DMagazine

"Sát thủ" mang vị ngọt đang tấn công giới trẻ như thế nào?

(Dân trí) - Thiếu niên 13 tuổi đến viện trong tình trạng béo phì (70kg) dù đã sút 3kg trước đó. Bố mẹ choáng váng khi cậu được chẩn đoán tiểu đường túyp 2, căn bệnh vốn thường chỉ gặp ở người trung niên.

Sát thủ mang vị ngọt đang tấn công giới trẻ như thế nào? - 1

BS Nguyễn Mạnh Tuấn, khoa Nội tiết, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, bệnh tiểu đường vốn là bệnh gặp nhiều ở người già ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Bệnh viện gặp cả những trẻ 8-10 tuổi đã mắc tiểu đường túyp 2, căn bệnh liên quan nhiều đến chế độ dinh dưỡng, béo phì, lối sống.

Như trường hợp bé trai 13 tuổi ở Hà Nội mới được gia đình đưa đi khám tại viện.

Gia đình bệnh nhi kể, thời gian gần đây, bé uống nước rất nhiều, liên tục đòi uống nước vì khát, đi tiểu nhiều và gầy sút cân.

Dù với cân nặng 70kg, như cậu bé sumo nhưng tình trạng sút cân nhanh thấy rõ, trẻ mệt mỏi, gia đình đưa đi khám tại một phòng khám gần nhà, xét nghiệm đường huyết lên tới 14 - 15, gấp 3 lần bình thường.

Khi đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương khám, bệnh nhi được xác định tiểu đường túyp 2. Sau 3 tháng điều trị, đường huyết bệnh nhi đã cải thiện. Gia đình động viên trẻ tuân thủ chế độ dinh dưỡng bác sĩ khuyến cáo, cân nặng đã giảm được 5kg.

BS Tuấn cho biết, khác với tiểu đường túyp 1 ở trẻ em thường do nguyên nhân tự miễn, với tiểu đường túyp 2, liên quan nhiều đến chế độ ăn uống, ăn nhiều đồ ăn nhanh giàu năng lượng; liên quan đến lối sống ít vận động.

"Như trường hợp này, em bé thích ăn các đồ nướng, rán, thích uống nước ngọt. Thấy con quá béo so với độ tuổi, gia đình đã cố nhiều chỉnh nhiều lần nhưng không được, trẻ vẫn lên cân vù vù", BS Tuấn thông tin.

Sát thủ mang vị ngọt đang tấn công giới trẻ như thế nào? - 2

Theo các chuyên gia, sử dụng quá nhiều đồ ăn nhanh, đồ ăn giàu năng lượng, đồ uống có đường lâu dần tích lũy năng lượng dư thừa dẫn đến béo phì, làm gia tăng các bệnh chuyển hóa, đái tháo đường.

"Đồ uống có đường ngày càng được yêu thích. Nhiều gia đình ngày 3 bữa đều cho trẻ uống cùng trong bữa ăn. Trong khi đó, trong 1 ngày, nếu đứa trẻ chỉ uống 1 lon hoặc 1 chai đồ uống có đường thì cũng đã tiêu thụ lượng đường tự do vượt quá ngưỡng khuyến cáo rất nhiều, với khoảng 36gram đường tự do trong mỗi lon nước ngọt", PGS.TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng thông tin.

Theo bà Mai, trên công bố trên nhãn của nhà sản xuất, 100 ml nước ngọt thì tạo ra 42 kcal. Thế nhưng một lon nước ngọt lại thường được đóng hơn 300ml và hầu hết mọi người đều có tâm lý, đã mở ra thì cố uống, bỏ thì tiếc nên lại uống cố, đồng nghĩa với việc sẽ nạp khoảng 140 kcal. Để uống một lon nước ngọt rất nhanh, nhưng để tiêu thụ được lượng đường này sẽ mất khoảng 60 phút đi bộ.

Uống một cốc trà sữa nhỏ trong tích tắc bạn đã nạp vào cơ thể khoảng 300kcal. Tuy nhiên, bạn sẽ mất khoảng 90 phút đi bộ mới tiêu hao hết được nguồn năng lượng từ cốc trà sữa tưởng nhỏ bé này.

Sát thủ mang vị ngọt đang tấn công giới trẻ như thế nào? - 4

"Một cốc trà sữa nhỏ chứa khoảng 300 kcal, cốc cỡ lớn chứa khoảng 500kcal. Vì thế, nếu một ngày vẫn ăn đủ 3 bữa, lại nạp thêm cốc trà sữa, sự dư thừa, tích lũy năng lượng sẽ tăng dần khiến bạn trở nên thừa cân, béo phì", PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cảnh báo.

