Trẻ em trở lại trường học

Giáp Văn Dương

(Dân trí) - Học sinh 6-12 tuổi chưa tiêm vaccine nên khi các em đến trường có thể tiềm ẩn rủi ro về lây lan dịch bệnh, song đây là một quyết định cần thiết vì ngưỡng chịu đựng đã đến giới hạn.

Trẻ em trở lại trường học - 1

Ảnh: Đỗ Linh

Vậy là bắt đầu từ hôm nay 6/4, học sinh tiểu học của Hà Nội sẽ được trở lại trường học!

Đây quả là tin vui cho hầu hết các gia đình có con trong lứa tuổi này, vì các con đã học trực tuyến gần một năm học rồi. Ngưỡng chịu đựng cũng đã đến giới hạn, nên trở lại trường học, dù vẫn còn một chút lo lắng về dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn, vẫn được xem là giải pháp tối ưu cho phần lớn học sinh và các gia đình hiện giờ. 

Nhớ lại, khoảng hai tháng trước đây, ngay sau học kỳ 1, con trai tôi (học lớp 2), liên tục nói muốn trở lại trường học để gặp các bạn vì chán học online. Cháu nhắc đi nhắc lại việc này hàng tuần, với thái độ rất nghiêm túc. Là một người cha, tôi biết con tôi đã chạm ngưỡng chịu đựng khi phải học trực tuyến suốt cả một học kỳ dài. Và việc con tôi mong được đến trường, để được gặp thầy gặp bạn, để thay đổi không khí học tập, là rất thật. 

Khảo sát nhanh các gia đình bạn bè, tôi nhận thấy, sau một học kỳ học trực tuyến, phần lớn bố mẹ và các con đều muốn được đến trường để học trực tiếp. Cá biệt, cũng có một số trường hợp muốn tiếp tục học trực tuyến, vì muốn an toàn, và vì các con đã quen cách học trực tuyến rồi. 

Nhìn lại suốt hành trình học trực tuyến thời gian qua, chúng ta thấy: Việc học trực tuyến có ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng giáo dục, sức khỏe tâm thần của học sinh và sinh hoạt của gia đình. 

Nghiên cứu của McKensey về ảnh hưởng của Covid-19 đến chất lượng giáo dục năm học 2020-2021 ở Mỹ cho thấy: Việc học trực tuyến của học sinh phổ thông, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đã làm kéo tụt chất lượng giáo dục môn toán tương ứng 5 tháng học tập. Với môn đọc hiểu thì thời gian đó là 4 tháng. Nói cách khác, học trực tuyến tại nhà đã làm cho kiến thức học sinh thu được sau môt năm học chỉ tương ứng với khoảng một học kỳ học trực tiếp tại trường. 

Đó là một ảnh hưởng rất lớn của việc học trực tuyến đến chất lượng giáo dục nói chung. Tuy nhiên, nếu so sánh với sự an toàn của trẻ em, thì tôi nghĩ đó cũng là giải pháp chấp nhận được. Sau đó, do dịch bùng phát với làn sóng Omicron, việc học sinh trở lại trường, đặc biệt là học sinh tiểu học, trở thành xa vời. Ngành giáo dục và các gia đình đã chọn giải pháp tiếp tục học trực tuyến ở nhà cho an toàn, đặc biệt khi học sinh tiểu học chưa được tiêm vaccine, và dịch bùng phát ở Hà Nội tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngoài dự đoán. 

Mặc dù số lượng ca nhiễm rất cao, diễn biến thực tế của dịch bệnh ở Hà Nội cũng không nghiêm trọng như ở TP HCM năm ngoái. Có được điều này, một phần vì độc tính của biến chủng Omicron nhẹ hơn biến chủng Delta, một phần vì việc tiêm vaccine đại trà cho người trên 12 tuổi đã cơ bản hoàn thành trên diện rộng.

Thống kê nhanh trong các gia đình bạn bè và họ hàng của tôi cho thấy, hầu hết các gia đình đều đã có người lớn và trẻ nhỏ bị nhiễm Covid-19. Cùng với việc tiêm phủ vaccine, thực tế này cho phép chúng ta dự đoán dường như chúng ta sắp đạt được miễn dịch cộng đồng ở khu vực Hà Nội. Bằng chứng là so với cao điểm khoảng trung tuần tháng 3, đến nay số ca nhiễm của Hà Nội đã giảm từ mức 30.000 ca/ngày xuống 6.000ca/ngày. 

Vì lẽ đó, tâm lý người dân đã thoải mái hơn. Các hoạt động xã hội cơ bản cũng đã trở lại bình thường. Các hoạt động du lịch, giải trí, vui chơi công cộng cũng đã được khôi phục lại. Trong những ngày dịch thoái trào đó, dịch Covid-19 cũng đã dịu đi. Trẻ em Hà Nội đã được phép đi đến mọi nơi, từ nhà hàng, rạp chiếu phim, khu vui chơi, khu phố đi bộ cuối tuần, khu du lịch…, nhưng chưa được phép trở lại trường học.

