Tâm điểm
Bích Diệp

Nhậu xỉn vẫn lái xe là coi rẻ mạng sống người khác!

Vụ tai nạn liên hoàn giữa một ô tô con với 5 xe máy cùng 2 xe con khác xảy ra tại đường Nguyễn Trác (phường Dương Nội, TP Hà Nội) tối 16/7 đã gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng: một người tử vong tại chỗ, 3 người khác bị thương nặng trong đó có cả trẻ nhỏ.

Tai nạn là điều không ai muốn. Nhưng đáng trách là vụ tai nạn xảy ra do tài xế ô tô dùng bia rượu bất chấp. Kết quả kiểm tra nồng độ cồn với Lê Minh Giáp – người gây ra vụ tai nạn - cho thấy, tài xế này vi phạm ở mức 0,861mg/lít khí thở, gần gấp 2,2 lần mức vi phạm kịch khung về nồng độ cồn. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam 4 tháng với Giáp để điều tra tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

Vụ việc đau lòng này một lần nữa cho thấy, dù khung hình phạt hành chính đối với người lái xe sử dụng rượu bia đã được nâng lên rất cao (theo Nghị định số 168/2024/NĐ-CP, người điều khiển ô tô có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở > 80mg/100ml máu hoặc > 0,4mg/lít khí thở bị phạt tiền 30-40 triệu đồng, trừ 12 điểm giấy phép lái xe), vẫn không ít tài xế liều lĩnh “đánh cược” với “ma men”.

Tại cơ quan công an, Lê Minh Giáp cho biết, khi lên xe để về nhà sau khi đã dùng rượu bia, anh ta tự tin mình sẽ lái được và nghĩ “chắc không có vấn đề gì”. Kết quả, trong quá trình điều khiển phương tiện, tài xế này ngủ gật và đạp nhầm chân ga, gây ra tai nạn liên hoàn. Đã có người chết, có người bị thương nặng. Chúng ta đều lên án hành vi liều lĩnh, vô trách nhiệm của tài xế, nhưng đồng thời, nhiều bài học cần được rút ra từ vụ việc thương tâm này. Bởi, trong thực tế cuộc sống, tâm lý “thỏa hiệp” như trên là không hiếm. Đơn cử, chỉ sau vụ tai nạn gây rúng động dư luận nói trên ít ngày, lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh Phú Thọ qua một đêm mật phục trước quán nhậu đã phát hiện 24 tài xế vi phạm nồng độ cồn. Có lẽ còn nhiều trường hợp vi phạm khác trên phạm vi cả nước. Chẳng lẽ những tài xế này không đọc tin tức, hay họ nghĩ tai nạn sẽ chừa mình ra chăng?

Nhậu xỉn vẫn lái xe là coi rẻ mạng sống người khác! - 1

Hiện trường vụ tai nạn liên hoàn trên đường Nguyễn Trác, phường Dương Nội, TP Hà Nội tối 16/7 (Ảnh: Nguyễn Hải).

Một số người thường tự tin về tửu lượng của bản thân, nhủ rằng sau dăm ba chén rượu, một vài cốc bia vẫn bắt tay chào hỏi, trò chuyện bình thường, như vậy là tỉnh táo. Nhưng thông thường, không phải chờ đến khi người điều khiển phương tiện giao thông say khướt đến mức không còn nhận thức, không làm chủ được hành vi nữa thì mới gây ra tai nạn. Các sự cố vốn dĩ xảy ra từ những tình huống chớp nhoáng. Chỉ một vài giây mất tập trung, một cơn buồn ngủ thoáng qua cũng khiến tài xế giật mình, mất kiểm soát, dẫn đến va chạm.

Đối với người sử dụng bia rượu, tình trạng buồn ngủ, thiếu tỉnh táo sẽ đến rất nhanh và không thể kiểm soát, nhất là vào những thời điểm sau giờ trưa hay tối muộn. Ethanol vào cơ thể sẽ hấp thụ vào máu, gây ảnh hưởng nhiều đến các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là thần kinh, làm thay đổi tâm trạng, khiến phản xạ chậm hơn, gây mất thăng bằng. Theo WHO, rượu bia làm suy yếu khả năng phán đoán của người điều khiển phương tiện. Khi nồng độ cồn trong máu tăng, tầm nhìn, cũng như phản xạ của người lái xe giảm. 

Vậy nên, “đã uống rượu bia thì không lái xe” hoàn toàn không phải là một khẩu hiệu hình thức, mà vô cùng thực tế! Hơn nữa, tại sao tài xế lại lựa chọn phương án vi phạm luật giao thông khi tự lái xe về nhà với tình trạng có hơi men, trong khi ngày nay dịch vụ lái hộ hay taxi đều rất sẵn. Khách có thể trực tiếp gọi xe hoặc nhờ nhân viên nhà hàng thao tác hộ.

Vấn đề khác, khi tài xế không còn tỉnh táo thì những người có mặt cũng cần có trách nhiệm để can ngăn hành vi xốc nổi dại dột và vi phạm pháp luật.

Nhìn lại nửa đầu năm, cơ quan cảnh sát giao thông đã phát hiện và xử lý 310.058 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, chiếm 16,46% các hành vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Điều đáng nói ở đây, không ít trường hợp người uống rượu bia gây tai nạn nghiêm trọng lại hiểu biết rất rõ về luật. Trong vụ tai nạn tại Dương Nội, ông Giáp là giảng viên tại một trường cao đẳng có trụ sở ở TP Hà Nội.

Trước đó, vụ tai nạn liên hoàn xảy ra tối ngày 26/6 ở Bắc Ninh (ô tô biển kiểm soát 99A-xxx.31 va chạm với xe mô tô biển kiểm soát 99K1-xxx.57, tiếp tục va chạm với 9 xe mô tô đang dựng dưới lòng đường và xe ô tô bán tải biển kiểm soát 99C-xxx.52), tài xế là Đội trưởng công tác tại Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Bắc Ninh có nồng độ cồn 0,435mg/lít khí thở.

Cần khẳng định, pháp luật yêu cầu sự tuân thủ tuyệt đối, chỉ một lần vi phạm cũng có thể dẫn đến hậu quả khôn lường, ngay cả với một người tự nhận bản thân vốn dĩ “luôn tuân thủ pháp luật” đi chăng nữa. Và với tình trạng vi phạm liên tục diễn ra như vừa qua, việc tuyên truyền về tác hại rượu bia khi tham gia giao thông cần mạnh mẽ hơn. 

Rồi đây, tài xế gây tai nạn sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật cho hành vi sai lầm của bản thân. Nhưng điều xót xa nhất chính là có những hậu quả không thể hoặc rất khó khắc phục và bù đắp, như mạng sống và sức khỏe, tương lai của những người bị nạn cũng như tổn thất về tinh thần, về kinh tế của người thân, gia đình họ.

Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog - Tâm điểm từ năm 2016.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!