Tâm điểm
Nguyễn Văn Hải

Những hợp đồng bảo hiểm mất trắng

Chị H. ở TPHCM cho biết, năm 2021 chị đến ngân hàng để vay một tỷ đồng, nhưng nhân viên ngân hàng này "ép" chị phải mua 50 triệu đồng bảo hiểm nhân thọ thì mới được giải ngân.

Sau khi vay được tiền, từ năm thứ 2 trở đi của hợp đồng bảo hiểm, chị H. không có khả năng đóng tiếp nên phí đóng năm thứ nhất bị khấu trừ hết khiến chị mất trắng 50 triệu đồng.

Cũng trong năm 2021, chị N. ở quận Long Biên, Hà Nội, đi gửi tiết kiệm tại một ngân hàng trên đường Nguyễn Văn Cừ. Chị cho biết được nhân viên tại ngân hàng tư vấn "sản phẩm gửi tiết kiệm độc quyền với lãi suất trên 10% năm". Tuy nhiên, sau khi xem hợp đồng chị N mới biết mình "bị lừa" từ gửi tiết kiệm lại thành mua bảo hiểm nhân thọ.

Trên đây là những trường hợp người thật, việc thật đã phản ánh đến báo Dân trí và tôi đã gặp gỡ, xác minh trong quá trình phản ánh về tình trạng "lừa" mua bảo hiểm nhân thọ khi người dân đi gửi tiết kiệm ngân hàng thời gian vừa qua.

Những hợp đồng bảo hiểm mất trắng - 1

Khách hàng đến văn phòng Bảo hiểm Manulife ở TPHCM, tháng 3/2023 (Ảnh: Kim Phạm).

Có rất nhiều bạn đọc phản ánh đến báo với tư cách cá nhân hiện tượng nêu trên. Ngoài ra, chúng tôi còn nhận được đơn kêu cứu tập thể tố một hãng bảo hiểm liên kết với hàng loạt ngân hàng để "hô biến" tiền gửi của khách thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Đằng sau tình trạng nhân viên của một số ngân hàng giới thiệu, chào mời, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư khi tới gửi tiền hoặc vay vốn tín dụng là số lượng rất lớn khách hàng bị mất trắng tiền đóng hợp đồng sau năm đầu tiên vì nhiều lý do khác nhau.

Mới đây, Bộ Tài chính thông báo kết quả thanh tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm đã phần nào cho thấy thực trạng với những con số và tỷ lệ đáng giật mình.

Theo đó, Bộ Tài chính chỉ ra, năm 2021, Sun Life phát hành mới 80.117 hợp đồng bảo hiểm qua hai ngân hàng TPB và ACB. Tỷ lệ hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm sau thời gian cân nhắc (năm thứ nhất) của hợp đồng bán qua TPB là 73%, còn qua ACB là 39%.

Năm 2021 Prudential bán bảo hiểm thông qua 8 ngân hàng gồm VIB, MSB, Seabank, Vietbank, Pvcombank… Tỷ lệ duy trì hợp đồng sau năm thứ nhất đối với các hợp đồng bán qua ngân hàng (tính theo phí bảo hiểm) là 59%, tương ứng với tỉ lệ hủy, mất hiệu lực năm thứ nhất là 41%.

BIDV Metlife tỷ lệ hủy hợp đồng sau năm thứ nhất lên đến 39% và MB Ageas là 32%.

Kết quả công tác thanh tra của Bộ Tài chính cho thấy việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng còn nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới.