PGS Lâm cũng cảnh báo, bên cạnh trà sữa, nước ngọt có ga, đồ ăn nhanh, bim bim là những món ăn ưa thích của trẻ.

Trong một gói mứt sấy khô, một gói bim bim năng lượng cung cấp đến 120kcal trong 100gram. Nguồn năng lượng được "nạp" vào rất nhanh, trong khi việc tiêu hao năng lượng lại vô cùng khó khăn.

Theo Bộ Y tế, béo phì là tình trạng tích tụ mỡ thừa hoặc bất thường, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ở nhiều nước trên thế giới, tình trạng béo phì ngày càng gia tăng, đặc biệt trong 10 năm trở lại đây.

Tại Việt Nam, tỷ lệ béo phì gia tăng nhanh, từ 2,6% năm 2010 lên đến 3,6% năm 2014, tương đương với tốc độ tăng là 38%.

Một thống kê tại Việt Nam 2021 cho kết quả tỷ lệ thừa cân, béo phì ở Hà Nội và Hồ Chí Minh chiếm 18% tổng số người thừa cân, béo phì trên toàn quốc.

Sát thủ mang vị ngọt đang tấn công giới trẻ như thế nào? - 6

Đặc biệt ở lứa tuổi học đường từ 5-19 tuổi, tình trạng béo phì tăng rất nhanh. Năm 2010 tỷ lệ này là 8.5% đã tăng gấp đôi, lên 19% vào năm 2020, trong đó tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.

Tình trạng béo phì tác động bất lợi lên tất cả các vấn đề sức khỏe, làm giảm thời gian sống, gây ra nhiều bệnh lý mạn tính như: đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, tăng lipid máu, hội chứng ngưng thở lúc ngủ, thoái hóa khớp, gan nhiễm mỡ… làm giảm chất lượng cuộc sống.

Sát thủ mang vị ngọt đang tấn công giới trẻ như thế nào? - 8

Đái đường túyp 2 bệnh lý mãn tính, bệnh nhân phải chấp nhận sống chung cả đời. Căn bệnh này được mệnh danh là "sát thủ thầm lặng" bởi âm thầm gây rất nhiều biến chứng cho cơ thể.

Tổ chức Y tế thế giới WHO cho biết, tiểu đường có thể gây những biến chứng về mắt , tổn thương thận, tổn thương thần kinh, bệnh mạch máu ngoại vi, loét chân dẫn đến cắt cụt, nhiễm trùng, bệnh tim và đột quỵ ở các nước phát triển. Trong đó, bệnh võng mạc do tiểu đường là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mù lòa.

Tiểu đường là nguyên nhân thường gặp nhất dẫn tới suy thận mãn. Bệnh tim và bệnh đột quỵ là nguyên nhân của khoảng 75% trường hợp tử vong của bệnh nhân tiểu đường. Nguy cơ tử vong do bệnh tim, đột quỵ và bệnh thận nặng tăng 3 lần khi bị bệnh tiểu đường.

Theo ước tính, tuổi thọ trung bình của bệnh nhân tiểu đường giảm 5-10 năm so với người không bị tiểu đường.

Sát thủ mang vị ngọt đang tấn công giới trẻ như thế nào? - 9

Những người trên 45 tuổi có nguy cơ mắc đái tháo đường túyp 2 cao hơn 4 lần những người dưới 45. Những người bị huyết áp cao cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn 3 lần những người khác. Người có vòng eo lớn nguy cơ mắc cao hơn 2,6 lần. 

"Bệnh đái tháo đường nếu không điều trị tốt ngay từ đầu, biến chứng xảy ra sớm. Vì thế, ở người trẻ, thời gian đối mặt với bệnh đái tháo đường còn rất dài, không kiểm soát tốt, biến chứng sẽ đến sớm, chỉ sau 5-10 năm. Đó là lý do trẻ mắc bệnh phải được theo dõi rất chặt để giảm nguy cơ biến chứng sớm", BS Tuấn nói.

Như với biến chứng loét bàn chân, đây là nguyên nhân hàng đầu gây cắt cụt chi không do chấn thương ở người bệnh đái tháo đường.

Mới đây, bệnh nhân nam ở Hải Phòng được đưa đến viện trong tình trạng sốt cao, nhiễm trùng, bàn chân trái hoại tử lan rộng và có mùi hôi thối...

