Sữa "thần kỳ" tăng 3-5cm chiều cao: Quảng cáo như thuốc chữa bệnh?

Nhóm Phóng viên thực hiện

(Dân trí) - Trên mạng xã hội Facebook và trên một số website, quảng cáo sữa Hiup gây xôn xao, khi khẳng định uống sữa vào sẽ tăng 3-5cm chiều cao sau vài tháng.

Tự công bố, quảng cáo quá đà

Liên quan đến sản phẩm sữa Hiup quảng cáo "thổi phồng" tăng chiều cao sau vài tháng, mới đây, ngày 21/3, Sở Y tế Hà Nội đã có quyết định số 75/QĐXPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Kinh doanh và Công nghệ Alama Việt Nam (Công ty Alama Việt Nam), địa chỉ tại tầng 5 tòa nhà Láng Trung, số 60, tổ 33, ngõ 850 đường Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội.

Sở Y tế Hà Nội xác định, Công ty TNHH Kinh doanh và Công nghệ Alama Việt Nam đã có hành vi quảng cáo thực phẩm (sản phẩm dinh dưỡng HIUP 27 tại trang web https://www.hiupchinhhang.vn/) không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định.

Cụ thể nội dung quảng cáo không phù hợp với Giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 21/2022/XNQC do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Vĩnh Phúc cấp ngày 26/8/2022. Công ty đã bị xử phạt 25 triệu đồng và buộc cải chính thông tin, buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa nội dung quảng cáo của Sản phẩm dinh dưỡng HIUP 27.

Tuy nhiên, thực tế, đến ngày 21/6, thông tin hiển thị trên trang https://www.hiupchinhhang.vn vẫn còn những nội dung như "Xương chắc khỏe - phát triển chiều cao vượt trội so với bạn bè; Trẻ cao, lớn thông minh hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Tự tin vững bước vào tương lai!".

Theo trang web này "Sữa non Hiup là giải pháp dinh dưỡng tối ưu cho sự phát triển thể trạng, trí tuệ, là đòn bẩy vươn cao tầm vóc cho người Việt. Nguồn nguyên liệu sữa non chất lượng cao trong Hiup hỗ trợ tình trạng táo bón, tiêu hóa kém, sức đề kháng yếu, chiều cao vượt trội cho trẻ từ 3 đến 15 tuổi".

Trên một số trang web, mạng xã hội, sản phẩm Hiup được các trang này quảng cáo là chính hãng, bán kèm lời cam kết "3 NGÀY HẾT TÁO BÓN, ĂN NGON, NGỦ TỐT, 1 THÁNG CON SẼ TĂNG NHẸ, PHỔNG PHAO, 3 - 6 THÁNG CON TĂNG TỪ 3 - 5 CM…".

Sữa thần kỳ tăng 3-5cm chiều cao: Quảng cáo như thuốc chữa bệnh? - 1

Theo lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, sữa là sản phẩm dinh dưỡng bổ sung, việc quảng cáo uống vào hết táo bón, cam kết tăng 3-5cm chiều cao sau 3-6 tháng là không có cơ sở (Ảnh chụp màn hình).

Trên Facebook, video do nữ diễn viên, MC truyền hình Thanh Vân (Vân Hugo) quảng cáo loại sữa Hiup, nữ MC khẳng định: "Các mẹ hãy cho các thiên thần nhỏ uống Hiup ngay, chắc chắn sẽ cao và cao 3cm sau 3 tháng sử dụng".

Nữ MC này cũng quả quyết, việc 2 ly Hiup mỗi ngày, sau 3 ngày sẽ hết táo bón.

Bộ Y tế: Yêu cầu rà soát

Phóng viên Dân trí đã trực tiếp gửi link quảng cáo sản phẩm này đến lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.

Liên quan đến những nội dung quảng cáo này, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm đánh giá, sữa là sản phẩm dinh dưỡng bổ sung, việc quảng cáo uống vào hết táo bón, cam kết tăng 3-5cm chiều cao sau 3-6 tháng là không có cơ sở.