Một số hành vi vi phạm điển hình được Bộ Tài chính nêu rõ như: (i) Không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ yêu cầu theo quy định của doanh nghiệp; (ii) Không đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm; (iii) Cho người khác (đại lý cá nhân khác, nhân viên ngân hàng) sử dụng ipad, mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin và (iv) Không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn…

Thiết nghĩ tỷ lệ 32 - 73% hợp đồng bảo hiểm bán qua ngân hàng hủy sau một năm ký phần nào cho thấy dấu hiệu, nhiều khách mua bảo hiểm không hoàn toàn tự nguyện vì không có ai bỏ ra hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng để rồi năm sau lại dừng đóng và mất trắng. Trong khi đó, bản chất của bảo hiểm nhân thọ là tự nguyện và pháp luật có các quy định đảm bảo nguyên tắc này.

Vậy, điều gì khiến nhiều nhân viên ngân hàng thi nhau bán bảo hiểm nhân thọ, thậm chí bất chấp pháp luật để có những vi phạm như Bộ Tài chính đã chỉ ra? Đây là vấn đề cơ quan chức năng cần làm rõ, xử lý theo đúng tinh thần chỉ đạo quyết liệt, minh bạch, "sai đến đâu xử nghiêm tới đó" của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Lãnh đạo Cục Quản lý - giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, cho biết cơ quan này đang soạn dự thảo thông tư hướng dẫn về hoạt động phân phối bảo hiểm qua đại lý theo luật bảo hiểm, trong đó có quy định "ngân hàng không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho các khách hàng trong thời gian khách hàng thực hiện các thủ tục vay vốn và trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày giải ngân khoản vay".

Ngoài ra, theo nghị định 46 hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, vừa được Chính phủ ban hành, các đại lý bảo hiểm là tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thành lập bộ phận chuyên trách để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm.

Trong thời gian tới, hoạt động đại lý bảo hiểm phải được đặt tại quầy hoặc bàn giao dịch riêng, tách biệt với khu vực giao dịch, hoạt động nghiệp vụ khác của ngân hàng.

Đối với kênh truyền thống, tức là đại lý của các Công ty Bảo hiểm nhân thọ trực tiếp bán bảo hiểm cho cá nhân hoặc tổ chức, tỷ lệ duy trì hợp đồng sau năm đầu tiên phải đạt 85% trở lên mới có thưởng quý và các chuyến du lịch. Đối với cấp quản lý, tỷ lệ này phải đạt 80% trở lên của nhóm mình phụ trách trực tiếp mới được thưởng.

Theo tôi, Bộ Tài chính cần rà soát, so sánh tỷ lệ duy trì hợp đồng giữa 2 kênh bán bảo hiểm truyền thống và ngân hàng rồi căn cứ vào đó để xem xét từng đơn vị cụ thể, đưa ra yêu cầu tỷ lệ % duy trì hợp đồng sau năm thứ nhất và nếu không đạt thì ngân hàng và hãng bảo hiểm đó sẽ bị xử lý mạnh tay.

Chỉ mới 4 trong tổng số 19 công ty bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam bị thanh tra mà đã ghi nhận cả chục nghìn tỷ đồng doanh số từ việc bán bảo hiểm qua ngân hàng, thì nếu thanh tra tất cả 19 công ty sẽ ra con số lớn như thế nào?

Dĩ nhiên doanh số càng cao và tỷ lệ hủy hợp đồng sau năm đầu tiên cũng cao thì số tiền người dân mất trắng càng lớn. Nhiều người dân bị mất tiền nói với tôi rằng đây là tội ác vì đó là đồng tiền xương máu của họ. Sự vào cuộc và xử lý theo quy định pháp luật của cơ quan chức năng là cần thiết; cùng với đó, những trường hợp trước đây nhân viên ngân hàng chào mời, ép buộc, thậm chí lừa khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư thì các bên liên quan cần hoàn trả lại tiền cho người dân.

Xin đừng kiếm lợi nhuận và ăn chia trên đồng tiền xương máu của người khác!

Tác giả: Nhà báo Nguyễn Văn Hải, tốt nghiệp khoa báo chí Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Anh gắn bó với nghề báo hơn 10 năm, chuyên thực hiện các bài điều tra, phóng sự về những vấn đề nóng của xã hội.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!