Mong đợi trong ngày tựu trường
Một năm học mới lại đến với hàng triệu học sinh và thầy cô giáo. Ngày tựu trường cùng tiếng trống giục giã luôn mang đến những cảm xúc náo nức và hy vọng, náo nức những bước chân đến trường, gặp lại thầy cô, bạn bè và hy vọng vào những điều tốt đẹp của chân trời tri thức.
Nhớ lại thời tôi bắt đầu đi học ở một tỉnh miền Tây, cách đây hơn 20 năm, cứ gần tới ngày tựu trường, sẽ có mấy chú ở xã đi chiếc xe gắn máy cũ, chở theo cái loa bông bí (một loại loa phóng thanh cỡ lớn) chạy dọc các con đường quê thông báo để chúng tôi biết ngày nhập học.
Trước đó, trong suốt mùa hè, tôi theo ba má, anh chị vô đồng cất cái trại nhỏ rồi ở đó. Người lớn sẽ làm những việc nặng nhọc như cắt lúa, vác lúa, thu hoạch dưa, đào đất, đắp bờ. Còn mấy đứa nhỏ như tôi thì mót lúa, hái rau, tát mương bắt cá, nấu cơm, rửa chén. Khác với người lớn là tôi chỉ làm lụng trong mùa hè, còn mấy tháng khác được về nhà đi học.
Ba má tôi không biết một chữ bẻ đôi, nhưng thường khuyên tôi phải cố gắng học, vì "đời ba má khổ quá rồi, con phải ráng học để thay đổi số phận, thoát khỏi đói nghèo". Anh chị thì lúc nào cũng cáng đáng phần việc của tôi, để tôi được chuyên tâm học hành. Nếu không nhờ sự ủng hộ của gia đình, có lẽ tôi khó lòng đi hết hành trình chữ nghĩa.
Quê tôi là một xóm nghèo, những đứa trẻ thường phải phụ ba mẹ làm lụng trong đồng ruộng, trên sông nước suốt mùa hè. Khi tiếng trống khai trường vang lên, chúng tôi được quay lại trường, nhưng cũng có những đứa không thể tiếp tục giấc mơ đèn sách. Sau mỗi năm học, lớp tôi lại "vơi" đi vài bạn. Thầy cô giáo cố gắng tới từng nhà vận động các bạn đó quay lại trường, nhưng hiếm khi thành công.
Sau này có dịp tìm hiểu kỹ hơn, tôi mới biết những đứa trẻ bị dang dở chuyện học hành do rất nhiều nguyên nhân, cái nghèo cái đói chỉ là một. Nhiều người miền Tây khi ấy không thiết tha với chữ nghĩa. Tôi nghe hàng xóm "dạy" con cái rằng: "người ta lấy táo đong lúa chớ ai lấy táo đong chữ đâu", nghĩa là phụ huynh muốn những đứa trẻ phải tập trung làm lụng kiếm miếng ăn, chữ nghĩa có cũng được không có cũng chẳng sao. Chính quan điểm ấy đã khiến nhiều bạn bè thế hệ tôi không được đi học. Đến khi cuộc mưu sinh quá khó khăn, họ nhận ra việc học mới là con đường quan trọng vượt thoát số phận nghèo khó thì đã quá muộn rồi.
Cũng cần nói thêm, điều kiện đến trường cũng là một nguyên do cản trở không ít học sinh. Miền Tây trước đây mùa nước nổi kéo dài hơn bốn tháng, đồng ruộng đường sá ngập hết trong nước. Chúng tôi đi học trên những chiếc xuồng ba lá nhỏ, gặp mưa dông thì không thể nào bơi về nhà được, phải xin ở nhờ chỗ nào đó gần trường. Nhiều bữa đi học mà bị chìm xuồng ướt hết sách vở quần áo, phải quay ngược về nhà thay đồ. Gặp những năm đói kém, chiếc xuồng là phương tiện đi giăng câu giăng lưới mưu sinh, người lớn thà cho bọn trẻ nghỉ học chớ không giao xuồng được. Sau vài lần như thế, nhiều đứa nghỉ học luôn.
