Tâm điểm
Hoàng Anh Sướng

Bill Gates, trà đạo và văn hóa Việt

Một tuần trước tôi vinh hạnh được tổ chức buổi thiền trà cho tỷ phú Bill Gates và bạn gái của ông, bà Paula Hurd, trên đỉnh núi Bàn Cờ ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng).

Sự kiện đã được đưa tin, bình luận rộng trên báo chí cũng như mạng xã hội. Tôi nhận thấy mọi người đều vui vì khách quý đến nhà. Nhưng nhiều người băn khoăn Việt Nam có trà đạo không?

Tôi xin trả lời rằng: Có chứ! Đây là câu trả lời với tư cách một người đã hơn 20 năm làm trà và truyền bá văn hóa trà Việt Nam. Tôi đã đi hầu khắp các tỉnh thành và nhiều nước trên thế giới, tổ chức hàng ngàn buổi thiền trà cho đủ các tầng lớp: Các nhà chính trị, các doanh nhân, văn nghệ sĩ, trí thức, học sinh, sinh viên, các bậc tu hành… trong và ngoài nước.

Trong buổi thiền trà kể trên, ông Bill Gates hỏi tôi: "Tôi đã từng sang Thái Lan và uống trà ở đó. Vậy trà Thái Lan xuất hiện sớm hơn ở Việt Nam hay muộn hơn?".

Tôi trả lời: "Cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Srilanka, Việt Nam là một trong những chiếc nôi trà cổ nhất của thế giới. Hiện nay, Việt Nam chúng tôi sở hữu rất nhiều cánh rừng trà cổ thụ bạt ngàn trên núi cao ở tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái… Riêng ở Suối Giàng có một cánh rừng trà cổ thụ khoảng 40.000 cây, trong đó có 3 cây chiều cao 8m, đường kính 3 người ôm không xuể. Tuổi đời của những cây trà này khoảng 500 - 600 năm. Đây là niềm tự hào rất lớn của người dân đất Việt về trà. Bởi những cây chè cổ thụ như thế, hiện nay, trên thế giới có thể dễ dàng đếm hết trên mấy đầu ngón tay. Và đây là một minh chứng sinh động nhất để chứng minh Việt Nam chúng tôi là một chiếc nôi trà cổ của thế giới".

Tôi mở iPad, để ông Bill Gates và bà Paula Hurd xem những bức ảnh tôi chụp về những cây trà cổ thụ ở Hoàng Su Phì (Hà Giang), Tủa Chùa (Điện Biên), Suối Giàng (Yên Bái). Những cây trà to đến 2 người ôm, cao đến 5-6 mét. Ông bà rất ngạc nhiên.

Bill Gates, trà đạo và văn hóa Việt - 1

Tác giả (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng tỷ phú Bill Gates và bà Paula Hurd trên đỉnh núi Bàn Cờ ở bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng (Ảnh: TGCC).

Có thể nói, người Việt chúng ta uống trà ngay từ khi còn là một thai nhi trong bụng mẹ, qua người mẹ. Lớn lên, chén trà đồng hành cùng chúng ta suốt cả cuộc đời.  Khi vui, lúc buồn, chén trà luôn có mặt. Trong đám cưới của người Việt Nam, trong các lễ vật mà gia đình chú rể mang đến nhà cô dâu, bao giờ cũng có trà.

Trong nghi thức tẩm liệm người chết của người Việt, trước khi đặt thi hài người mất vào quan tài bằng gỗ, bao giờ cũng trải một lớp trà bên dưới. Mục đích để giữ cho thi hài khô và không có mùi hôi.

Như vậy, trà đồng hành cùng với người Việt từ khi còn là một thai nhi trong bụng mẹ cho đến khi trưởng thành, về đến khi về cõi thiên cổ.

Trà đạo đòi hỏi sự tĩnh tâm, rất công phu từ chọn ấm, chọn chén, cách chọn nước, cách pha, cách rót, cho đến cách thưởng thức…, vì vậy thời trước thường phổ biến ở giới quyền quý.

