Bảo hiểm nhân thọ: Thanh tra toàn diện để lấy lại niềm tin
Năm 2019, khi con tôi vừa đầy tháng, tôi tìm hiểu và chủ động nhờ cô bạn học cùng lớp bán chịu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Lúc ấy, niềm tin của tôi vào loại hình này rất mãnh liệt.
Phí đóng hợp đồng lúc đó của tôi là 18 triệu đồng/năm nhưng năm đầu tiên tôi chỉ đóng 15 triệu đồng và trả trước cho bạn tôi 10 triệu đồng. Đây là thời điểm tôi vừa mất việc, vợ lại mới sinh con, nên tôi tìm đến bảo hiểm nhân thọ để phòng khi rủi ro xảy ra thì gia đình có chỗ dựa về tài chính.
Với hợp đồng này, vợ tôi được bảo vệ gần 2 tỷ đồng về tính mạng, tai nạn, bệnh hiểm nghèo và còn có thêm một tấm thẻ khám chữa bệnh nội trú mệnh giá 600 triệu đồng/năm. Con tôi là người được bảo hiểm kèm với mẹ nên cũng có thẻ khám nội trú 600 triệu đồng/năm.
May mắn từ lúc mua bảo hiểm đến nay gia đình tôi chưa phải sử dụng lần nào và hàng năm tôi vẫn đóng phí đầy đủ. Cạnh nhà tôi, một gia đình hàng xóm cũng tham gia hợp đồng bảo hiểm với phí đóng 18 triệu đồng mỗi năm. Ngay năm đầu tiên họ mua, con gái nằm bệnh viện 2 lần vì viêm phổi nặng, mỗi lần viện phí hết 25 triệu đồng vì nằm phòng riêng. 50 triệu đồng tiền viện phí trong một năm được bảo hiểm trả gần như toàn bộ, chỉ có một số loại thuốc và vật dụng y tế ngoài danh mục chi trả thì họ phải bỏ tiền túi, khoảng 2 triệu đồng.
Người hàng xóm chia sẻ với tôi, đóng 18 triệu đồng mỗi năm, nghĩa là một tháng chỉ 1,5 triệu đồng, đến lúc đáo hạn được nhận về tiền gốc, mà khi con đi viện được hỗ trợ như vậy là quá tốt.
Tôi đã có những ấn tượng tốt đẹp với bảo hiểm nhân thọ như vậy, nhưng thật đáng tiếc là nó không kéo dài.
Năm 2021, tôi cần vay ngân hàng số tiền 400 triệu đồng để trả tiền mua nhà. Nhưng đi đến ngân hàng nào tôi cũng bị nhân viên tư vấn ép nếu muốn được giải ngân bắt buộc phải mua bảo hiểm nhân thọ.
Tôi giải thích là bản thân và gia đình đã có bảo hiểm rồi, nếu mua thêm thì không gánh được, sẽ phải bỏ ngang và mất hoàn toàn số tiền đã đóng. Tuy nhiên tôi không có sự lựa chọn khác, mua bảo hiểm thì được giải ngân, không thì thôi.
Cuối cùng, sau nhiều lần thương lượng, từ yêu cầu của ngân hàng phải mua gói 30 triệu đồng/năm nếu muốn vay 400 triệu đồng, tôi chỉ mua gói 15 triệu đồng và đóng năm đầu tiên rồi bỏ.
Tôi biết rất nhiều người cũng lâm vào hoàn cảnh như tôi và còn bị ép mua mệnh giá cao hơn; vay càng nhiều tiền càng phải mua mệnh giá cao và thường chỉ đóng năm đầu rồi bỏ. Có những người cay đắng gọi liên minh "mua bảo hiểm mới được vay tiền" này là "liên minh ma quỷ".
Đây trở thành vấn đề nóng và đến cuối 2022, đầu 2023 thì nhiều người bắt đầu đưa đơn tố cáo những tiêu cực liên quan đến việc mua bảo hiểm nhân thọ như báo chí đã phản ánh thời gian qua, từ chuyện ép mua khi vay tiền cho đến nghi vấn lừa đảo, gửi tiền tiết kiệm "bỗng dưng" thành hợp đồng bảo hiểm… Trong công việc nghề báo của mình, tôi đã dành thời gian tìm hiểu thực tế, tiếp xúc với rất nhiều nạn nhân và các bên liên quan, phản ánh vấn đề qua loạt bài đã đăng tải trên báo Dân trí.