"Tổn thương ở bàn chân không có khả năng bảo tồn, chúng tôi buộc phải cắt cụt bàn chân để tránh nguy cơ nhiễm trùng rộng, bảo toàn tính mạng cho bệnh nhân, dù trước đó 3 tháng, bàn chân phải của bệnh nhân cũng đã phải cắt bỏ do nhiễm trùng sau ngã cầu thang", Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Trưởng Khoa Chăm sóc bàn chân, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết.

Người nhà bệnh nhân cho biết, lần ngã cầu thang 3 tháng trước, bệnh nhân chỉ bị sưng vù một ngón bàn chân phải rồi nhanh chóng tím đen, hoại tử và lan ra các ngón khác. Bác sĩ tại Bệnh viện tỉnh cũng phải chỉ định cắt cụt bàn chân vì nguy cơ nhiễm khuẩn lan rộng.

Sau hơn 2 tuần điều trị và chăm sóc thông thường ở bệnh viện tuyến tỉnh không hiệu quả, nhiễm trùng lan rộng, phức tạp, cả bàn chân đen kịt, bệnh nhân phải cắt cụt bàn chân.

"Lần này, sau một tuần đi tất ấm, bố tôi thấy ngón cái sưng to rồi tím đen, xuất hiện các vết loét ở bàn chân. Dù đã được đưa đi điều trị ngay nhưng tình trạng nhiễm trùng ngày càng lan rộng. Khi phải cắt nốt bàn chân còn lại, ông đã rất đau đớn, sợ hãi", con gái bệnh nhân chia sẻ.

Được biết, bệnh nhân đã bị đái tháo đường 10 năm nay, nhưng điều trị không liên tục, lại thường xuyên uống rượu.

Sát thủ mang vị ngọt đang tấn công giới trẻ như thế nào? - 11

"Người bệnh đái tháo đường dễ bị xơ vữa động mạch, các mạch máu bị hẹp hoặc tắc sẽ làm giảm lượng máu đến bàn chân. Vì thế khi có vết loét, tổn thương thường rất lâu lành, có nguy cơ biến chứng hoại tử nếu không được chăm sóc, điều trị sớm", BS Thiện cho biết.

Đái tháo đường không chỉ gây biến chứng loét bàn chân phải cắt cụt chi, mà còn gây nhiều tác hại cho cơ thể.

Việt Nam có khoảng gần 5 triệu người đang mắc bệnh đái tháo đường; hơn 55% bệnh nhân hiện mắc đái tháo đường đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch; 39,5 có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận....

Sát thủ mang vị ngọt đang tấn công giới trẻ như thế nào? - 13

TS.BS Phan Hoàng Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, đái tháo đường là bệnh mãn tính, phải điều trị suốt đời. Tuyệt đối không bỏ thuốc kê đơn, không sử dụng các sản phẩm quảng cáo chữa khỏi, chữa dứt điểm đái tháo đường, tuyệt đối không tự dừng thuốc khi triệu chứng đã giảm.

Tuy nhiên, vì tiểu đường là bệnh mãn tính, phải điều trị suốt đời, nhiều người có tâm lý nản vì… chữa mãi không khỏi. Nhiều bệnh nhân tình trạng đái tháo đường đang được kiểm soát ổn định, khi nghe giới thiệu, truyền tai các loại thuốc quảng cáo "chữa dứt điểm" liền bỏ đơn bác sĩ, tự uống thuốc không rõ nguồn gốc.

Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận trường hợp nam bệnh nhân 63 tuổi ở Hà Nội ngộ độc chất cấm sử dụng trong điều trị bệnh tiểu đường vì độc tính cao, từng gây tử vong nhiều người.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nam bệnh nhân ở Thanh Trì, Hà Nội được đưa đến cấp cứu hôm 28/1, trong tình trạng đau bụng, khó thở, nhiễm toan chuyển hóa nặng.

Người nhà cho biết, nam bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường. Nghe người quen giới thiệu có thuốc chữa đái tháo đường rất tốt, đã có người nhà sử dụng nên đã mua về dùng.

Sát thủ mang vị ngọt đang tấn công giới trẻ như thế nào? - 14

"Kết quả xét nghiệm viên thuốc y học cổ truyền bệnh nhân uống đã tìm thấy thành phần thuốc là phenformin. Đây là loại thuốc chữa đái tháo đường cũ, vì độc tính rất cao, gây tử vong cho nhiều người nên thế giới đã thu hồi và cấm sử dụng từ những năm 1970", TS Nguyên thông tin.