Tôi đã chia sẻ với ông Bill Gates và bà Paula Hurd nghệ thuật ướp trà sen cầu kỳ, tinh tế, công phu của người Hà Nội. Muốn ướp một cân trà sen phải ướp từ 5-7 lần. Mỗi lần dùng khoảng 200 bông sen Hồ Tây nên để có một cân trà sen thơm ngon, cần ướp đến 1.000 - 1.200 bông. Ông bà ồ lên ngạc nhiên. Bà Paula Hurd bảo: "Bây giờ tôi mới hiểu vì sao trà sen lại quý như vậy. Và vì sao loại trà này ngày xưa ở Việt Nam lại chỉ dành cho các bậc vua chúa". Quay sang ông Bill Gates, bà đùa: "Em với anh bây giờ trở thành ông hoàng, bà chúa rồi đấy". Cả hai cười rất tươi.

Gắn bó với trà Việt, theo tôi uống trà chính là một cách để kết nối. Uống trà độc ẩm (một mình) là cách để trở về với chính mình, để hiểu mình là ai? Khi hiểu mình là ai, mình sẽ nhận ra một điều: trong mình có rất nhiều hạt giống tốt nhưng trong mình cũng có những hạt giống xấu. Trong mình có nhiều phẩm chất hay nhưng trong mình cũng có những hạt giống dở. Nhìn sâu vào bên trong nữa, mình còn thấy: những điều hay, dở, tốt, xấu ấy không phải tự nhiên có mà nhiều khi, mình được (bị) kế thừa từ ông bà, cha mẹ, tổ tiên. Đó là một sự thật chúng ta phải chấp nhận. Và khi chấp nhận sự thật ấy, có nghĩa là, chúng ta cũng phải chấp nhận những điều hay, điều dở ở người thân mình. Vì họ cũng như mình mà.

Hiểu mình chính là nền tảng để hiểu người. Không hiểu mình thì sẽ không bao giờ hiểu được người khác. Và để giúp mình hiểu hơn người khác, người Việt chúng ta còn có cách uống trà thứ 2, đó là đối ẩm hay còn gọi là song ẩm, tức là 2 người uống. Người Việt thường thưởng trà trong không gian yên tĩnh. Trong trà có cafein, hoạt chất giúp mình tỉnh thức. Không gian yên tĩnh giúp tâm mình tĩnh lặng. Vì thế, mình dễ mở lòng ra, tâm sự những điều sâu kín. Một người nói, một người nghe. Đó là cách tốt nhất để hiểu nhau. Hiểu là nền tảng của thương yêu.

Trà, với người Việt Nam, không chỉ là một thức uống mà còn là phương thức để tu tâm dưỡng tính. Không có thức uống nào dạy dỗ con người nhiều như trà. Trà dạy cho chúng ta sự sạch sẽ, ngăn nắp. Trà dạy cho chúng ta lòng kiên nhẫn. Trà dạy cho chúng ta sự khiêm nhường. Trà giúp ta tĩnh tâm để hiểu mình nhờ đó mà sửa mình, để hoàn thiện mình. Cổ nhân người Việt nói: "Uống trà để tẩy bụi trần, rửa lòng tục", "uống trà là phương thức để tu tâm dưỡng tính" là vì thế.

Khi thân tâm mình thanh tịnh, chúng ta sẽ phát hiện ra một điều: Hạnh phúc đích thực không phụ thuộc nhiều vào tiền bạc, địa vị, danh vọng, quyền bính. Hạnh phúc đích thực chỉ có khi ta có một cái tâm an, trong đó, chứa đầy hiểu biết và thương yêu.

Nhớ lại năm 2013, khi theo chân Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong chuyến hoằng dương đạo Phật dọc nước Mỹ. Trong một lần ngồi uống trà với thầy, tôi đã hỏi: "Thưa Thầy! Con thấy ở Việt Nam bây giờ, người giàu nổi lên rất là nhiều, nhiều người có cốt cách phong lưu, có văn hóa, có học thức, nhưng cũng không ít người bị chê là trọc phú. Có cách nào để giúp họ nâng tầm văn hóa được không?". Thiền sư Thích Nhất Hạnh cười bảo: "Thì việc con đang tâm huyết truyền bá nghệ thuật thưởng trà chính là một cách giúp họ đó".

Tôi chợt ngộ ra trà Việt cũng là một phần của văn hóa Việt. Ông Bill Gates là một tỷ phú. Bận trăm công nghìn việc như thế, lại chỉ ở Việt Nam có ít ngày, thay bằng tiệc tùng, ông và bạn gái lại tha thiết muốn nghe, muốn tìm hiểu về văn hóa trà Việt. Thật đáng trân trọng biết bao.

Tác giả: Anh Hoàng Anh Sướng là nhà báo có nhiều nghiên cứu về lĩnh vực tâm linh, đạo Phật, Thiền và trà đạo.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!