Tâm điểm
Phạm Trung Tuyến

Tay lái có cồn

Gần 8.000 trường hợp tài xế bị phát hiện và xử lý vì lỗi nồng độ cồn khi lái xe những ngày nghỉ Tết vừa qua. Đó là con số rất lớn, tăng gần 600% so với dịp Tết năm trước. Tất nhiên, có hai cách để hiểu về con số đó.

Hoặc số người vi phạm lỗi này tăng đột biến do nhờn luật. Hoặc lực lượng cảnh sát giao thông ra quân quyết liệt hơn, nghiêm túc hơn. Cá nhân tôi thích cách hiểu thứ hai hơn. Bởi, trên thực tế, Tết năm nay tôi không còn gặp cảnh ép uống, nài nỉ uống như mọi khi. Tại tất cả các cuộc tiệc tùng mà tôi tham dự trước, trong và sau Tết…, nhận thức đồng thuận của mọi người đều cho thấy việc xin xỏ để thoát xử phạt lỗi uống rượu khi lái xe là bất khả thi.

Tay lái có cồn - 1

Chốt kiểm tra vi phạm nồng độ cồn tại khu vực ngã tư Bà Triệu - Nguyễn Du (Hà Nội) vào thời khắc giao thừa bước sang năm 2023 (Ảnh: Nguyễn Hải)

Lái xe sau khi dùng rượu, bia, cũng giống như nhiều hành vi vi phạm luật giao thông khác ở Việt Nam, theo tôi, chỉ có thể được ngăn chặn hiệu quả khi mà người dân nhận thức được đó là những hành vi không được bỏ qua khi vi phạm.

Trước kia, khi Luật giao thông quy định ngưỡng nồng độ cồn trong máu được phép khi điều khiển phương tiện, người ta vẫn vi phạm vì ý nghĩ vượt ngưỡng một chút thôi thì dễ cảm thông. Nhưng khi ngưỡng bằng không, câu chuyện đã khác, ý thức đã thay đổi một cách rõ rệt.

Nhiều người cho rằng việc quy định chỉ cần trong máu có cồn, dù chỉ là một tỷ lệ rất nhỏ cũng là vi phạm có phần quá nghiệt ngã, vì cần một tỷ lệ đủ lớn mới tác động đến hành vi lái xe gây nguy hiểm. Điều đó không sai. Song, nếu có thể uống một chút, việc kiểm soát để không uống thêm một chút nữa là rất khó khăn. Và, khi có một tỷ lệ nhất định cồn trong máu dưới ngưỡng quy định mà vẫn được lái xe, hệ lụy của việc vượt ngưỡng, của những tranh cãi về tính chính xác của thiết bị đo cũng sẽ hình thành. Nên, tôi cho rằng việc quy định tuyệt đối không cồn khi điều khiển phương tiện là cần thiết.

Năm nay, khi mà số lượng người bị xử phạt tăng gần 600%, tôi tin rằng đó là một con số rất cần được truyền thông một cách nổi bật, để người dân có thể hình dung rõ ràng hơn về thái độ không thể tha thứ đối với hành vi điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia.

Xin được nhấn mạnh lại quan điểm của tôi: Khi mà người dân còn nghĩ những vi phạm của mình có thể thể tất, có thể bằng một cách nào đó để lực lượng chấp pháp bỏ qua, họ sẽ có niềm tin để tiếp tục vi phạm, hoặc khuyến khích người khác vi phạm.

Câu chuyện tương tự cũng đã xảy ra đối với lỗi vi phạm vượt quá tốc độ quy định trên đường cao tốc. Từ khi các tuyến cao tốc được trang bị camera phạt nguội, tình trạng đi xe vượt quá tốc độ trên cao tốc giảm hẳn trên hầu hết tuyến cao tốc mà tôi thường đi. Bởi, phạt nguội có nghĩa lỗi vi phạm của bạn đã được ghi nhận trên hệ thống, không thể trực tiếp xin xỏ những cá nhân chấp pháp trên đường.

Việc xử lý nghiêm túc, hạn chế tối đa các khả năng tác động giảm nhẹ, hoặc thoát lỗi, theo tôi, là cách thức hiệu quả nhất tác động nhằm thay đổi hành vi của người điều khiển phương tiện giao thông. Khi duy trì được nhận thức tuyệt đối không rượu bia trước khi lái xe, thói quen lạm dụng rượu bia của xã hội chắc chắn sẽ giảm mạnh. Điều đó không chỉ tác động tích cực tới an toàn giao thông, mà còn cần thiết để giảm bớt tình trạng mất an ninh, trật tự do lạm dụng rượu bia.

Tác giả: Nhà báo Phạm Trung Tuyến hiện là Phó giám đốc kênh radio Giao thông quốc gia 91 Mhz của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!