Tâm điểm
TS Nguyễn Thụy Anh

Ngày khai giảng của các em

Ngày 5/9 với tôi luôn là một ngày cho cảm giác hồi hộp suốt thời đi học. Chiều hôm trước, chúng tôi lấy giấy báo bọc vở, thận trọng vuốt nếp, dán nhãn vở và háo hức đợi đến ngày mai. Ngày đầu tiên của một năm học luôn bắt đầu hơi ngơ ngác, nhiều chờ đợi và cũng nhiều quyết tâm. Tôi vẫn nhớ, tôi đã từng tự hứa sẽ viết chữ O tròn hơn chữ "cái Hoài Linh" bạn tôi ngày ấy, bởi năm vỡ lòng tôi viết chữ O vẫn méo. Mỗi đứa trẻ đều có một nỗi niềm canh cánh nào đó như vậy đấy! 

Sau này, con trai tôi đến trường, ngày đầu lớp 1 cũng đầy hồi hộp, hạnh phúc. Nó đi từ cuối hàng lên đầu để chào tất cả các bạn, từng bạn một. Câu chào ngây thơ ấy thế này: "Tớ chào bạn lớp 1C!".

Ngày khai giảng của các em - 1

Học sinh trường Tiểu học La Văn Cầu (xã Đắk R'măng, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) đi dự lễ khai giảng, ngày 4/9 (Ảnh: Đặng Dương).

Nhưng chỉ qua một năm thôi, đến năm học sau, nó đã không còn háo hức với ngày Khai giảng nữa! Nó khẽ phàn nàn: "Đi học từ bao lâu rồi mới khai giảng, mẹ ạ!"… Những năm sau đó cũng vậy, ngày Khai giảng cứ như ngày hội của ai chứ không phải của đứa trẻ. Có hôm nó bảo, chúng con chỉ ngồi nghe chứ không được tham gia! Nhiều bạn chỉ cầu mong xong lễ lạt, phát biểu, ca nhạc nhanh nhanh để lên lớp kẻo nắng. Có những năm một số bạn được phép… ở nhà khi diễn ra lễ Khai giảng. Có lẽ vì đông đúc quá hoặc vì những bạn đó nghịch quá, không giữ được kỷ luật khi diễn ra buổi lễ, đặc biệt là lúc có khách mời quan trọng đến với trường.

NGÀY KHAI GIẢNG LÀ CỦA AI?

Quả đúng vậy, đó cũng là băn khoăn của chúng ta: Ngày Khai giảng là của ai? Các em học sinh được tham gia vào ngày đó ở mức độ nào? Nhà trường tổ chức buổi lễ khai giảng để làm gì?

Nếu được trả lời, tôi sẽ nói:

Đó là ngày của các em, vì các em mà tổ chức, và tất cả các em đều được tham gia theo cách của mỗi người. Ngày ấy cho các em niềm hân hoan của bước khởi đầu. Các bé lớp Một sẽ nhớ ngày đó như ngày đầu trong cả cuộc đời đi học của mình. Các anh chị lớn hơn sẽ đón và dẫn dắt các em để các em không quá bỡ ngỡ khi đến với môi trường mới. Bạn đội văn nghệ thì biểu diễn, bạn khác thì lắng nghe, đợi thầy cô gọi đến tên mình, hỏi ý kiến hay cảm xúc của mình. Ngày ấy, xin người lớn hãy làm gọn lại những lời phát biểu trịnh trọng để dành thời gian tương tác với bọn trẻ đang hướng lên lễ đài, để đứa bé nào cũng thấy mình là một phần của buổi lễ, một người quan trọng trong thế giới học đường này. 

Phần lễ dưới sân trường xin diễn ra vừa đủ để thầy cô và học trò được tham gia giờ học đầu tiên ấn tượng, tạo niềm vui và động lực bước vào năm học mới. Các em sẽ được chia sẻ cảm xúc của mình, chia sẻ niềm hưng phấn và cả nỗi lo âu của mình…

Tiết học đầu tiên có thể nói về cảm xúc, kỷ niệm của năm học cũ, mong đợi và dự định cho năm học mới…

Tiết học đầu tiên cũng có thể là sự khởi động nhẹ nhàng cho các kỹ năng với những bài hát, điệu nhảy, bài tập thể dục ngắn, một trò chơi khơi gợi tinh thần đoàn kết của tập thể lớp, một cam kết hỗ trợ từ phía bạn bè, thầy cô để những ai đang có chút bất an thấy bình tâm hơn. 

Nếu nghĩ về các em, ngày Khai trường chắc chắn sẽ có những kịch bản thú vị và sáng tạo, không dập khuôn theo thứ tự, nội dung cũ, đến mức học sinh cũng thuộc lòng… 

Nếu ngày khai giảng chắc chắn là của các em, hẳn các thầy cô sẽ để tâm hơn đến sự tham gia của các em, đến nội dung hoạt động khả thi của từng khối lớp, từng bạn nhỏ trong ngày này. 

Để "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui" như khẩu hiệu thầy Hồ Ngọc Đại năm nào đưa ra, thì rõ ràng, phải làm sao để ngày đầu tiên đến trường, trẻ cảm nhận được niềm vui ấy.

Tôi nhớ, một lần, một người thầy đi ngược chiều với tôi, gật đầu khi tôi chào và hỏi: "Chào em! Em có vui không?". Ngay khi thầy hỏi câu ấy, tôi thấy niềm vui bừng nở trong tim. Và tôi mang nó trong lòng suốt cả ngày, hạnh phúc và cố gắng suốt cả ngày. Đứa trẻ rất cảm động khi người lớn, thầy cô quan tâm đến việc nó vui hay không vui, chứ không phải nó đã thuộc nội quy, kỷ luật hay chưa. Niềm vui giúp nó dễ dàng thực hiện mọi nhiệm vụ chứ không phải là nỗi sợ, sự căng thẳng.

Con trai tôi hồi mới đi học còn tâm sự: "Mẹ ơi, đặt tay lên bàn, ngồi thẳng lưng và phải trật tự… mệt lắm mẹ ạ!". Có những việc người lớn coi là hiển nhiên còn đứa trẻ lại phải chịu những áp lực khó chia sẻ kể cả về thể chất lẫn tinh thần. 

Cũng bởi thế, nó cần biết bao một ngày tựu trường, ngày khai giảng nhẹ nhõm, vui tươi và không quá khuôn mẫu, căng thẳng. Nó cần được "vặn giây cót" bằng một kỷ niệm đẹp mỗi năm sẽ có được trong suốt tuổi học trò. Nó cũng cần, giống như nhà văn Thanh Tịnh xưa, được nhớ về ngày ấy với những cảm giác trong sáng nảy nở trong lòng "như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng…".

Tác giả: Bà Nguyễn Thụy Anh bảo vệ luận án Tiến sĩ Giáo dục học tại Đại học Tổng hợp Sư phạm Moscow (Nga); sau đó về Việt Nam làm việc trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ và giáo dục. Năm 2021, TS Nguyễn Thụy Anh lọt vào danh sách 20 phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng do Forbes Việt Nam bình chọn.

Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!