Tâm điểm
Trần Trọng An

"Những kỉ niệm của buổi tựu trường"

Mỗi năm vào dịp khai giảng, tôi lại nhớ đến truyện ngắn "Tôi đi học" của nhà văn Thanh Tịnh - tác phẩm đã gắn bó và đi vào tâm khảm của bao thế hệ học trò.

"Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.

Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng".

Thời gian trôi đi, cuộc sống và chuyện học hành hôm nay đã khác xưa, khác rất nhiều lúc nhà văn Thanh Tịnh viết "Tôi đi học" (xuất bản năm 1941). Nhưng với thế hệ nào thì buổi tựu trường vẫn là một trong những sự kiện quan trọng nhất của năm học, dấu mốc mở đầu một hành trình mới, khơi dậy sự hứng khởi "mỗi ngày đến trường là một ngày vui" của học sinh.

Vì lẽ đó, việc tổ chức lễ khai giảng sao cho trang nghiêm và ngắn gọn, nhẹ nhàng có ý nghĩa quan trọng để đây trở thành một ngày đáng nhớ, một ngày mà mọi học sinh đều háo hức chờ đợi và trở thành "kỷ niệm nao nức" mỗi khi nhớ lại.

Những kỉ niệm của buổi tựu trường - 1

Học sinh một trường tiểu học hân hoan trong ngày khai giảng năm học mới (Ảnh: Tùng Quân).

Tuy nhiên, trong thực tế nhiều năm qua, lễ khai giảng ở một số trường học còn mang nặng tính hình thức với thủ tục rườm rà, các bài phát biểu dài dòng từ quan khách, báo cáo thành tích dài lê thê của nhà trường, học sinh tham dự thụ động lắng nghe rồi ra về mà có lẽ ít điều gì thực sự ý nghĩa đọng lại trong các em.

Thậm chí với nhiều em, đó lại là một ngày mệt mỏi vì phải đứng ở sân trường nhiều giờ đồng hồ.

Tại sao lại như vậy?

Phải chăng là bởi các lễ khai giảng đó chưa lấy học sinh là trung tâm, chú trọng đón học sinh đầu cấp... Sau mùa hè kéo dài, điều mà các em học sinh chờ đợi ở lễ khai giảng chính là một tinh thần hứng khởi, tâm thế tích cực để bước vào năm học mới.

Các bậc phụ huynh chắc cũng không muốn con mình phải đi tập dượt trước lễ khai giảng (vì sao tựu trường mà cũng phải tập dượt và nếu đã tập dượt, nghĩa là các em biết trước rồi thì làm sao giữ được sự háo hức, hồn nhiên?). Điều mà phụ huynh - bản thân tôi đã và đang là một phụ huynh - mong chờ là lễ khai giảng mà các con mình được truyền năng lượng tích cực với những phát biểu ngắn gọn, phù hợp với tâm lý, nhận thức của lứa tuổi học sinh và các hoạt động mang lại sự vui tươi trước khi bước vào năm học mới.

Buổi tựu trường gọn nhẹ, với học sinh là trung tâm không có nghĩa đơn giản hóa, mà cần khẳng định đó vẫn là buổi lễ trang nghiêm với các nghi thức và nội dung cần thiết, những truyền thống tốt đẹp đã được thực hiện nhiều chục năm qua trong các lễ khai giảng, như: Nghi thức chào cờ, hát quốc ca; đọc thư của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; diễn văn khai giảng súc tích của hiệu trưởng; đánh trống khai trường…

Cùng với các nội dung mang tính trang nghiêm này là những hoạt động vui tươi, ý nghĩa nhằm khuyến khích tinh thần học tập và tạo sự kết nối giữa học sinh, thầy cô và nhà trường. Các em cần cảm nhận được rằng ngày khai giảng là ngày của chính mình, nơi các em được chào đón, được lắng nghe, và được động viên trước chặng đường học tập phía trước.

Tôi hình dung trong một lễ khai giảng như vậy, đại diện học sinh sẽ nói lên suy nghĩ, nguyện vọng của mình và các bạn - những điều thực sự cần thiết cho một năm học trọn vẹn.

Sau phần lễ chính thức, nếu thời tiết thuận lợi, nhà trường có thể tổ chức các hoạt động vui chơi, thể thao nhẹ nhàng, giúp học sinh kết nối với nhau. Các hoạt động này không cần phải quá phức tạp hay tốn kém. Đơn giản chỉ là những trò chơi dân gian, những hoạt động nhóm tạo ra một bầu không khí tích cực, đầy năng lượng cho năm học mới.

Thêm vào đó, trường nào cũng chào đón học sinh khóa mới. Có thể để một bạn học sinh khóa trên phát biểu ngắn gọn chào mừng, với lời hứa sẽ cùng nhau xây dựng một môi trường học tập tích cực, đoàn kết.

Thay vì dành thời gian cho những lễ nghi rườm rà, nhà trường tổ chức buổi lễ chính thức trong khoảng 60 phút, dành thời gian để học sinh vào lớp gặp giáo viên chủ nhiệm, gặp lại bạn học hoặc làm quen với bạn bè mới, và nghe phổ biến về nội quy, kế hoạch của năm học.

Một buổi lễ ngắn gọn, ấm áp, tập trung vào niềm vui của học sinh sẽ giúp các em bước vào năm học mới với tinh thần hứng khởi, sẵn sàng chinh phục tri thức.

Hãy để ngày khai giảng là ngày của học sinh và thầy cô giáo.

Tác giả: Ông Trần Trọng An có kinh nghiệm hơn 20 năm trong lĩnh vực báo chí, từng công tác tại nhiều tòa soạn và hiện là Phó Tổng biên tập tạp chí Gia Đình Mới.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!