Đằng sau cuộc tranh luận về nồng độ cồn khi lái xe
Cách đây 15 năm, sau một lần quá chén khi đi gặp đối tác, lúc chạy xe về nhà trên đường song hành quốc lộ 22 (TPHCM), cơn buồn ngủ ập đến với tôi và trong tích tắc của cái sụp mắt, xe tông thẳng vào trụ cột điện ven đường. Vụ tai nạn gây hư hỏng phương tiện, tôi may mắn không bị thương nặng nhưng cũng bước đi khập khiễng mất gần một tháng.
Hồi đó chuyện xử phạt vi phạm nồng độ cồn chưa "gắt" như bây giờ, song tôi có được một bài học nhớ đời để bỏ hẳn thói uống rượu bia khi lái xe. Và từ trải nghiệm không hay đó, tôi rất quan tâm đến các thảo luận liên quan đến chủ đề này.
Từ đầu năm 2020, sau khi Luật phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 có hiệu lực, hành vi bị nghiêm cấm tuyệt đối là "Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Để đi đến quy định này là ý chí rất mạnh mẽ của đa số các nhà làm luật, bởi vì trước đó đã có rất nhiều tranh luận về việc Việt Nam có nên quá nghiêm khắc như vậy không, kèm theo cảnh báo ảnh hưởng đến ngành dịch vụ khi hàng quán sẽ trở nên vắng vẻ.
Nồng độ cồn trong máu (Blood Alcohol Content - BAC) hay nồng độ cồn trong hơi thở (Breath Alcohol Content - BrAC) là những tiêu chuẩn chung trên toàn cầu để xác định mức độ vi phạm của các lái xe. Tuy nhiên mỗi quốc gia lại áp dụng BAC và/hoặc BrAC với mức giới hạn khác nhau.
Đơn cử ở Đức, lần vi phạm đầu tiên, tài xế có nồng độ cồn trong máu vượt quá 0,05mg sẽ bị phạt 500 euro, trừ 2 điểm trên hệ thống quản lý giấy phép lái xe và bị cấm lái xe một tháng. Tới lần thứ 2 vi phạm, tài xế sẽ bị phạt 1.000 euro, trừ 2 điểm trên hệ thống quản lý và treo bằng 3 tháng; lần thứ 3 thì mức phạt 1.500 euro, bị cấm lái trong 3 tháng. Một người dân ở Đức nếu bị trừ 8 điểm trên hệ thống quản lý giấy phép lái xe sẽ bị tịch thu bằng lái và phải thi lại.
Pháp luật Trung Quốc quy định hai mức xử lý đối với hành vi lái xe có sử dụng rượu bia là: Lái xe khi đã sử dụng rượu bia (nồng độ cồn từ 20mg đến dưới 80mg trong mỗi 100ml máu) và lái xe khi đã say rượu bia (nồng độ cồn từ 80mg trở lên trong mỗi 100ml máu). Mức xử phạt tăng dần theo nồng độ cồn và cao nhất nếu xảy ra tai nạn nghiêm trọng, tài xế sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tước giấy phép, cấm lái xe trọn đời.
Tìm hiểu kỹ sẽ thấy nhiều nước đang áp dụng "vùng xanh" trong xử phạt nồng độ cồn. Hệ thống luật giao thông của họ quy định hết sức chặt chẽ, nhưng cách vận hành chế tài xử phạt không theo hướng cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe. Bởi vì họ cho rằng nhu cầu giao tiếp, gặp gỡ và sử dụng chất có cồn là bình thường trong xã hội, luật định cần phải dựa vào thực tiễn.
Khái niệm "vùng xanh" đặt ra ngưỡng giới hạn nào đó để bảo đảm ngăn chặn tình trạng say xỉn vẫn tham gia giao thông, đồng thời cho phép người dân uống một lượng rượu, bia nhất định.
Trong khi đó, với quy định theo hướng "đã uống rượu bia thì không lái xe", Việt Nam thuộc nhóm các nước nghiêm khắc nhất về vấn đề này, mức phạt cũng khá cao nếu so với điều kiện thu nhập bình quân đầu người hiện nay.
Cuộc tranh luận về nồng độ cồn một lần nữa được dấy lên khi Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Nhiều đại biểu đề nghị cân nhắc quy định cấm tuyệt đối người "Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Qua thảo luận bước đầu, 10 ý kiến thể hiện quan điểm này cho rằng cần có báo cáo đánh giá, tổng kết, cơ sở khoa học để đưa ra mức giới hạn thấp nhất.
Cơ quan soạn thảo khẳng định quy định trên nhằm bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông, tránh lạm dụng rượu, bia, bảo vệ giống nòi, hạn chế tai nạn giao thông. Tuy nhiên, với ý kiến đề nghị điều chỉnh theo hướng quy định mức tỷ lệ nồng độ cồn cụ thể được phép điều khiển phương tiện tham gia giao thông, Chính phủ sẽ "nghiên cứu, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở bảo đảm yêu cầu thực tiễn, có căn cứ khoa học và bảo đảm tính khả thi".
Lợi ích của việc cấm lái xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là rất rõ ràng, những phiền phức và ảnh hưởng của lệnh cấm này thì ai cũng nhìn thấy. Vấn đề chỉ là có nên "nới" một chút hay vẫn cấm tuyệt đối?
Theo tôi, Việt Nam mới chỉ áp dụng quy định "đã uống rượu, bia thì không lái xe" được 3 năm (từ năm 2020 đến nay). Người dân đã bước đầu làm quen với quy định này, ý thức tránh đồ uống có cồn trước khi cầm lái được nâng lên rõ rệt, tuy nhiên các đợt xử phạt gần đây cho thấy số lượng tài xế vi phạm nồng độ vẫn còn nhiều. Một số liệu trên báo Dân trí là từ ngày 30/8 đến ngày 15/10, các "tổ công tác đặc biệt" của Cục Cảnh sát Giao thông đã phát hiện xử lý hơn 6.100 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó có 232 trường hợp là cán bộ, công chức.
Như vậy quy định dù nghiêm khắc nhưng vẫn còn vi phạm với số lượng không nhỏ, nghĩa là vẫn cần tiếp tục áp dụng để răn đe và giáo dục.
Nếu nghiên cứu áp dụng "vùng xanh" lúc này, nghĩa là đưa ra mức giới hạn thấp nhất nào đó, chúng ta sẽ đứng trước cuộc tranh luận không có hồi kết giữa bên ủng hộ và phản đối. Và thực sự về mặt khoa học thì rất khó có một giới hạn phù hợp với tất cả mọi người trong xã hội, vì "tửu lượng" là hoàn toàn khác nhau.
Tôi hiểu rằng các bên ủng hộ hay phản đối đều có lý lẽ và đều với tinh thần trách nhiệm, bởi vì đằng sau cuộc tranh luận về nồng độ cồn là sự an toàn khi tham gia giao thông của cộng đồng, là kế mưu sinh của người dân, các cơ sở dịch vụ và phần nào ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Vì vậy, tôi cho rằng hãy tiếp tục áp dụng tinh thần của Nghị định 100 thêm một thời gian nữa, khi hạ tầng giao thông ở Việt Nam được cải thiện tốt hơn, khi ý thức của người dân được nâng cao hơn, lúc đó hãy xem xét lại quy định liên quan cũng chưa muộn.
Tác giả: Mai Đức Dũng tốt nghiệp Đại học Luật TPHCM, hiện kinh doanh lĩnh vực Logistic và sinh sống ở TPHCM.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!