Thời gian trôi nhanh, thế hệ tôi ngày ấy giờ đây đã làm ba, làm mẹ, có con đến tuổi tới trường. Mấy năm qua, cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới. Những con đường quê tôi được đắp cao, rải nhựa, không còn cảnh ngập trong mùa nước lên. Hệ thống trường học cũng được tu sửa, xây dựng khang trang. Mỗi buổi sáng, các em học sinh từ khắp nơi được phụ huynh chở hoặc tự đạp xe đến trường. Khó khăn vẫn còn đâu đó trong mỗi gia đình, mỗi hoàn cảnh, nhưng so với thế hệ của chúng tôi, điều kiện học tập của các em ngày nay đã khá hơn nhiều. Đặc biệt, tư tưởng của phụ huynh vùng quê nay đã thay đổi, không còn coi nhẹ chuyện học của con em mình. Bản thân tôi cũng đã trở thành một người giáo viên, may mắn được tham gia vào sự nghiệp giáo dục ở địa phương.
Bước vào năm học 2024 - 2025 này, qua dõi theo tình hình chuẩn bị năm học mới của toàn ngành Giáo dục, tôi được biết đây là một năm học rất quan trọng. Sau 4 năm triển khai theo từng lớp, cấp học, chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ hoàn tất chu trình với lớp cuối cùng của các cấp học. Đây cũng là năm học đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo phương án mới đáp ứng yêu cầu của đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Như vậy đổi mới giáo dục phổ thông đã đi được một chặng đường quan trọng kể từ khi bắt đầu, mong rằng năm học bản lề với ý nghĩa hoàn tất chu trình như nêu trên, sẽ đạt kết quả tốt và góp phần khẳng định hướng đi đúng của đổi mới giáo dục.
Mong đợi tiếp theo là các địa phương quan tâm hơn nữa trong việc tăng cường đầu tư mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Theo phát biểu của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo trước thềm năm học mới thì cả nước còn khoảng 15,5% số phòng học chưa được kiên cố hóa; vẫn có hiện tượng thiếu phòng học tại các khu vực có mật độ dân cư cao, vùng miền núi, vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn; tỷ lệ đáp ứng về thiết bị dạy học theo chuẩn quy định trên phạm vi cả nước còn thấp, mới chỉ đạt 50,63%...
Đây là vấn đề riêng ngành Giáo dục không thể khắc phục được, cần sự chung tay của các ngành, các cấp và toàn xã hội, đặc biệt là sự quan tâm của lãnh đạo địa phương trên cơ sở tham mưu của ngành chức năng, với tinh thần "Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu".
Từ góc độ một nhà giáo, tôi được biết Luật Nhà giáo vừa được đưa vào Chương trình xây dựng luật năm 2024 của Quốc hội khóa XV, và theo kế hoạch, dự án Luật này sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024); xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025). Đây là tin vui, đáp ứng sự mong đợi của 1,6 triệu nhà giáo đang công tác trong các cơ sở giáo dục trên cả nước. Như lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Luật Nhà giáo khi được Quốc hội thông qua sẽ tạo hành lang pháp lý cho việc ban hành các chính sách đãi ngộ, tuyển dụng, sử dụng, quản lý, tôn vinh, khen thưởng... và trao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong việc tuyển dụng, điều động, bố trí giáo viên.
Mong rằng đạo luật này về đích đúng kế hoạch, trong thời gian diễn ra năm học 2024 - 2025, để sớm góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ nhà giáo.
Tác giả: Trương Chí Hùng là nhà văn trẻ của Đồng bằng sông Cửu Long, hiện làm giảng viên Trường Đại học An Giang. Anh đã xuất bản nhiều cuốn sách về vùng đất và con người Nam Bộ; nổi tiếng với bút ký "Man mác Vàm Nao" - đoạt Giải Nhất Cuộc thi Bút ký ĐBSCL năm 2017.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!