Câu hỏi khi tiếng trống khai trường giục giã
Như mọi năm, khi ngày 5/9 đến trong tiết trời thu "lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc" là khi học sinh, sinh viên trên mọi miền tổ quốc náo nức tới trường. Trong tiếng trống khai giảng giục giã, các em đến trường với niềm vui gặp bạn bè, thầy cô và niềm vui của việc học tập những kiến thức mới.
Những ngày này, có một câu hỏi cơ bản nhưng dường như không phải ở đâu và bất cứ lúc nào cũng được đặt ra, đó là câu hỏi "Học để làm gì?".
Có rất nhiều quan niệm về "Học để làm gì" hiện nay, từ cả học sinh và các bậc phụ huynh. Mà đơn giản thường thấy là học để đi thi, học để có bằng cấp, học để sau này đi làm, học để kiếm đường mưu sinh, học để có địa vị xã hội, học để thoát khổ, học để còn cơ hội giúp đỡ gia đình…
Cũng có những học sinh và phụ huynh cho rằng học để làm vẻ vang gia đình, dòng tộc và đất nước. Nhưng trong thực tế sẽ có không ít học sinh thì chỉ biết học vì… bạn bè ai cũng đi học, học vì cha mẹ bảo phải học, học để cho xong chuyện. Và thậm chí rất nhiều học sinh, sinh viên đi học theo quán tính, theo tập tục chứ chưa từng quan tâm tới câu hỏi "Học để làm gì?".
Những quan niệm về sự học đầy đủ và tiến bộ nhiều khi khá… xa xôi với cuộc sống hàng ngày nên không phải ai cũng nắm rõ, hay đặt ra mục tiêu vươn tới. Ví như học để có tự do trí tuệ, để mở mang đầu óc, học vì tiến hóa và văn minh. Hay nói một cách khái quát như định nghĩa của UNESCO lâu nay đưa ra là "Học để biết, học để làm, học để khẳng định bản thân và học để sống chung với người khác".
Việc học dù với mục đích cao xa hay thiết thực trước mắt đều góp phần vào nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực cho đất nước, vì vậy với bất cứ xã hội nào thì việc học luôn được cổ vũ và tạo điều kiện. Đây cũng là lý do chúng ta đã xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu.
Nhớ lại, không phải tự nhiên khi bắt đầu phong trào Duy Tân cách nay hơn một thế kỷ, chí sĩ Phan Chu Trinh đã nhấn mạnh đến việc học để có được tự do. Ông nói: "Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý tặng cho đồng bào là "Chi bằng học"".
Sở dĩ thời đó, ông thúc giục dân ta "Chi bằng học" là vì muốn từng người dân, từng học sinh, sinh viên, khi đi học thì phải dám dũng cảm từ bỏ tư tưởng ăn sâu hàng ngàn năm như học để thi cử, học để đỗ đạt rồi làm quan… chuyển sang tư tưởng học để có tiến bộ, học để khai sáng, học để tự do, học để có văn minh, học để mở mang trí tuệ… Từ những điều đó mới dùng để phục vụ việc đi vào thực hành, thực tiễn, sáng tạo, phát triển.
Trong nhiều tác phẩm văn chương của mình, Phan Chu Trinh mong mỏi thanh thiếu niên và người dân nước nhà hãy lao vào thực học. Và ông nhận định rằng sự học ở ta, mục đích học hỏi của ta lúc bấy giờ vẫn thua kém rất nhiều quốc gia trên thế giới thời ấy, vì chỉ học lý thuyết suông, bảo thủ, lạc hậu, không thay đổi được cuộc sống của bản thân, gia đình và đất nước.
Ông khuyến khích thanh niên nên thực học bằng cách lo học những nghề nghiệp có thể chấn hưng đất nước, làm ra sản phẩm mới, kiểu dáng mới, thiết kế mới, phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu:
"Nghề càng ngày càng đua càng tới
Vật càng ngày càng mới dễ coi
Chở chuyên đi bán nước ngoài
Lợi trong đã được, lợi ngoài lại thêm".
Những gì cụ Phan dạy cách nay hơn 100 năm, nhiều điều vẫn còn nguyên giá trị.
Học để làm gì?
Câu hỏi rất đơn giản, nghe tưởng là xa xôi, nhưng lại vô cùng thực tế.
Bởi tới giờ phút này, nếu cha mẹ cho con đi học, nếu thầy cô dạy các con mà ngay từ đầu không hướng cho con hiểu học để làm gì, thì việc học của các con sẽ mông lung, phân tán, thiếu hiệu quả.
Từ đó dẫn tới tỷ lệ đỗ đại học những năm gần đây rất cao (hơn 90% số thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển), số học sinh, sinh viên khá giỏi cũng rất nhiều, song nhiều cháu ra trường lại không biết làm gì, hay không tìm được việc làm với bằng cấp của mình. Trong khi tiền cha mẹ đầu tư cho học hành của con thì quá tốn kém.
Hoặc cũng có không ít các con học xong phổ thông, chỉ chờ cha mẹ bảo học lên ở đâu thì vào đó học, rồi ra trường chờ cha mẹ chạy việc làm.
Cũng có thể dẫn tới việc nhiều cha mẹ ép con học ngày học đêm, hy vọng con làm rạng danh gia đình, dòng tộc, mà quên mất rằng con cần học đầu tiên và trên hết, là vì mở mang trí tuệ và đem lại tự do học vấn cho chính nó. Và con cần hơn cả một cuộc sống cân bằng để có trí tuệ và sức khỏe thể chất, sức mạnh tinh thần, vì đó mới là nền tảng đem lại hạnh phúc.
Thế nên vào đầu năm học mới này, mong cho từng học sinh, từng bậc phụ huynh hiểu thấu đáo về mục tiêu học tập của con em mình.
Và cũng mong các lễ khai giảng đều diễn ra trong không khí vui tươi. Đây là ngày đánh dấu sự khởi đầu của một chặng đường mới trên con đường học tập của các em học sinh, sinh viên, vậy nên các em phải là trung tâm của lễ khai giảng, chứ không phải những nghi lễ hình thức hay các phát biểu dài dòng là trung tâm.
Tiếng trống trường trong ngày hôm nay là tiếng trống bắt đầu một năm học mới, thúc giục các thế hệ học trò tiến bước trên con đường học tập và thực hiện mục tiêu học tập của mình. Mong rằng những đại biểu vinh dự cầm dùi trống, thúc những tiếng trống trường khai giảng, đều là tấm gương cho học trò để sống chân thực, ham học hỏi vì sự văn minh, tiến bộ và thượng tôn pháp luật.
Tác giả: Bà Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Bà là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế...
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!