Kinh tế đêm không chỉ là phố đi bộ, khu ẩm thực
Hơn 10 năm trước, lần đầu tiên đến du lịch tại Las Vegas, dù phần nào đã biết nhưng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước khung cảnh vắng lặng của thành phố khi thức dậy vào lúc 11h sáng. Những gì tôi chứng kiến cho thấy sự trái ngược hoàn toàn với Las Vegas về đêm: đông đúc, sôi động, và vô cùng hấp dẫn, giúp tôi lần đầu tiên cảm nhận rõ ràng và đầy đủ hơn về các hoạt động kinh tế ban đêm.
Tôi thấy sức sống của Las Vegas không chỉ đến từ các sòng bài, mà còn bởi vô số các loại hình dịch vụ khác, phục vụ nhu cầu đa dạng của khách du lịch đến từ nhiều nền văn hóa-xã hội khác nhau trên khắp thế giới. Nhớ lại những lần trải nghiệm các thành phố Sydney và Melbourne (Australia), Pattaya và Bangkok (Thái Lan), hay New York, Los Angeles, San Francisco (Mỹ), tôi nhận ra những bản sắc về đêm rất khác nhau. Rõ ràng, sức hấp dẫn của các địa điểm này sẽ bị giảm đáng kể nếu thiếu đi những mảng màu thú vị do các hoạt động kinh tế đêm tạo ra.
Trên bình diện toàn cầu, sự xuất hiện và phát triển của các hoạt động kinh tế đêm gắn với tiến trình công nghiệp hóa và đô thị hóa. Sự hình thành các đô thị đông đúc, những phát minh về chiếu sáng, và sự phát triển về hạ tầng giao thông…đã đem đến cho con người khả năng kiến tạo một cuộc sống khác với quy luật sinh học và tự nhiên, vốn chỉ diễn ra trong khung giờ ban ngày.
Đó là những hoạt động diễn ra vào ban đêm mà mức độ đa dạng, hấp dẫn và thú vị ngày càng gia tăng theo tiến trình biến đổi xã hội, đặc biệt là sự thay đổi lối sống cá nhân cũng như khung giờ làm việc trong tiến trình chuyển đổi từ xã hội công nghiệp đến xã hội hậu công nghiệp, đặc trưng bởi sự thắng thế của các ngành dịch vụ và thông tin, và sự gia tăng khả năng kết nối xã hội.
Ở nước ta, người dân tại các đô thị lớn hay các địa bàn du lịch trọng điểm cũng không xa lạ gì với một số hoạt động kinh doanh về đêm. Theo một thống kê gần đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước hiện có khoảng 20 chợ đêm phục vụ khách du lịch và khoảng 1.000 trong tổng số 2.300 cửa hàng tiện lợi hoạt động 24/24 giờ, chủ yếu tập trung tại Hà Nội và TPHCM.
Bên cạnh các dịch vụ ẩm thực và vui chơi, một số sản phẩm văn hóa bước đầu thành công như tour du lịch tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chương trình nghệ thuật thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ"; "Phố đêm du thuyền Hạ Long"; tour đêm phố cổ Hoa Lư, "Sắc màu đêm" tại Quận 1, TPHCM, hay những hoạt động văn hóa, nghệ thuật, biểu diễn âm nhạc đường phố, vẽ ký họa, thư pháp. Tuy nhiên, có thể thấy các sản phẩm nêu trên còn khá ít và khá "kén" du khách, cho nên có thể dự báo về khả năng thương mại còn thấp.
Cũng bởi thế, cho đến hiện nay, chúng ta chưa có được những số liệu thống kê về những đóng góp cụ thể của kinh tế đêm vào nền kinh tế của địa phương, quốc gia. Với nhiều người, ý tưởng của họ về kinh tế đêm vẫn chưa thoát khỏi những định kiến tiêu cực, đánh đồng cuộc sống về đêm với ăn nhậu, mại dâm, nhảy nhót và lạm dụng chất gây nghiện.
Với nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý, kinh tế đêm với tư cách là một cấu phần tạo nên cấu trúc của nền kinh tế địa phương, thành tố then chốt để có thể gia tăng sự đa dạng văn hóa và sự thú vị trong cuộc sống của người dân vẫn còn là một ý niệm khá mới mẻ.
Sự non trẻ của kinh tế đêm ở nước ta cũng dễ hiểu bởi nhiều yếu tố, đặc biệt là do tiến trình phát triển kinh tế thị trường, đô thị hóa, và hội nhập quốc tế mới chỉ diễn ra mạnh mẽ trong vài thập kỷ gần đây. Trên phương diện chính sách, đến tận năm 2020, Chính phủ mới ban hành "Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam". Năm 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới ban hành Đề án "Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm".