"Ngộ độc phenformin rất nguy hiểm, do bệnh nhân bị nhiễm toan chuyển hóa, nồng độ lactat trong máu cao, tụt huyết áp, rất dễ nhầm hoặc lẫn lộn với sốc nhiễm khuẩn, suy gan, nên dễ bị bỏ sót. Kể cả khi điều trị tích cực tỷ lệ tử vong cũng rất cao do sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng", TS Nguyên cho biết.

Để hạn chế tối đa nguy cơ thừa cân béo phì, trẻ cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý gồm: ăn nhiều rau xanh và trái cây để cung cấp đủ vitamin, khoáng chất và chất xơ; hạn chế ăn uống đồ ngọt như bánh kẹo, trà sữa, kem, chè, nước ngọt đóng chai, nước trái cây có thêm đường.

Trong mỗi bữa ăn cần hạn chế tối đa các món nhiều thịt mỡ, đồ ăn chiên ngập dầu mỡ; món ăn chế biến từ phủ tạng động vật; thức ăn nhanh như gà rán, khoai tây chiên; cá viên chiên, xúc xích chiên…

Cần khuyến khích trẻ vận động "đốt" lượng mỡ thừa giúp cơ thể săn chắc, khỏe mạnh thay vì cho trẻ ngồi ì một chỗ vùi mình vào trong các trò chơi điện tử, xem phim gia đình cần tạo điều kiện đưa trẻ đi tham gia các hoạt động thể dục thể thao như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, học võ, bơi lội, đá cầu, múa, khiêu vũ, thể dục nhịp điệu… 

3 sai lầm người bệnh đái tháo đường hay mắc phải

Bỏ tinh bột khỏi thực đơn, không dám tập thể dục

Đây là một sai lầm khá phổ biến ở bệnh nhân đái tháo đường. Trong bữa ăn của người bệnh đái tháo đường cũng phải có đầy đủ và cân đối các thành phần tinh bột, protein, lipit…việc mất cân đối một thành phần nào đều không có lợi cho sức khỏe.

Hơn nữa, việc luyện tập thể dục thể thao cũng là một vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến quá trình điều trị và kiểm soát đường máu của bệnh nhân nhưng nhiều người nghĩ bị bệnh thì không nên tập.

Vận động không chỉ giúp giảm nguy cơ tim mạch, giảm cân, kiểm soát đường huyết … mà còn rất ý nghĩa với bệnh đái tháo đường nhờ giảm nồng độ insulin nền và sau ăn; cải thiện sự nhạy cảm insulin. Việc tập luyện giúp cải thiện tăng huyết áp nhẹ hoặc trung bình, tăng sử dụng năng lượng, sức cơ và độ dẻo dai.

Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn môn thể thao phù hợp nhất.

Hết đơn là khỏi

Trong khi đái tháo đường là bệnh mãn tính phải điều trị cả đời, thì nhiều bệnh nhân lại nghĩ chỉ cần uống hết một đơn thuốc của bác sĩ thì có thể điều trị khỏi hoàn toàn và sau khi hết đơn thuốc thì không cần tái khám. Tuy nhiên nếu ngừng thuốc thì chỉ số đường máu sẽ tăng cao và nếu không được kiểm soát thì bệnh nhân sẽ gặp phải những biến chứng đáng tiếc.

Chỉ theo dõi đường máu lúc đói

Một sai lầm nữa mà bệnh nhân đái tháo đường cũng hay gặp phải là chỉ theo dõi đường máu lúc đói. 

Việc tăng đường máu sau ăn quá cao cũng là nguyên nhân gây ra các biến chứng cho người bệnh. Do đó người bệnh bắt buộc phải theo dõi cả đường máu lúc đói và sau ăn, và không phải chỉ 1 lần trong 1 tuần mà cần phải theo dõi nhiều lần trong 1 tuần, nhiều lần trong 1 ngày cho đến khi đường máu ổn định mới giảm dần số lần thử đường máu.

Bên cạnh đó người bệnh phải luôn nhớ rằng kiểm soát đường máu phải song song với việc kiểm soát mỡ máu, tình trạng tăng huyết áp, tim mạch là vô cùng quan trọng và chúng ta phải thường xuyên luyện tập, tuân thủ chế độ ăn cũng như kiểm tra đường máu định kỳ để giúp chúng ta biết được rằng chúng ta đang ở mức độ nào để có thể kiểm soát đường máu tốt và các nguy cơ biến chứng có thể xảy ra.

Nội dung, ảnh: Hồng Hải

Thiết kế: Tuấn Huy