương pháp tích hợp này có thể khắc phục những khoảng trống kiến thức và đưa ra câu trả lời toàn diện cho các vấn đề môi trường phức tạp.
Góc độ khác thì chúng ta còn nhìn thấy ở trưởng thôn Vàng Seo Chứ bản lĩnh người đứng đầu, biết đoàn kết, thuyết phục người dân và đưa ra quyết định đúng trong thời khắc khó khăn. Chắc chắn là với hành động đặc biệt của mình, anh sẽ được ghi nhận một cách xứng đáng.
Để phát triển bền vững chúng ta cần sự kết hợp của khoa học và tri thức bản địa. Sự hiểu biết sâu sắc của họ với các hệ sinh thái khu vực cho phép họ dự đoán và phản ứng thành công với những thay đổi trong môi trường. Trí tuệ bản địa bao gồm các chuỗi phản ứng đã vun đắp từ nhiều thế kỷ, rất hữu ích để kiểm soát và giảm thiểu tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan. Các phản ứng này thường có khả năng thích ứng và có thể được tùy chỉnh theo một số hoàn cảnh môi trường nhất định, rất cần được tích lũy, giữ gìn thành các "thư viện" quan trọng lưu truyền cho thế hệ sau.
Mọi vấn đề đều có giải pháp, thiên tai thì không. Do đó, nói "quản lý" là hàm ý giảm thiểu thiệt hại. Hai cách chính là tăng khả năng giảm nhẹ (mitigation); và tăng khả năng thích ứng (apdaptation). Nhìn chung, các hệ thống kiến thức bản địa không chỉ cung cấp các giá trị văn hóa, trí tuệ, truyền thống mà còn cung cấp thông tin, quan sát và giải pháp cho biến đổi khí hậu và biến động thời tiết chính xác và hữu ích với độ tin cậy rất cao.
Bằng cách tôn trọng và kết hợp kiến thức bản địa với khoa học hiện đại, chúng ta có thể nâng cao khả năng dự đoán, chuẩn bị và ứng phó với thảm họa thời tiết, xây dựng được các cộng đồng kiên cường và bền vững hơn. Đó chính là thực hiện chính sách đa dạng và dung hợp.
Cuối cùng, xin được hoan hô trưởng thôn Vàng Seo Chứ!
Tác giả: Ông Phạm Việt Anh tốt nghiệp Tiến sĩ quản trị kinh doanh bền vững (DBA), MBA quản trị nhân lực và Thạc sĩ Quản lý Sức khỏe. Ông có hơn 25 năm kinh nghiệm tư vấn cho nhiều tổ chức trong nước và quốc tế tại Việt Nam về chiến lược tăng trưởng, thương hiệu.
Những năm gần đây, ông chuyển trọng tâm sang Phát triển bền vững và hiện là Cố vấn bền vững cho một số doanh nghiệp có cùng mục tiêu. Ông Việt Anh đang hoàn thành nghiên cứu sinh Tiến sĩ (PhD) về Phát triển bền vững thuộc một định chế Liên Chính phủ (U.N Treaty University).
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!