Sông Sài Gòn: Con đường từ di sản đến tương lai
Sông Sài Gòn với chiều dài 80km uốn lượn qua TPHCM và hệ thống kênh rạch chằng chịt, được xem là "mạch sống" của thành phố.
Từ những ngày đầu, sông Sài Gòn đã là tuyến thương mại chiến lược, giúp hình thành các khu định cư sầm uất như Bến Thành, Bến Nghé, Chợ Lớn. Nhiều chợ đầu mối cũng hình thành tại các bến sông. Thương Cảng Sài Gòn được phát triển vào thế kỷ 19. Nhờ kết nối tốt với đường bộ, đường sắt, đường thủy, một lượng lớn hàng hóa xuất nhập khẩu đã đi qua Cảng Sài Gòn.
Quân Cảng Sài Gòn, thành lập từ cuối thế kỷ 18, là một căn cứ quân sự chiến lược, đóng vai trò quan trọng trong các xung đột quân sự.
Sông nước Sài Gòn còn chứa đựng nhiều ý nghĩa văn hóa và tâm linh. Am, miếu, đình, chùa, hay nhà thờ thường được xây gần các bến sông/bến đình. Sân đình, sân chùa là nơi diễn ra các hình thức văn hóa dân gian như hát bội, cải lương, tài tử, và ca múa dân gian.
Hệ thống sông nước ở TPHCM có vai trò "sống còn" trong quản lý tài nguyên nước và trị thủy. Hiện nay Sông Sài Gòn cung cấp cho thành phố 310.000m3 nước sạch mỗi ngày.
Người Pháp giới thiệu khái niệm quy hoạch đô thị châu Âu, biến Sài Gòn thành thành phố cảng với mạng lưới kênh rạch mang nét tương đồng với Venice của Ý. Nhiều công trình quan trọng đã được xây dựng ven sông, tạo nên trung tâm kinh tế, như Tòa Đô Chính (nay là UBND TPHCM), Dinh Thống Nhất, Bưu điện Trung tâm, Nhà thờ Đức Bà, Nhà Hát Lớn…
Những thách thức
Tuy vậy, trong quá trình phát triển, hệ thống sông nước ở TPHCM gặp nhiều thách thức. Khá nhiều kênh rạch bị lấn chiếm bởi dân nhập cư và bị ô nhiễm. Quá trình đô thị hóa thiếu bền vững làm môi trường nước xuống cấp. Nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt đổ ra sông Sài Gòn không qua xử lý; rác thải cũng bị xả trực tiếp xuống các dòng kênh.
Ngập lụt đã trở nên trầm trọng tỷ lệ thuận với quá trình bê tông hóa, do không còn các hệ thống trữ nước tự nhiên và giảm đáng kể lưu lượng của sông và kênh rạch.
Hệ thống cống ngầm kém hiệu quả, biến đổi khí hậu, địa hình trũng, địa chất yếu, và lún sụt địa tầng do khai thác nước ngầm đã làm tình trạng ngập lụt thêm trầm kha, gây thiệt hại lớn về tài sản, sức khỏe và thời gian của người dân.
Quy hoạch tái sinh hệ thống sông nước
Để đối phó với những thách thức trên, việc quy hoạch sông Sài Gòn và tái sinh hệ thống kênh rạch là nhiệm vụ quan trọng nằm trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chung thành phố.
Các mục tiêu chính yếu bao gồm cải thiện chất lượng nước, giảm rủi ro ngập lụt, tăng cường đa dạng sinh học, thúc đẩy phát triển đô thị bền vững, và nâng cao du lịch và kinh tế địa phương. Đây là các bài toán khó. Đặc biệt chống ngập là một thách thức lớn như trình bày ở bài báo Chiến lược chống ngập cho thành phố hai mùa mưa nắng.
Các nguyên tắc quy hoạch bao gồm:
Hài hòa với thiên nhiên: Không thu hẹp dòng chảy, phục hồi các dòng kênh cũ, sử dụng các giải pháp dựa trên thiên nhiên như phục hồi vùng đất ngập nước, đào hồ điều tiết, phát triển hạ tầng xanh, bảo tồn rừng ngập mặn, và tạo thảm thực vật thay cho bê tông hóa. Các công trình nhân tạo ven sông nước phải hài hòa cảnh quan. Quản lý môi trường cần thắt chặt để kiểm soát ô nhiễm và chống ngập.
