Nghiện trà sữa và "sát thủ" mang vị ngọt
"Sao bác sĩ lại truyền trà sữa cho bệnh nhân?".
Tôi đưa mẹ con cô bạn vào buồng bệnh thăm bà ngoại bị tiểu đường biến chứng, con gái học cấp 3, thấy bệnh nhân bên cạnh truyền đạm sữa ba ngăn, cháu đã thốt lên như vậy.
Tôi buồn cười. Hóa ra con gái bạn nghiện trà sữa. Cháu bị ám ảnh bởi món đồ uống này. Trong phòng bệnh, vài ca nặng phải nuôi dưỡng tĩnh mạch, đạm sữa ba ngăn có màu sắc rất giống ba cốc trà sữa trong túi nylon trên tay cô gái trẻ.
Tốt nghiệp đại học, cháu làm kế toán trưởng cho một công ty. Những ngày kê khai thuế hàng tháng cháu rất bận rộn và áp lực, với một núi công việc gồm báo cáo tài khoản, lập báo cáo tài chính, kê khai và báo cáo thuế. Những ngày đó, đơn hàng trà sữa tăng vọt do áp lực công việc, có khi cháu phải uống đến ba cốc to. Cháu kể những hôm ở lại làm buổi tối, trong căn phòng trống rỗng, chỉ một mình cháu viết báo cáo, trước màn hình máy tính là một đống chứng từ, khi đó chỉ những cốc trà sữa mới có thể mang đến cho cháu năng lượng và sự thoải mái, giúp cháu hoàn thành công việc.
Mặc dù trà sữa du nhập vào Việt Nam từ năm 2002, nhưng cháu kể với tôi chưa bao giờ uống nó, cho đến năm cuối phổ thông trung học.
Đó là năm 2013, một cột mốc đánh dấu sự bùng nổ của trà sữa với hàng trăm thương hiệu đến từ Hong Kong và Đài Loan, được quảng cáo rất nhiều. Trong túi có sẵn tiền, một lần sau giờ học, cháu và mấy bạn rủ nhau đến phố ăn vặt, nơi có thể mua gà rán, thịt xiên nướng, khoai tây chiên… và tất nhiên có cả trà sữa. Đầu tiên cháu mua miếng gà rán, sau đó thêm cốc trà sữa, coi như thử món mới. Cháu nhìn chăm chú người bán trà xúc mấy thìa bột, thêm trân châu, đổ nước, bỏ vài viên đá, bọc nylon rồi lắc đều; đây là cốc trà sữa đầu tiên cháu uống.
"Hương vị của trà rất thơm và rất ngọt, nhai trân châu giòn giòn rất thích, uống xong là muốn uống tiếp!" - cháu kể lại.
Sau cốc trà sữa đầu tiên, cháu dường như bị ám ảnh, đi đâu cũng tìm trà sữa để thử, dần dà cháu thích những thương hiệu trà sữa nổi tiếng, thích bột trà sữa rực rỡ sắc màu xanh tím, đặc biệt là món trà sữa khoai môn cháu uống không bao giờ thấy chán.
Những bạn bè của cháu sinh năm 199x, ai cũng uống trà sữa, nhiều người nghiện quyết tâm bỏ nhưng không nổi. Trà sữa ngày càng phát triển với hương vị đa dạng. Ngoài trân châu quá đặc biệt, thì "đối tác" của trà sữa còn rất nhiều đồ hấp dẫn, như đậu đỏ, bánh pudding, bánh ngọt, bánh Oreo, phô mai và kem… trong đó kem và trân châu được coi là "linh hồn" của trà sữa.
Những năm đại học, cuộc sống trong khuôn viên trường và trên giảng đường luôn gắn với trà sữa, thậm chí có người bạn của cháu đã tích trữ rất nhiều trà sữa ở nhà, để tự pha giúp thỏa mãn "cơn nghiền". Trong ký túc xá, các bạn sinh viên cảm thấy nhớ nhà, hoặc đôi khi không có ý tưởng viết luận án, căng thẳng lúc thi cử, là nhóm bạn rủ nhau uống trà sữa, mọi căng thẳng hay sự tồi tệ của tâm trạng sẽ giảm đi rất nhiều.
