Tâm điểm
Bích Diệp

Phố đi bộ và bài toán kinh tế đêm

Thời tiết dần chuyển sang hè, việc dạo phố ban đêm không có gì thú vị và tiện lợi hơn là ghé vào những khu phố đi bộ. Tại đây, khách tham quan chẳng những có không gian để tản bộ ngắm phố phường mà còn có thể ghé vào những hàng quán bên đường mua sắm và thưởng thức những đặc sản, sản vật địa phương.

Cá nhân tôi vốn là một người không thích sự xô bồ, tuy nhiên, kể từ khi thành phố nơi tôi ở mở các tuyến phố đi bộ vào ban đêm, tôi cũng vui lây, cảm thấy nhịp sống rộn ràng hơn trước. Thỉnh thoảng vào những dịp cuối tuần, cả gia đình cùng nhau đi bộ và đóng vai du khách để trải nghiệm nhịp sống ở thành phố quê hương, điều đó rất thú vị, thời gian trở nên ý nghĩa, tình cảm gắn kết khăng khít hơn.

Hơn nữa, lớp trẻ hiện nay vốn có nhu cầu lớn về gặp gỡ, giao lưu sẽ thêm địa chỉ lành mạnh để kết nối, sinh hoạt.

Tuy chưa có thống kê cụ thể, song lợi ích của các tuyến phố đi bộ là khá rõ. Người dân có thêm không gian vui chơi, giải trí; khách du lịch có thêm trải nghiệm; các nghệ sĩ có cơ hội biểu diễn, gần gũi hơn với các tầng lớp khán giả người dân cũng thêm thu nhập từ các hoạt động kinh doanh. Nhìn chung, hoạt động này góp phần hiện thực hóa chủ trương phát triển du lịch và kinh tế ban đêm của Chính phủ.

Phố đi bộ và bài toán kinh tế đêm - 1

Sau 7 năm hoạt động, trung bình mỗi ngày cuối tuần, khu phố đi bộ quanh hồ Gươm đón khoảng 20.000 khách (Ảnh: Toàn Vũ).

Thấy được lợi ích lớn đó, chỉ trong ít năm trở lại đây, cụm từ "phố đi bộ" trở nên phổ biến, xuất hiện ngày càng nhiều. Nếu như trước đây chỉ những thành phố lớn thí điểm phố đi bộ như Hà Nội, TPHCM thì nay nhiều địa phương cũng đã và đang triển khai mô hình này, như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An… Thậm chí, các địa phương đã có một số tuyến phố đi bộ vẫn muốn mở thêm.

Mới đây, Đà Lạt vốn có phố đi bộ về đêm tại khu Hòa Bình và chợ Đà Lạt, nay tiếp tục đề xuất làm phố đi bộ, chợ đêm gần Hồ Xuân Hương với kinh phí hơn 1.800 tỷ đồng trên diện tích gần 121.000 m2.

Tại Hà Nội, từ năm 2016 đến cuối 2022, Hà Nội đã khai trương 5 tuyến phố đi bộ chính, nằm tại các quận/thị xã: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Tây Hồ và Sơn Tây. Việc mở các tuyến phố đi bộ nằm trong Chương trình 03 của Thành ủy Hà Nội về chỉnh trang, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025. Ban chỉ đạo Chương trình 03 đánh giá, một số chỉ tiêu cơ bản đã hoàn thành, trong đó có việc "phát triển, mở rộng 3 - 5 khu vực thành không gian, tuyến phố đi bộ".

Còn tại TPHCM, người dân cũng đang tỏ ra hào hứng với đề án "siêu phố đi bộ" đang được nghiên cứu triển khai, dự kiến phạm vi tổ chức khoảng 221ha khu vực lõi trung tâm.

Kinh phí để mở các khu vực phố đi bộ thường là không nhỏ, tiêu tốn nguồn lực lớn. Mở được đã là một vấn đề, quan trọng hơn là cách thức tổ chức và duy trì được hoạt động lâu dài, bền vững.

Kinh nghiệm từ các khu phố đi bộ đã mở cho thấy, để hấp dẫn được du khách thì địa phương cần tạo ra những nét riêng trên từng tuyến phố: có khu phố ẩm thực, có nơi dành riêng cho sinh hoạt văn nghệ, có phố sách, có khu vực danh lam, lịch sử…

Nhu cầu của người dân là hiện hữu song không phải mọi tuyến phố đi bộ đều thành công. Ví dụ như phố đi bộ Trần Nhân Tông (Hà Nội) được khai trương tối 30/12/2022 nhưng ít tuần gần đây đã dần đìu hiu, vắng khách. Phố đi bộ Trịnh Công Sơn -  không gian nằm giữa đầm sen, Công viên nước Hồ Tây, một phần ngõ 431 Âu Cơ và ngõ 612 Lạc Long Quân (quận Tây Hồ) hoạt động từ tháng 5/2018, được kỳ vọng trở thành không gian văn hóa đặc sắc, sân khấu cho nghệ thuật chèo, xẩm, dân ca... vào mỗi cuối tuần - thế nhưng đầu năm nay lại phải đóng cửa vì ế khách.

Lại có những phố đi bộ hoạt động rôm rả nhưng lại xảy ra không ít bất cập, vô hình trung "mất điểm", "dọa" du khách. Ví như tình trạng "chặt chém" giá cả, quản lý an ninh lỏng lẻo dẫn đến cướp giật trên phố đi bộ; nơi ăn uống mất vệ sinh, xả rác gây ô nhiễm.

Một số tuyến phố đi bộ xây dựng không tính toán kỹ lưỡng về giao thông nên xảy ra chen chúc đông đúc, ùn tắc, kẹt xe. Ẩm thực đường phố là một trong những nét đặc trưng ở các tuyến phố đi bộ song không gian một số nơi ngột ngạt và "ám ảnh" khi hàng quán thản nhiên quạt thịt xiên, xúc xích nướng khói um, rất mất thẩm mỹ.

Cách đây ít lâu, thậm chí còn có tình trạng tổ chức những chương trình phản cảm (như ghép đôi), gây bức xúc trong dư luận.

Tóm lại, đi bộ là tốt, có các tuyến phố đi bộ như một nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng kèm theo phát triển kinh tế đêm cũng tốt. Tuy vậy, các địa phương cũng cần nghiêm túc xem xét tính cần thiết trong quyết định đầu tư, cải tạo, tránh mở phố đi bộ theo xu hướng, trào lưu. Bởi nếu mở theo ý chí của cơ quan quản lý mà không dựa vào nhu cầu của người dân hay đặc điểm của từng địa phương; nếu quy hoạch, bố trí các tuyến phố không hợp lý; nếu công tác vận hành vẫn theo xu hướng tự phát, nghiệp dư thì việc giải bài toán kinh tế đêm dễ đi vào ngõ cụt.

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; gia nhập báo Dân Trí từ năm 2012 và chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!