Đặt người dân làm trung tâm: Thực hiện nhiều công trình công cộng hai bên bờ kênh/sông để phục vụ nhân dân. Việc giải tỏa và phục hồi các kênh mương sẽ ảnh hưởng đến cư dân hai bên bờ. Quá trình quy hoạch cần có sự tham gia đóng góp của cộng đồng, đáp ứng các nhu cầu và nguyện vọng của người dân. Xây dựng nhiều nhà ở xã hội để thay thế cho các khu nhà tạm bợ. Tăng cường ý thức cộng đồng trong việc giữ gìn vệ sinh các dòng kênh, máng thu nước hố ga, và thực hiện thu hoạch nước mưa để chống lụt.
Sử dụng cách tiếp cận toàn diện về quản lý nước: Quản lý tài nguyên nước tích hợp (IWRM) để tối đa hóa các lợi ích, nhưng không làm giảm tính bền vững của hệ sinh thái. Cải thiện hệ thống thoát nước ngầm. Thực hiện dự án đập chắn sông Sài Gòn và hệ thống khóa lũ để bảo vệ thành phố khỏi các đợt triều cường và sóng biển dâng cao.
Bảo tồn văn hóa và di sản: Bảo vệ di sản văn hóa sông nước, các di tích và lịch sử, phát huy văn hóa dân gian, tạo được những kết nối giữa quá khứ và tương lai, từ đó tạo nên bản sắc đặc thù cho thành phố.
Hành lang sông Sài Gòn
TPHCM có thể thiết kế các tuyến "đường mòn" (trails) rợp bóng mát dọc theo sông nước, bao gồm các tuyến đi bộ, xe đạp, hay bus sông. Điểm khởi đầu chính là quá khứ và đích cuối là tương lai, hoặc xen kẽ. Các tuyến này có thể bắt đầu từ các di tích văn hóa lịch sử ở hạ lưu như Bến Nhà Rồng, Bến Bạch Đằng, hoặc Thảo Cầm Viên.
Trails cũng có thể bắt đầu từ thượng lưu sông như vườn trái cây ở Lái Thiêu. Tại vườn trái cây, du khách có thể thưởng thức thoải mái các loại hoa quả đặc sản chín cây, và hái mua mang về.
Theo các trails được thiết kế, du khách sẽ đi qua di tích lịch sử và văn hóa, trải nghiệm không gian xanh rộng lớn của các công viên ven sông, các thác nước nhân tạo, các khu vườn sinh thái, các vườn chim và bò sát làm tăng đa dạng sinh học. Dọc các trails sẽ có các tác phẩm điêu khắc hay tượng độc đáo ven sông làm các điểm trải nghiệm, chụp hình. Du khách sẽ có các trải nghiệm thú vị khi đi qua các chợ nổi, xem các màn "sơn đông mãi võ", ca múa dân gian.
Điểm nghỉ ngơi giữa trails có thể là khu bán đảo Thanh Đa. Đến đây, du khách sẽ thưởng thức ẩm thực tự chọn với các món ăn ngon truyền thống và món ăn đường phố nổi tiếng của Việt Nam.
Du khách có thể từ hữu ngạn đi sang tả ngạn bằng các cầu bộ hành với kiến trúc độc đáo mang tính biểu tượng, như cầu Helix ở Singapore hay cầu Millennium ở London. Các cầu bộ hành sẽ bố trí chỗ được mở rộng hình bán nguyệt, làm nơi ngắm nhìn toàn cảnh sông nước bao la. Đây cũng là điểm ngắm hoàng hôn và mặt trời mọc, hay chụp ảnh cưới. Các cầu bộ hành này được kết nối tốt với các các bến xe bus, metro, bus sông, để tăng sự thuận tiện và thúc đẩy phát triển đều hai bên bờ sông.