Thế hệ chúng tôi trước đây, tốt nghiệp đại học và đi làm, hoặc nhận một công việc mới, đều phải có một bữa ăn liên hoan chào mừng, gọi là ra mắt đồng nghiệp cũ và lãnh đạo. Đàn ông thường mở đầu câu chuyện bằng một điếu thuốc lá. Rượu là một trong những kĩ năng phải chúng tôi phải học. Uống rượu để phá vỡ lớp băng tại nơi làm việc, để hợp tác trong giao dịch và xử lí, để kết nối công việc với mọi người. Mỗi bữa khao như vậy, chúng tôi phải vắt óc suy nghĩ xem ăn ở nhà hàng nào và gọi những món gì, đối với những người chậm chạp và nhút nhát sẽ rất vất vả, người khả năng tài chính eo hẹp thì quả là một vấn đề.
Nhưng ở thời đại trà sữa đã khác.
Các cháu sinh năm 199x trở lại đây như con gái bạn tôi, chỉ cần chiêu đãi trà sữa, mỗi người gọi một hương vị mình yêu thích, trà sữa được ship đến tận nơi, vài câu chuyện phiếm vô thưởng vô phạt, chẳng ai phải ngượng ngùng, mọi thứ diễn ra tự nhiên thoải mái, đồng nghiệp bạn bè có cơ hội hiểu nhau sâu hơn.
Liên hoan trà sữa chẳng cần phải mất quá nhiều thời gian. Hơn nữa, trà sữa có thể mời đi mời lại nhiều lần, từ sinh nhật cho đến các ngày lễ, cứ có chuyện gì vui là mời, sau vài lần sẽ thiết lập quan hệ thân thiết. Dần dần, trà sữa đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của giới trẻ, đồng thời nó cũng là một loại thức uống nuôi dưỡng tình cảm.
Nếu buồn ngủ và mệt mỏi trong công việc, chỉ cần uống một cốc trà sữa là sảng khoái; đi dự tiệc với bạn bè và mua sắm, hãy uống hai cốc để bắt đầu cuộc trò chuyện; nếu cãi nhau với người yêu, chỉ cần mua ba cốc trà sữa để làm lành.
Trà sữa đã trở thành văn hóa xã hội, thay thế rượu và thuốc lá, xâm nhập không chỉ vào nơi làm việc, mà còn hiện diện ở mọi ngóc ngách của đời sống xã hội.
Trên thực tế, trà sữa lần đầu tiên xuất hiện trong cuộc sống của những người du mục ở miền bắc Trung Quốc, rồi sau đó, theo con đường tơ lụa trà sữa du nhập vào Ấn Độ, đến Hà Lan rồi lan tỏa ra châu Âu.
Những năm 168x, trên cơ sở trà sữa Hà Lan, Nữ công tước xứ York đã thêm sữa tươi và đường để pha trà sữa kiểu Anh, rồi trà sữa quay trở lại Đài Loan và Hong Kong để tìm đường vào thị trường Trung Quốc.
Trà sữa đã quốc tế hóa sau một hành trình vòng quanh thế giới, tất nhiên không muốn chỉ là thức uống thỏa mãn dạ dày, nên dưới bao bì thương mại và những phương thức quảng cáo, trà sữa đã trở thành nhãn hiệu của cảm xúc, nhân cách và nghi thức sống. Trà sữa hôm nay như một loại hình văn hóa, giống như văn hóa rượu, văn hóa trà sữa là một dạng biến thể của văn hóa xã hội.
Sở dĩ văn hóa trà sữa có thể phát triển mạnh mẽ như hôm nay, là bởi trà sữa có những thuộc tính vốn có của nó, bao gồm nhanh, đơn giản, giá cả phù hợp, đa dạng. Cũng giống như thời trang nhanh (fast fashion) và thức ăn nhanh (fast food), trà sữa được tiêu thụ nhanh chóng, cập nhật và nâng cấp liên tục, đồng thời cũng cho phép đối tượng thưởng thức trải rộng ở nhiều nhóm tuổi, từ trẻ em tiểu học đến cụ già tám chín mươi, nhưng đặc biệt nhất vẫn là giới trẻ có khả năng chi tiêu nhất định và thích tiếp nhận cái mới.
Nói chung, uống trà sữa thể hiện dưới một hành vi xã hội đơn lẻ, lượng có thể kiểm soát được, hiếm khi nói đến uống quá nhiều, không xảy ra rủi ro trước mắt. Ngoài ra, uống trà sữa chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn, không quá vắt kiệt thời gian của mọi người, ý nghĩa của sự tương tác xã hội và trao đổi lợi ích sẽ không quá nặng nề, đó cũng là một trong những lí do tại sao trà sữa trở thành một phương tiện giao tiếp xã hội tại nơi làm việc.