"Sữa tất nhiên là sản phẩm dinh dưỡng có lợi cho trẻ, nhưng để quảng cáo có hiệu quả như trên, cần phải có nghiên cứu rõ ràng", vị lãnh đạo này nói.

Cũng theo lãnh đạo này, hiện việc công bố, cấp phép phần lớn được phân cấp cho các địa phương.

Ngay sau khi phóng viên Dân trí gửi các thông tin quảng cáo về sản phẩm sữa Hiup, Cục An toàn thực phẩm đã tiến hành rà soát và đã ban hành 3 công văn gửi đến các đơn vị liên quan.

Sữa thần kỳ tăng 3-5cm chiều cao: Quảng cáo như thuốc chữa bệnh? - 2

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn đề nghị các địa phương rà soát nội dung quảng cáo sữa Hiup (Ảnh: TA).

Ngày 26/6, Cục An toàn thực phẩm đã có công văn gửi Cục Văn hóa cơ sở - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phản ánh, trong thời gian qua, qua công tác hậu kiểm hoạt động quảng cáo, Cục An toàn thực phẩm phát hiện một số diễn viên, người nổi tiếng quảng cáo cho các sản phẩm là thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe gây hiểu lầm là thuốc.

Điều này vi phạm quy định tại khoản 2, điều 27, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP: Quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm được công bố trong bản công bố sản phẩm.

Ngoài ra, theo khoản 4, Điều 5 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP cũng quy định không được quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe gây hiểu nhầm là thuốc.

Vì thế, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Cục Văn hóa cơ sở phối hợp kiểm tra thông tin, xử lý các vi phạm (nếu có) và gửi thông báo kết quả để Cục An toàn thực phẩm tiến hành tổng hợp.

Cùng ngày, cơ quan này cũng có công văn gửi đến Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội về nội dung liên quan quảng cáo sữa Hiup.

"Qua hậu kiểm hoạt động quảng cáo, Cục phát hiện sản phẩm thực phẩm bổ sung Hiup đang quảng cáo gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh, quảng cáo sai công dụng sản phẩm thực phẩm. Hiện sản phẩm đang nộp bản tự công bố tại Chi cục. Cục chuyển nội dung ghi nhận nêu trên để Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội xem xét, xử lý vi phạm theo quy định hiện hành, thông báo kết quả xử lý về Cục để tổng hợp", công văn nêu rõ.

Trong công văn gửi Sở Y tế Vĩnh Phúc ngày 26/6, Cục An toàn thực phẩm cũng thông tin về việc phát hiện quảng cáo vi phạm của sản phẩm thực phẩm có nội dung "Hiup - Sữa tăng chiều cao" gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh, quảng cáo sai công dụng.

Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cho biết, theo quy định tại Điều 40 Nghị định 15/2018/ND-CP, các sản phẩm dinh dưỡng y học, sản phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi do UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tiếp nhận và quản lý hồ sơ, cấp Giấy tiếp nhận đăng ký, công bố sản phẩm, giấy xác định nội dung quảng cáo.

Vì vậy, Cục chuyển thông tin ghi nhận trên để Sở Y tế Vĩnh Phúc phối hợp xử lý vi phạm theo quy định hiện hành (nếu có).

Theo lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, khi phát hiện, ghi nhận các quảng cáo như trường hợp sữa Hiup, Cục là cơ quan đầu ngành về An toàn thực phẩm nhưng không có chức năng xử phạt.

Bởi theo quy định, các sản phẩm này được doanh nghiệp tự công bố tại địa phương. "Khi tiếp nhận thông tin, chúng tôi chuyển thông tin về nơi quản lý, trong trường hợp này qua rà soát, chúng tôi thấy được công bố sản phẩm tại Vĩnh Phúc, Hà Nội để địa phương tiến hành rà soát, xử phạt (nếu có) theo thẩm quyền.