Tâm điểm
Phạm Hoàng Phương

Nhà thờ Đức Bà Paris "hồi sinh": Những bài học cho công tác trùng tu di sản

Nhà thờ Đức Bà Paris (Pháp) đã mở cửa trở lại vào ngày 7/12, hơn 5 năm sau khi bị tàn phá bởi một vụ hỏa hoạn kinh hoàng.

Lễ công bố mở cửa trở lại Nhà thờ được tổ chức long trọng với sự chủ trì của tổng thống Pháp và sự tham dự của nhiều chính khách, lãnh đạo quốc tế, trong đó có tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky… 

Quá trình khôi phục Nhà thờ Đức Bà Paris để lại những bài học quý giá, đáng tham khảo cho tất cả các nước trên thế giới về việc bảo tồn, trùng tu di tích, trong đó có Việt Nam chúng ta.

Nhà thờ Đức Bà Paris hồi sinh: Những bài học cho công tác trùng tu di sản - 1

Tháp chuông giữa của Nhà thờ Đức Bà Paris bốc cháy ngùn ngụt và đổ sập trong vụ hỏa hoạn tối 15/4/2019. (Ảnh: Reuters)

Nhà thờ Đức Bà Paris được xây dựng từ thế kỷ 12, ngày nay cùng với chức năng của một công trình tôn giáo thì đây đã trở thành điểm nhấn quan trọng tạo nên bản sắc kiến trúc và cảnh quan đô thị của kinh đô ánh sáng. Vụ cháy ngày 15/4/2019 đã làm sập hoàn toàn cấu trúc mái và tháp nhọn của Nhà thờ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nội và ngoại thất công trình, tưởng như rất khó phục dựng nguyên trạng. Tuy nhiên, các quyết sách của lãnh đạo Pháp và bàn tay tài hoa của hàng nghìn thợ thủ công lão luyện đã giúp nhà thờ lấy lại vẻ đẹp tráng lệ trước kia.

Trước hết, ngay sau khi các ý tưởng trùng tu được thảo luận rộng rãi, đích thân lãnh đạo cao nhất nước Pháp là Tổng thống Emmanuel Macron đã phát biểu trên truyền hình, cam kết trùng tu và phục dựng lại nhà thờ trong 5 năm. Đối với một công trình mang tính biểu tượng như Nhà thờ Đức Bà Paris, kinh phí trùng tu và các vấn đề phức tạp, nhạy cảm của quá trình trùng tu khiến xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau, vì vậy quyết tâm của lãnh đạo ở cấp cao nhất có ý nghĩa quan trọng tạo sự đồng thuận.

Chính phủ Pháp đã nhanh chóng soạn thảo một luật mới để trình Quốc hội thông qua trong năm 2019, cho phép miễn trừ Nhà thờ Đức Bà Paris khỏi các luật và thủ tục di sản hiện hành. Đạo luật này tạo điều kiện để loại bỏ tối đa các rào cản và thủ tục hành chính rườm rà, giúp triển khai dự án trùng tu, phục dựng công trình nhanh và hiệu quả nhất.

Nước Pháp đã đứng ra tổ chức cuộc thi thiết kế trùng tu công trình với sự tham gia của hàng trăm kiến trúc sư trên toàn thế giới. Trong số này có nhiều kiến trúc sư gạo cội, từng đạt giải thưởng Pritzker - tương đương với giải thưởng Nobel về Kiến trúc. Các đồ án thiết kế trùng tu và xây dựng được cho phép phát triển tối đa ý tưởng, không nhất thiết phải hoàn toàn giống như nguyên gốc công trình.

Các động thái thể hiện quyết tâm mạnh mẽ và sự cởi mở đối với việc trùng tu Nhà thờ Đức Bà Paris của chính giới Pháp, đã nhanh chóng tạo nên sự quan tâm và ủng hộ của xã hội. Minh chứng cho việc này là ngay sau khi kết thúc trao giải cho các đồ án thiết kế ý tưởng dự thi, quỹ từ thiện của nhà thờ đã bắt đầu nhận được các khoản quyên góp để trả hóa đơn và tiền lương cho 150 công nhân đang làm việc tại nhà thờ kể từ khi xảy ra vụ cháy. Tính đến cuối năm 2023, khoảng 340.000 cá nhân  và tổ chức đến từ 150 quốc gia và vùng lãnh thổ đã quyên góp hơn 1,1 tỷ USD cho dự án. Đây thực sự là bài học rất lớn về huy động nguồn lực xã hội hóa, tạo sự đồng thuận và nhất trí cao trong trùng tu và phục dựng di tích.