Nay chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là kết thúc năm học, việc cho phép trẻ được trở lại trường là một quyết định hợp lý. Quyết định này không chỉ giúp giải tỏa tâm lý cho học sinh và gia đình, mà còn góp phần đáng kể trong việc củng cố kiến thức và tổ chức kiểm tra, đánh giá cuối năm học. 

Vì thế, khi cân nhắc lợi ích tổng thể, và chấp nhận rủi ro như một phần tất yếu, cá nhân tôi ủng hộ việc cho học sinh tiểu học được phép trở lại trường học vào ngày 6/4 này. Tuy nhiên, tôi mong muốn các phụ huynh và các nhà trường phải chuẩn bị các giải pháp ứng phó với các tình huống phát sinh, đặc biệt ở Hà Nội khi học gần 1 triệu học sinh Tiểu học trở lại trường.

Đầu tiên là khâu vệ sinh trường lớp và chuẩn bị các dịch vụ học đường của nhà trường. Đây quả thực là một áp lực rất lớn cho nhà trường, khi từ lúc nhận được thông báo đến khi đón học sinh chỉ có hơn một ngày để chuẩn bị. Việc trang trí lớp học, cảnh quan, tổ chức vệ sinh trường lớp, phun thuốc muỗi, kết nối các tuyến xe đưa đón, mua sắm thực phẩm, tổ chức bếp ăn, tổ chức bán trú… quả là một khối lượng công việc khổng lồ cho nhà tường.  

Việc để các em trở lại trường học là cần thiết. Nhưng tôi băn khoăn sau đây 3 ngày thì cả nước lại bước vào kỳ cuối tuần và nghỉ lễ. Về mặt kiểm soát dịch, kỳ nghỉ 3 ngày này có thể là khoảng thời gian cần thiết để gia đình chăm sóc các học sinh bị Covid-19 sau 3 ngày trở lại trường. Nhưng với nhà trường, thì việc đón học sinh trở lại trường học 3 ngày, rồi lại nghỉ 3 ngày, cũng tạo ra các bất tiện về vận hành nhà trường. Vì lẽ đó, nếu như nhà trường tổ chức cho học sinh trở lại trường từ 12/4, sau kỳ nghỉ lễ, thay cho 6/4, để việc chuẩn bị đón học sinh trở lại trường được chu đáo, an toàn hơn.

Việc quan trọng thứ hai là cả phụ huynh, nhà trường và ngành y tế cần lường trước tính huống sau khi trở lại trường 1-2 tuần, số lượng học sinh nhiễm Covid-19 có thể sẽ tăng vọt. 

Đây là thực tế đã quan sát thấy trong đợt học sinh THCS và THPT trở lại trường trước đây. Điểm khác biệt giữa hai đợt trở lại trường học này là các học sinh trước đây đều >12 tuổi nên đa số đã được tiêm vaccine, còn lần này, học sinh 6-12 tuổi thì chưa, nên có thể sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất định.

Trong trường hợp đó, các giải pháp ứng phó, như chuẩn bị trước tâm lý cho học sinh và phụ huynh, chuẩn bị phương án học trực tuyến cho một số học sinh F0, hay chuẩn bị các phương án y tế cần thiết, cả ở trường và bệnh viện… là điều phải cần chuẩn bị trước. 

Rõ ràng là chúng ta đã đi qua đỉnh dịch. Cũng rất rõ ràng là cuộc sống không dừng lại và các rủi ro luôn xuất hiện dưới dạng này hay dạng khác. Nhưng nếu có thể, cần chuẩn bị tốt nhất có thể để giảm thiểu rủi ro, vì suy cho cùng, sức khỏe, cả thể chất và tâm thần, dù chỉ của một học sinh, cũng vô cùng quan trọng và cần được bảo vệ ở mức tối đa.

Cuối cùng, tôi cầu mong đợt trở lại trường lần này được thuận lợi, an toàn và sang năm học tới, học sinh không còn phải dừng đến trường vì dịch Covid-19 hay bất cứ dịch bệnh nào khác nữa. 

Nhà giáo Giáp Văn Dương lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Công nghệ Vienna (Áo) ngành Vật lý Kỹ thuật (2006). Ông cũng từng làm postdoc (nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ) tại khoa Hóa học, Đại học Liverpool (Anh) từ 2007-2010l; làm nghiên cứu tại Temasek Laboratories, Đại học Quốc gia Singapore, từ 2010-2012.

Từ 2013 đến nay, ông Giáp Văn Dương trở lại Việt Nam và tập trung toàn thời gian để hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.