"Người đàn ông gánh phở" và không gian phố đi bộ, ẩm thực
Những ngày gần đây, thực khách đến với phố ẩm thực Tống Duy Tân - Cấm Chỉ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã ngạc nhiên khi thấy khu phố này được "khoác tấm áo mới", với điểm nhấn là bức tượng đồng "người đàn ông gánh phở" đặt tại nút giao đầu phố. Nhiều người thích thú chụp hình lưu niệm với bức tượng này.
Việc quận Hoàn Kiếm cải tạo chỉnh trang tuyến phố ẩm thực với sự hiện diện của các cấu trúc cổng vào kế thừa có chọn lọc đường nét kiến trúc truyền thống, và bức tượng tái hiện hình ảnh gánh phở rong của Hà Nội xưa - một món ăn quốc hồn quốc túy, với ngôn ngữ biểu hiện thô mộc, sáng tạo nhưng gần gũi, là một bước chuyển biến rất tích cực về việc trang trí nghệ thuật cho không gian công cộng.
Có thể nói việc chỉnh trang này là cơ sở để mở ra xu hướng cải tạo, nâng cấp đồng bộ toàn tuyến phố theo chiều sâu, phát huy các giá trị tiềm năng cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo dựng bản sắc và vẻ đẹp đô thị thông qua nghiên cứu thiết kế đô thị bài bản.
Không gian khô cứng và nhàm chán là một thực tế ở nhiều khu phố đi bộ, ẩm thực nước ta. Nhiều người đổ lỗi cho việc chính quyền địa phương thiếu quan tâm đầu tư trang trí không gian công cộng "ra tấm ra món". Thực ra thiếu quan tâm thì có thể, còn chuyện đầu tư "nhỏ" hay "to" không phải vấn đề quyết định.
Trên thế giới, nghệ thuật công cộng bao gồm nhiều hình thức trang trí đa dạng, luôn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra sức cuốn hút cho các con phố đi bộ và ẩm thực.
Nghệ thuật công cộng trong không gian đô thị được hiểu không chỉ là một vài bức tranh tường, hay bức tượng, phù điêu trang trí ngoài trời, mà chính là một tổng thể nhóm nhà, khu phố, tuyến đường, khu vực đô thị được tổ chức với không gian có sự kết nối và trang trí ấn tượng ở cả quy mô "bé tí tẹo" hay "to khổng lồ". Yếu tố quyết định là nghệ thuật công cộng từ tổng thể đến chi tiết kết nối mạnh mẽ với văn hóa bản địa, được biểu đạt ấn tượng, chạm đến cảm xúc của công chúng.
Nếu nói về kích thước bé tí tẹo, ví dụ tiêu biểu là ở góc phố Rue de l'Etuve Rue des Grands Carmes trong khu vực phố cổ trung tâm thủ đô Brussel (Vương quốc Bỉ) với bức tượng Manneken Pis - Chú bé đứng tè, được điêu khắc khá tinh xảo bằng đá cẩm thạch, với quy mô chỉ cao 61cm trên không gian mặt tiền các ngôi nhà cổ giữ nguyên dáng vẻ xưa cũ thời Phục Hưng. Khu vực này hàng năm thu hút hàng triệu lượt khách du lịch trên toàn thế giới.
Hay khu phố đi bộ ở thành phố Copenhagen (Đan Mạch) nổi tiếng không chỉ bởi không gian vịnh biển với hàng cây lá phong đặc trưng, mà còn nhờ bức tượng nàng tiên cá - một nhân vật nổi tiếng trong truyện cổ Andersen, được chế tác bằng chất liệu đồng với kích thước nhỏ hơn so với người thật.
Về quy mô lớn hay cực lớn, người ta sẽ nhắc đến đại lộ Danh vọng của kinh đô điện ảnh Hollywood (Mỹ) với các tòa nhà hiện đại và đặc biệt là dải hè lát đá với hơn 2.600 ngôi sao đồng in dấu tay và tên của hầu hết các nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ… nổi tiếng thế giới. Hoặc khu vực tháp Eiffel (Paris, Pháp) với các khối nhà kiến trúc thế kỷ 18 bao quanh. Tòa tháp cao gần 312 m được chế tạo bằng thép này chính là một tác phẩm nghệ thuật trang trí ấn tượng, thu hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm, mang về nguồn thu khổng lồ bất tận cho đô thị.
Những năm qua, dù diện mạo các tuyến phố đi bộ và ẩm thực ở đô thị nước ta đã được chỉnh trang, trồng nhiều cây xanh, vỉa hè và lối đi rộng rãi, khang trang hơn…, nhưng thực tế là nhiều nơi vẫn trong tình trạng còn khô cứng, trang trí kém hấp dẫn.
Một số tuyến phố đã sử dụng các giải pháp trang trí nghệ thuật như tranh tường, hay tượng, phù điêu ngoài trời song chưa có sự kết nối hữu cơ với tổng thể không gian, nội dung và cách thể hiện còn đơn giản, chưa thấy rõ sự sáng tạo và tính nghệ thuật biểu đạt ấn tượng cao.
Các không gian phố đi bộ và ẩm thực khô cứng một mặt sẽ tác động trực tiếp đến hiệu quả khai thác dịch vụ, du lịch, mặt khác giảm đóng góp về phát triển văn hóa giáo dục.
Kinh nghiệm trang trí nghệ thuật công cộng tại các quốc gia phát triển chỉ ra rằng, đây là công việc phải được nghiên cứu và thể hiện như là một phần của lịch sử công cộng, một phần của nền văn hóa đang phát triển và ký ức tập thể của cư dân đô thị.
Không gian tuyến phố dù thể hiện theo ngôn ngữ hiện đại hay tái hiện truyền thống thì vẫn nên sử dụng văn hóa đặc trưng địa phương làm chất liệu chính. Không gian có tính liên kết với các tác phẩm nghệ thuật như tượng, điêu khắc, tranh… và các tác phẩm này là điểm nhấn cho không gian.
Khác với các tác phẩm nghệ thuật được đặt trong bảo tàng, nghệ thuật công cộng thường không đề cập đến các nội dung hàn lâm to tát mà chủ yếu là các câu chuyện lịch sử, văn hóa, truyền thuyết gắn với địa điểm, các giá trị chung của cộng đồng địa phương trong lịch sử, hiện tại và tương lai; thậm chí có thể là sự suy tư và giả định vui vẻ về cuộc sống trong tương lai dưới sự phản ánh của nghệ sĩ thông qua các thủ pháp biểu đạt sáng tạo.
Việc thiết kế vị trí và chỉnh trang khung cảnh ở quy mô góc phố hay tuyến phố cũng cần được nghiên cứu và cân nhắc tổ chức đồng bộ với hình, khối, màu sắc các khối nhà… trên cơ sở một đồ án thiết kế đô thị tổng thể toàn tuyến phố, nhằm tạo được sự liên kết độc đáo giữa cách thức tạo ra tác phẩm, địa điểm và ý nghĩa của tác phẩm.
Khu phố đi bộ, phố ẩm thực sống động sẽ đóng vai trò không chỉ là điểm vui chơi, giải trí, phát triển dịch vụ, mà còn giáo dục truyền thống văn hóa một cách trực quan cho người dân địa phương và du khách.
Tác giả: Thạc sĩ, kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương là chuyên gia nghiên cứu, lý luận phê bình về kiến trúc, quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, với gần 25 năm kinh nghiệm; nguyên phó tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc Việt Nam và hiện công tác tại Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng).
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!