Nhà thờ Đức Bà Paris hồi sinh: Những bài học cho công tác trùng tu di sản - 2

Bên trong Nhà thờ Đức Bà Paris hôm 29/11 (Ảnh: Reuters).

Trên cơ sở các cuộc thăm dò ý kiến người dân,  ngày 29 /7/2019, Quốc hội Pháp đã ban hành luật yêu cầu rằng việc trùng tu phải "bảo tồn lợi ích lịch sử, nghệ thuật và kiến trúc của di tích". Sau đó, kế hoạch trùng tu và phục dựng nguyên trạng, trung thành tuyệt đối với hình dáng kiến trúc cũ của Nhà thờ đã được thiết lập bài bản và triển khai đồng bộ. Đây có thể xem là một cách làm rất khoa học và linh hoạt để hướng tới mục tiêu bảo tồn, phục dựng di sản.

Trong giai đoạn một, các nỗ lực giữ nguyên hiện trạng, gia cường cho hệ kết cấu tường và mái vòm hiện có được tập trung triển khai. Đơn vị thi công đã loại bỏ gần 300 tấn chì nóng chảy, tẩy độc bụi chì trong và ngoài nội thất, loại bỏ các phần còn lại của hệ giàn giáo cũ đang có nguy cơ tự sụp đổ. Hệ khung cột và dầm đỡ gia cường cũng được lắp đặt thêm vào để tăng khả năng đứng vững cho kết cấu hiện có.

Trong giai đoạn hai, công tác trùng tu diễn ra nghiêm ngặt để đảm bảo phục dựng nguyên trạng, từ vật liệu cho đến phương thức thi công, lắp đặt các cấu kiện. Công nghệ số được áp dụng ngay từ khâu thiết kế. Trên cơ sở các tài liệu lưu trữ rất đầy đủ và mô hình số hóa, mô hình cấu trúc mái nguyên gốc được tái hiện để phục vụ cho công tác trùng tu chính xác, giảm đáng kể thời gian thiết kế và thi công.

Các vật liệu xây dựng đặc biệt là gỗ sồi kích thước lớn theo đúng nguyên gốc được lựa chọn rất khắt khe, đảm bảo yêu cầu. Các chuyên gia trùng tu, thợ thủ công lành nghề cũng được tuyển dụng với yêu cầu đủ năng lực gia công, lắp đặt các cấu kiện theo đúng như cách gia công và lắp đặt thời trung cổ của thế kỷ 12-13. Cơ quan phụ trách trùng tu đã làm rõ các phương thức thi công truyền thống của công trình, như sử dụng hệ thống ghim sắt để liên kết các cấu trúc tường và vòm đá. Điều này cho thấy ý thức tôn trọng di sản rất cao.

Trong quá trình trùng tu, nhiều cuộc khảo cổ đồng thời được tiến hành để phát hiện và di dời các di chỉ khảo cổ, như một số bức tượng và chiếc quan tài cổ bằng chì niên đại từ thế kỷ 14 ở độ sâu 20m dưới nền công trình.

Sau cùng, khi hoàn thành, lễ khánh thành và mở cửa công trình được tổ chức rất trang trọng, đúng với vị thế và tầm vóc của Nhà thờ Đức Bà Paris. Điều này không chỉ là một lời tuyên bố về thành công của công tác trùng tu, phục dựng công trình mà còn có tác dụng đẩy mạnh ý thức tham gia của cộng đồng trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản, kéo khách du lịch trở lại tham quan, và tiếp tục thu hút thêm các nguồn lực xã hội hóa trong giai đoạn tiếp theo.

Trong bối cảnh nhiều công trình di sản tại Việt Nam đang gặp khó khăn trong quá trình bảo tồn, trùng tu, đặc biệt là ở các nội dung về thống nhất chủ trương, định hướng trùng tu, huy động nguồn lực xã hội hóa, bảo tồn tối đa nguyên trạng, giảm thiểu các sai sót và mai một giá trị di sản…, thiết nghĩ những kinh nghiệm của dự án trùng tu, phục dựng nhà thờ Đức Bà Paris là rất quý giá.

Tác giả: Thạc sĩ, kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương là chuyên gia nghiên cứu, lý luận phê bình về kiến trúc, quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, với gần 25 năm kinh nghiệm; nguyên phó tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc Việt Nam và hiện công tác tại Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng).

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!