Cuối trails có thể là công trình phun nước (water fountain) độc đáo mang tính biểu tượng đặt ở Thủ Thiêm, kết hợp biểu diễn âm nhạc và ánh sáng, tương tự như Đài phun nước Dubai rộng nhất thế giới ở UAE. Các hồ lớn được đào gần sông Sài Gòn để tạo không gian cho đài phun nước. Các hồ được thông với nhau và nối với sông Sài Gòn. "Tháp nước" có thể phun thật cao, tạo cảnh mưa gây lụt. Kế bên là các tác phẩm điêu khắc nguy nga làm biểu tượng cho thành phố, chẳng hạn như tượng danh nhân, anh hùng dân tộc, hay tượng Phật theo truyền thuyết được Thần Rắn Naga 7 đầu nâng lên khỏi mặt nước, che mưa đưa Phật vào bờ.
Nơi đây cũng là "quảng trường" diễn ra các hoạt động văn hóa sông nước, và lễ hội ngoài trời khác.
Không xa đài nước là khu Opera phức hợp, là nơi các triển lãm nghệ thuật, và trình diễn các vở cải lương, kịch, hát bội, đờn ca tài tử, múa rối nước, hát hò, hát đối, làm phong phú thêm đời sống văn hóa của cộng đồng, và phục vụ du khách.
Dọc các trails còn có chợ đêm ven kênh với các món ăn đường phố, các hàng thủ công mỹ nghệ, và các trò giải trí, tạo ra các hoạt động kinh tế đêm sôi động.
Du khách cũng có thể lên thuyền, đi dọc sông vào ban đêm và ăn tối trên những con thuyền nhiều màu sắc, ánh sáng, và âm nhạc cổ truyền.
Ở những ngày lễ hội, người dân và du khách còn có thể xem hoặc trực tiếp tham gia vào các hoạt động sông nước như chèo thuyền kayak, thuyền thúng, ghe ngo, thuyền buồm, làm phong phú và sôi động thêm đời sống sông nước.
Dọc sông Sài Gòn có thể phát triển các điểm chụp hình, đặc biệt dành cho ảnh cưới. Nhiều cặp đôi mong muốn có được các khung hình đẹp, lãng mạn và đáng nhớ cho ngày lễ trọng đại của họ.
Vườn hồng muôn màu muôn sắc, hoặc các vườn phong cảnh chủ đề như vườn Nhật Bản, vườn Pháp, và vườn Việt Nam sẽ được bố trí dọc sông và các kênh. Vườn Nhật Bản sẽ có hoa anh đào, cây thông Nhật Bản, bonsai, tháp chùa, ao cá koi, hòn non bộ và cầu gỗ truyền thống. Vườn Pháp sẽ được bố cục đối xứng với đài phun, hồ nước, hoa và cây bụi được uốn và cắt tỉa cẩn thận. Và vườn Việt Nam sẽ có ao sen, khạp nước, ghe thuyền, và các loại cây cảnh truyền thống như mai, lan, cúc, trúc.
Phát triển kinh tế bờ sông
Kinh tế ven sông bao gồm các đại lộ ven sông, các tuyến giao thông thủy, bus sông, bến du thuyền ở gần cửa biển, và các khu phức hợp pha trộn giữa khu dân cư cao cấp, khách sạn, trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng, nhà hàng, quán cà phê, trung tâm thể thao văn hóa, Các bệnh viện lớn phục vụ du lịch nghỉ dưỡng và khám chữa bệnh, Các trung tâm hội nghị phục vụ kinh tế MICE (Meeting, Incentive, Conference, and Event).
Trên đây là các ý tưởng của tôi về quy hoạch sông Sài Gòn. Thông qua việc tôn vinh các di sản văn hóa sông nước và lịch sử, phát triển hài hòa với thiên nhiên, bền vững, TPHCM có thể trở thành một trung tâm văn hóa của khu vực và là nơi đáng sống.
Tác giả: TS Bùi Mẫn là kỹ sư cao cấp, Giám đốc Phòng thí nghiệm GTC Soil Analysis Services, Dubai UAE; chuyên gia về nghiên cứu đặc tính đất với hơn 20 năm kinh nghiệm, chú trọng đến quản lý và kiểm soát chất lượng, chuyên sâu về thí nghiệm địa kỹ thuật tiên tiến và đặc tính động học của đất.
Ông từng làm giảng viên cầu đường tại Đại học Bách khoa TPHCM, và từng làm việc cho nhiều dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn của các công ty tư vấn hàng đầu thế giới có trụ sở tại Anh như Fugro, WS Atkins, Amec Foster Weller.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!