Một ưu điểm khác của trà sữa là không bị giới hạn bởi không gian, địa điểm, bản sắc hay văn hóa vùng miền. Trà sữa có thể uống mọi lúc, mọi nơi trong văn phòng, trên đường đi làm, trong hay ngoài bữa ăn, uống khi đang làm việc, uống lúc đang lái xe, ai cũng có thể uống không phân biệt tuổi, giới tính và địa vị sang hèn, nhẹ nhàng thì mỗi người một cốc, đại sự thì gọi thêm vài cốc.
Từ những ưu thế độc đáo đó, giao lưu trà sữa đã trở thành phương thức xã hội hàng đầu trong cuộc sống công sở có nhịp độ nhanh, cường độ cao. Nhịp sống càng nhanh thì trà sữa càng phổ biến. Trước đây, cuộc sống xã hội được duy trì bằng ăn uống, nhưng bây giờ chỉ cần một cốc trà sữa là đủ.
Đồ ngọt có thể mang lại hạnh phúc cho con người, giới trẻ hôm nay nghiện ăn đường, đó là sự thật. Đường là chất cung cấp năng lượng tốt nhất cho não. Vấn đề chính của trà sữa là hàm lượng đường quá cao, tất cả các loại nước uống có hàm lượng đường cao sẽ mang lại cảm giác hạnh phúc, nhưng cùng với đó sẽ nảy sinh nhiều bệnh tật.
Uống nhiều trà sữa, lượng đường vào cơ thể sẽ gây cảm giác thèm ăn, béo phì, tiểu đường. Những vòng xoắn luẩn quẩn sẽ xuất hiện, như mỡ máu tăng, gan nhiễm mỡ, xơ vữa mạch máu, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, cùng hàng trăm biến chứng do tiểu đường gây ra. Đường trong trà sữa uống quá nhiều cũng gây hư răng, hỏng xương do rối loạn hấp thụ canxi, thậm chí ức chế não gây suy giảm trí nhớ và khả năng phán đoán.
Mỗi ngày ở bệnh viện, tôi vẫn phát hiện những ca bệnh béo phì, gan nhiễm mỡ và mỡ máu, là các cháu bé từ tiểu học cho đến phổ thông trung học, thanh niên đại học hay đã đi làm. Khi tôi hỏi, đa số các cháu uống rất nhiều trà sữa, hoặc uống các nước ngọt khác.
Trà sữa có khả năng gây nghiện.
Bởi vì, trong trà sữa có chất caffeine, cơ thể người uống hơn 400mg caffeine mỗi ngày sẽ nhanh bị nghiện. Vậy 400mg caffeine là bao nhiêu? Mỗi cốc trà sữa, tùy loại to nhỏ và loại trà, có từ 100 đến 480mg caffeine, trung bình mỗi cốc 200mg. Não người tiết ra một chất hóa học có tên là andenosine. Khi cơ thể ở trạng thái thức, adenosine được tiết ra để liên kết với các thụ thể, làm cho não hoạt động chậm lại, càng thức lâu adenosine càng nhiều thì cơ thể càng uể oải mệt mỏi. Khi ngủ adenosine sẽ tiết rất ít.
Nếu uống trà sữa, caffeine đi vào máu thay thế adenosine, tức là chẳng có adenosine để liên kết với thụ thể não, vì vậy cơ thể sẽ tỉnh táo và không có cảm giác mệt mỏi.
Việc sử dụng caffeine kéo dài, não tạo ra nhiều thụ thể hơn, trong khi adenosine lại giảm tiết, vì thế mà khi ngừng sử dụng trà sữa thì cơ thể sẽ cảm thấy mệt mỏi, nhu cầu caffeine sẽ xuất hiện, tức là "nghiện trà sữa".
Khi đã nghiện sẽ có nhiều hệ lụy và chứng nghiện ẩn dưới một văn hóa xã hội thì càng khó hạn chế hay dứt bỏ. Hãy cẩn thận với việc nghiện trà sữa!
Tác giả: Bác sĩ Trần Văn Phúc là một trong 10 thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014. Anh hiện công tác tại bệnh viện Saint Paul, Hà Nội. Ngoài công việc trong ngành Y tế, bác sĩ Trần Văn Phúc còn là một nhạc sĩ với nhiều tác phẩm đã được giới thiệu trên sóng truyền hình quốc gia.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!