Trong hơn 300 lá đơn từ nhiều tỉnh, thành gửi về tòa soạn của chúng tôi và đã được chuyển đến cơ quan chức năng, người dân phản ánh họ bị lừa từ vài chục triệu đồng cho đến cả tỷ đồng, với các hình thức như giả chữ ký, kê khống thu nhập, điền sai tình trạng sức khỏe và tiểu sử bệnh tật vào hồ sơ bảo hiểm, có những người ung thư mà hợp đồng vẫn phát hành.
Như chúng ta đã biết, sau khi công luận lên tiếng, cơ quan chức năng vào cuộc thì vừa qua hãng bảo hiểm đã hoàn trả khách hàng số tiền lên tới hơn 800 tỷ đồng. Thời gian gần đây, chúng tôi vẫn tiếp tục nhận được các đơn kêu cứu, tố cáo của bạn đọc.
Báo cáo khảo sát vừa công bố của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cho biết, từ đầu năm đến nay, thị trường bảo hiểm lao đao khi những thông tin tiêu cực về bảo hiểm nhân thọ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.
Còn thống kê từ các nền tảng mạng xã hội cho thấy, sau khi các thông tin tiêu cực về kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng được phát tán, đã đẩy lượng tin thảo luận về ngành bảo hiểm tăng gấp 15 lần, từ 4,7 nghìn lượt thảo luận/ngày trong năm 2022 lên 73 nghìn lượt thảo luận/ngày vào tháng 4 vừa qua.
Loạt lùm xùm đó đã kéo niềm tin trên thị trường bảo hiểm nhân thọ xuống thấp. Rõ ràng tâm lý e dè, lo ngại và hoài nghi sẽ còn ảnh hưởng xấu tới hoạt động kinh doanh của lĩnh vực này trong thời gian tới.
Ngày 19/6, lãnh đạo Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã họp với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và 100% doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, đưa ra yêu cầu các doanh nghiệp rà soát, chấn chỉnh hoạt động. Trong diễn biến mới nhất, ngày 24/6, Quốc hội yêu cầu thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư.
Quyết định của Quốc hội cũng như các cơ quan chức năng là rất cần thiết trong bối cảnh nêu trên. Bản thân sản phẩm bảo hiểm nhân thọ không có lỗi, tuy nhiên vì sao quá trình thực hiện, triển khai sản phẩm lại dẫn đến những bức xúc như thời gian vừa qua? Việc thanh tra toàn diện sẽ giúp người dân yên tâm, mang lại niềm tin vào thị trường bảo hiểm nói chung.
Theo tôi, lúc này quan trọng vẫn là khâu quản lý, từ việc quản lý đại lý bán bảo hiểm cho đến khâu phát hành hợp đồng, sao cho đại lý phải tư vấn đúng, đủ, ghi âm, ghi hình trong quá trình tư vấn để làm bằng chứng; hợp đồng phải được thẩm định kỹ càng, chặt chẽ.
Ngoài ra, cơ quan quản lý nên xem xét, yêu cầu ngân hàng tách riêng bộ phận bán bảo hiểm nhân thọ ra khỏi các dịch vụ khác; không bán sản phẩm liên kết đầu tư cho khách hàng đang vay tiền.
Người đang vay tiền chỉ tham gia sản phẩm bảo hiểm khoản vay hay bảo hiểm tử kỳ để đảm bảo việc thanh toán nợ cũng như giảm rủi ro cho ngân hàng.
Cuối cùng, tôi cho rằng việc lừa dối khiến khách hàng mất tiền cũng không khác mấy so với hành vi lừa đảo nên cần xử phạt nghiêm, thậm chí xem xét theo tội hình sự khi chứng cứ đầy đủ, có như vậy mới lấy lại được niềm tin của khách hàng.
Tác giả: Nhà báo Nguyễn Văn Hải, tốt nghiệp khoa báo chí Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Anh gắn bó với nghề báo hơn 10 năm, chuyên thực hiện các bài điều tra, phóng sự về những vấn đề nóng của xã hội.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!