Tâm điểm
Quan Thế Dân

"Sữa cỏ" và món nợ với trẻ suy dinh dưỡng

Làm việc tại khoa Nhi, tôi thỉnh thoảng gặp những trẻ suy dinh dưỡng, nhẹ cân. Có trẻ 4 tháng tuổi mà nặng có 5kg, đứa khác 1 tuổi nặng 7 kg.

Trẻ suy dinh dưỡng, mặt như ông già, sức đề kháng kém, dễ mắc các bệnh viêm phổi, tiêu chảy. Khi mắc các bệnh này thì khó chữa, cứ kéo dài lai rai không dứt. Trẻ bệnh trong người khó chịu, cứ quấy khóc không ngừng, bỏ ăn, nên suy dinh dưỡng càng trầm trọng. Một vòng tròn bệnh lý.

Hỏi bệnh thì đa phần trẻ suy dinh dưỡng ở vào tình cảnh mẹ không có sữa, phải dùng sữa ngoài và kết hợp với cho ăn dặm sớm. Như vậy có thể nói nguyên nhân quan trọng gây nên suy dinh dưỡng trẻ em là chất lượng sữa và cách chăm sóc, trong nhiều trường hợp thì chất lượng sữa đóng vai trò chính.

Sữa cỏ và món nợ với trẻ suy dinh dưỡng - 1

Sữa là nguồn dinh dưỡng quan trọng với trẻ em (Ảnh minh họa: CV)

Tôi có thói quen nghề nghiệp là xem hộp sữa mà các mẹ mang theo vào bệnh viện, thì thấy nhiều khi đó là những nhãn hiệu lạ hoắc, sản xuất ở mấy khu công nghiệp địa phương. Vỏ hộp sữa in rất đẹp, nhìn không khác gì các vỏ hộp của các thương hiệu sữa nổi tiếng, cũng đầy đủ các bảng thành phần dinh dưỡng, chữ in nhỏ li ti, và dòng chữ "nguyên liệu New Zealand".

Hỏi mẹ các cháu bé là sao mua sữa này thì biết ở quán gần nhà người ta giới thiệu đây là sữa ngoại, rất tốt cho trẻ, tăng cân, tăng chiều cao, giá 560.000 đ/hộp 900gr, chưa có tiền còn cho mua chịu.

Trước hết các loại sữa này không giả nhãn hiệu của hãng nào cả, chúng có nhãn hiệu riêng. Chúng nhái kiểu dáng và màu sắc của mấy loại sữa nổi tiếng, nhưng cũng chỉ nhái tới 70 - 80% thôi. Và trong thực tế chỉ cần như vậy là đủ gây nhầm lẫn cho những người tiêu dùng ít tiếp xúc với sữa.

Thứ hai là các loại sữa này luôn quảng cáo với cái tên rất kêu là "nguyên liệu ngoại nhập". Điều này cũng không sai. Vì các nơi sản xuất sữa này đều nhập sữa bột nguyên liệu từ New Zealand, Úc về, những bao sữa bột 50 kg. Nhưng sau đó nếu là sản xuất sữa dành cho trẻ em thì từ nguyên liệu sữa bột thô đó còn phải pha chế thêm các thành phần dinh dưỡng cần thiết khác như DHA, vitamin, vi chất... để thành những hộp sữa cho trẻ uống. Còn những kẻ sản xuất sữa kém chất lượng thì cứ thế đóng lon sữa bột thô, thu lời lớn.

Đó là chưa kể sữa bột nguyên liệu còn có nhiều loại phẩm cấp khác nhau. Có những loại chất lượng thấp, giá rất rẻ, chỉ dành để làm thức ăn gia súc; có loại chất lượng khá hơn dùng trong công nghiệp thực phẩm, sản xuất bánh... Chỉ có loại sữa bột phẩm cấp tốt nhất mới dành để sản xuất sữa cho trẻ em.

Khi cầm trên tay những hộp sữa không rõ nguồn gốc, tôi thường tự hỏi liệu nguyên tắc kể trên có được tuân thủ? Hay là vì lợi nhuận mà ai đó sẵn sàng dùng những nguyên liệu rẻ tiền cho vào, không cần biết rằng họ đã gây ra một món nợ đối với cuộc đời của những đứa trẻ suy dinh dưỡng.

Tôi rất giận những kẻ vô lương tâm sản xuất và bán các loại sữa kém chất lượng. Họ in lon và bao bì rất đẹp, nhái mẫu mã của các thương hiệu nổi tiếng. Vỏ hộp cũng in rất chi tiết thành phần dinh dưỡng, nhưng sữa bên trong có đúng với thành phần như vậy không thì chỉ có lương tâm của họ mới biết. Ở góc độ bác sĩ thì tôi xin nói thẳng đó là sữa rởm.