Gần đây, trả lời trên diễn đàn Quốc Hội, lãnh đạo Bộ Văn hóa cũng cho biết sẽ thí điểm mô hình sản phẩm du lịch đêm tại 12 địa bàn ở nước ta. Các điểm nhấn để hình thành kinh tế đêm là các tuyến phố đi bộ, chợ đêm, không gian du lịch đêm linh hoạt, và tổ hợp giải trí riêng biệt.
Từ góc nhìn xã hội học thì có thể thấy, do đặc thù về thời gian, các hoạt động kinh tế đêm trong xã hội hiện đại hướng đến đáp ứng năm loại nhu cầu của con người, bao gồm: ăn uống, mua sắm, vui chơi, giải trí, và giao lưu xã hội. Cũng chính những nhu cầu này định hình nhóm khách hàng chủ yếu của kinh tế đêm là giới trẻ trong nước và khách du lịch quốc tế.
Nếu ăn uống và mua sắm sẽ luôn đối diện với những giới hạn do khách hàng có thể thực hiện vào ban ngày, thì giải trí lại đối diện với nguy cơ bị khách hàng nhàm chán.
Đặc thù quan trọng nhất của các hoạt động giải trí là khách hàng sẽ đến để "nghe và xem" người khác biểu diễn. Mặc dù khách hàng của giải trí cũng có thể thực hiện những tương tác xã hội nhưng nhìn chung thì mức độ tương tác sẽ hạn chế, và họ sẽ đóng vai trò thụ động do không trực tiếp tạo nên hoạt động giải trí. Vì thế, nếu không liên tục tạo ra được cái mới, giải trí sẽ đứng trước nguy cơ bị bão hòa nhu cầu vì rất khó để khách hàng lặp đi lặp lại việc tham dự sự kiện, hoạt động giải trí nào đó.
Trong khi đó, các sự kiện hay chương trình vui chơi và giao lưu xã hội lại cho phép khách hàng trực tiếp tham gia vào hoạt động nào đó, còn gọi là "trò chơi", để thỏa mãn những nhu cầu đa dạng và riêng tư của mỗi cá nhân. Khác với vai trò thụ động trong các hoạt động giải trí, khách hàng được trải nghiệm vai trò chủ động trong các trò chơi hay hoạt động giao lưu bởi chính họ cũng phải thực hiện các tương tác xã hội, qua đó đóng góp một phần để tạo nên những hoạt động mà họ tham gia.
Như vậy, chúng ta cần nhận thức rằng thỏa mãn nhu cầu vui chơi và giao lưu xã hội sẽ là những động lực then chốt nhất tạo nên sự thịnh vượng của kinh tế đêm trong bối cảnh hiện nay. Vì vui chơi và giao lưu xã hội phụ thuộc vào sở thích, thị hiếu rất cá nhân cho nên các hoạt động phải bảo đảm tính đa dạng, hấp dẫn, linh hoạt, và đặc biệt là vai trò chủ động của người chơi, tôn trọng sự tự do, thậm chí cả tính tự phát rất ích kỷ của mỗi cá nhân.
Nói cách khác, chỉ khi các loại dịch vụ ban đêm khơi gợi và đáp ứng đúng nhu cầu được "CHƠI", được "GIAO LƯU XÃ HỘI" của mỗi cá nhân, giúp họ trải nghiệm và chủ động tương tác để tự kiến tạo niềm vui cho bản thân, chứ không chỉ bị động "NGHE và XEM" người khác để cảm thấy vui, thì mới có thể thu hút khách hàng, giúp kinh tế đêm phát triển sôi động.
Nhận định nêu trên được minh chứng qua thực tế là các quán bar, nhà hàng, câu lạc bộ… mới là những không gian tạo nên sức sống bền vững cho kinh tế đêm tại nhiều thành phố nổi tiếng trên thế giới, chứ không phải các dịch vụ ăn uống, cửa hàng mua sắm, hay các sự kiện giải trí.
Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh hiện nay, những thứ tạo nên sức hút cho nhiều thành phố nổi tiếng về đêm trên thế giới như casino, mại dâm hợp pháp… sẽ bị loại khỏi danh mục các dịch vụ ban đêm có thể hoạt động ở nước ta.
Cũng có nghĩa, thách thức trong quá trình phát triển kinh tế đêm hiện nay không đơn giản chỉ là ưu đãi đầu tư, xây dựng các tuyến phố đi bộ, chợ đêm, hay tụ điểm giải trí phức hợp. Quan trọng hơn, chúng ta phải thiết kế được những trò chơi và không gian giao lưu xã hội hiện đại, hấp dẫn, đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng nhưng phải phù hợp với truyền thống văn hóa và luật pháp hiện hành.
Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!