Tuy nhiên biết thế nhưng nhân viên ngành y không thể can thiệp được vào việc sản xuất, buôn bán các loại sữa kém chất lượng. Chúng tôi chỉ biết rằng đang có những loại sữa như vậy lưu thông, và khuyến cáo người dân, chứ không có chức năng kiểm tra, kết luận và xử lý các vấn đề liên quan.

Vậy làm sao để mọi người tránh được các loại sữa chất lượng kém? Người tiêu dùng không thể tự mình xét nghiệm xem chất lượng sữa trong hộp có đúng như thành phần ghi ngoài vỏ hộp hay không. Xét nghiệm hết các thành phần như thế chi phí rất lớn, không người tiêu dùng nào có thể làm được. Việc đó là của các cơ quan quản lý. Nhưng lâu lắm rồi tôi chưa nghe thấy cơ quan quản lý nào lấy mẫu sữa trên thị trường đi xét nghiệm cả, hoặc có thể có ở đâu đó mà tôi không biết.

Với kinh nghiệm của người thầy thuốc, tôi chỉ có thể giúp các bà mẹ phân biệt sữa thật và sữa chất lượng kém bằng cảm quan. Tôi mua một hộp sữa cũng dành cho trẻ dưới 1 tuổi về mở so sánh với sữa mà các mẹ mua ở quán.

Sữa cho trẻ dưới 1 tuổi của thương hiệu nổi tiếng có màu ngà vàng, hơi bết vào nhau, do có lượng chất béo cao. Còn sữa của mấy nhãn hiệu lạ kia thì trắng, tơi khô, như bột mì, chỉ nhìn cũng thấy là chẳng có thành phần dinh dưỡng bổ sung nào. Nhưng những kiến thức ấy người tiêu dùng ở thôn quê làm sao mà biết được. Thậm chí có người còn khen sữa không rõ nguồn gốc thơm hơn, vì cho thật nhiều hương liệu vani.

Tất nhiên như tôi đã nói rõ ở trên là tôi chỉ chia sẻ kinh nghiệm của một thầy thuốc làm việc lâu năm ở khoa nhi, mà không đưa ra kết luận thật - giả.

Tôi tha thiết mong cơ quan chức năng có đợt lấy mẫu sữa ngẫu nhiên đang bán trên thị trường xét nghiệm và công bố cho người tiêu dùng được biết. Tuy nhiên cần phải xét nghiệm chi tiết các thành phần của sữa có đúng với thành phần ghi trên bao bì không mới là quan trọng, chứ còn chỉ xét nghiệm chung chung là bao nhiêu đạm, bao nhiêu calo thì khó phân biệt thật - giả. Giống như năm xưa ở Trung Quốc đã có vụ đại án sản xuất sữa trẻ em giả, cho melamine vào sữa bột để nâng cao độ đạm.

Nếu không có sự vào cuộc của cơ quan chức năng thì người dân khó có thể kết luận những loại sữa lạ trên thị trường là sữa giả hoặc kém chất lượng. Có khi dẫn đến những tranh luận kiện tụng không hồi kết, có thể còn bị quy cho là không ủng hộ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, trong giới y khoa và dân gian đã sáng tạo ra một thuật ngữ để dành cho các loại sữa kiểu này, đó là "sữa cỏ".

Những loại "sữa cỏ" kiểu này không thể tiêu thụ được ở các thành phố lớn, nên chỉ có cách len lỏi về các vùng quê nghèo, và cách bán chính là chiết khấu rất cao. Một số người kinh doanh cho biết giá nhập vào một hộp 900gr loại này chỉ có giá 150.000 đồng, nhưng bán ra 500.000 đồng, bằng giá các thương hiệu lớn. Những người bán lẻ vô tư và vô lương tâm, cứ thấy có lãi cao là nhiệt tình tư vấn cho nông dân nghèo mua cho con uống. Hậu quả là góp phần khiến trẻ chậm lớn, suy dinh dưỡng.

Do khi mua sữa người tiêu dùng không có cách gì để đánh giá chất lượng, chỉ còn biết tin vào nhà sản xuất, nên tôi thấy, cách duy nhất chọn mua sữa tốt cho trẻ thì chỉ còn có cách là chọn theo thương hiệu có uy tín. Đơn giản vậy thôi. Sữa ngoại thì cứ chọn những nhãn hiệu lâu đời; nếu ít tiền thì sữa Việt Nam cũng tốt, chọn loại có thương hiệu, bán ở đại lý chính hãng càng tốt. Theo tôi, trong giai đoạn hiện nay, mọi người nên tránh xa các thương hiệu lạ hoắc; còn trong tương lai nếu có thương hiệu mới uy tín, chất lượng cao thì để tương lai trả lời.

Trách nhiệm chính trong việc đảm bảo chất lượng sữa cho trẻ thuộc về các cơ quan quản lý. Rất mong các cơ quan chức năng thường kỳ kiểm định các loại sữa có trên thị trường để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, nhất là cho thế hệ tương lai.

Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!