Nghĩ từ phiên tòa "Chuyến bay giải cứu": Bệnh nghiện quản lý!
Tại phiên tòa "chuyến bay giải cứu", trong phần bào chữa và tự bào chữa, một số bị cáo và luật sư đã kể về quá trình gian khổ khi xin cấp phép chuyến bay, đặc biệt là sự nhũng nhiễu của những người có thẩm quyền khi phê duyệt, cấp phép.
Có trường hợp hai ngày trước chuyến bay khởi hành, máy bay đã thuê, hàng trăm hành khách đang chờ ở sân bay, nhưng giấy phép vẫn chưa về.
"Chi tiền lúc này là đương nhiên. Và các chuyến bay sau, các doanh nghiệp phải đưa tiền như một thông lệ", luật sư nói. Bởi các doanh nghiệp đã đáp ứng đủ điều kiện về máy bay, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế... để được bay, chỉ còn thiếu "tờ A4 đóng dấu đỏ".
Tờ A4 đóng dấu đỏ ấy được "ban phát" theo cơ chế "xin - cho", thay vì theo một quy trình, thủ tục hành chính cạnh tranh, công khai, minh bạch. Nó dẫn đến những sự nhũng nhiễu theo kiểu "thứ trưởng ký rồi, anh chuyển tiền mới có dấu".
Ở đây tôi không "biện hộ" cho các đại diện doanh nghiệp, bởi hành vi phạm tội của họ đã được các cơ quan chức năng chỉ ra và bản thân họ cũng đã thừa nhận theo như cáo trạng và trình bày trước tòa.
Vấn đề khiến tôi suy nghĩ là ở mức độ nào đó, có những doanh nghiệp đã thực hiện hành vi hối lộ chỉ để được... làm đúng luật. Khi trao đổi với các đồng nghiệp trong giới nghiên cứu pháp luật, chúng tôi gói gọn câu chuyện đó trong một nhận định: "Nói đúng mà đau".
Mặt trái của cơ chế "xin - cho" là vấn đề đã được mổ xẻ hàng chục năm nay, và nếu so với thời kỳ bao cấp thì có thể khẳng định chúng ta đã tiến bước rất dài trong việc xóa bỏ dần "xin - cho". Nhưng những gì còn rơi rớt đến nay của cơ chế này vẫn còn gây tác hại lớn mà phiên tòa "chuyến bay giải cứu" đã cho thấy điều đó.
Theo tôi, chừng nào chúng ta vẫn còn duy trì các công cụ quy hoạch số lượng hàng hóa, sản phẩm (các "quota"), giấy phép con, các chứng chỉ hoạt động không cần thiết... thì chừng đó xã hội sẽ vẫn còn tồn tại cơ chế xin - cho, phân bổ, ban phát nặng nề bao cấp, thay vì một cơ chế phân bổ cạnh tranh theo quy luật thị trường.
Và chừng đó còn là "mỏ vàng" cho những cán bộ, công chức biến chất tha hồ sách nhiễu; cho cơ chế "chi tiền để được giải quyết đúng pháp luật", cho những công chức "hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tài sản chỉ có vài chục tỷ đồng để nộp khắc phục hậu quả...".
Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập Đề án đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân.
Đề án này đã thẳng thắn chỉ ra "tư duy nghiện quản lý" ở nhiều cơ quan quản lý nhà nước. Theo đó, các cơ quan này thường viện dẫn mục tiêu của việc ban hành các quy định là để "tăng cường quản lý nhà nước", "đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước" của mình. Đây là một sự nhầm lẫn giữa mục đích và công cụ. Mục đích lẽ ra phải là những lợi ích của cả xã hội và doanh nghiệp... Quản lý nhà nước chỉ là một trong những công cụ và không nhất thiết là công cụ hữu hiệu nhất cho xã hội với chi phí thấp nhất cho doanh nghiệp.
"Cơ quan quản lý nhà nước không nên chọn phần dễ về phía mình, để tiện quản lý, đẩy phần khó về phía doanh nghiệp, trong khi chưa chắc lợi ích xã hội đã được đảm bảo hiệu quả" - Đề án đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân nêu kiến nghị.
Thiết nghĩ tinh thần này cần soi rọi mạnh mẽ hơn nữa trong hoạt động của bộ máy nhà nước các cấp, bắt đầu từ việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách để phá vỡ những rào cản ngăn trở hoạt động đầu tư, kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp; bãi bỏ các loại "quota", "giấy phép con"... là mầm mống của cơ chế "xin - cho", tiêu cực.
Trở lại với việc thực hiện chuyến bay giải cứu, đây là chủ trương đã được khẳng định là đúng đắn, nhân văn. Trong bối cảnh dịch bệnh không thể áp dụng quy trình như thông thường, việc quản lý theo cơ chế đặc biệt là cần thiết, tuy nhiên bài học rút ra cho thấy cần có cơ chế quản lý rõ ràng không để bị lợi dụng, biến tướng.
Nếu việc cấp phép "chuyến bay giải cứu" không tồn tại quy trình rất kém minh bạch, thiếu tiêu chí đánh giá làm cơ sở xét duyệt hay không xét duyệt, thì có lẽ những sự việc đau lòng đã không xảy ra.
Nếu mặt trái của cơ chế "xin - cho" được loại bỏ để thị trường thực sự "đóng vai trò quyết định trong xác định giá cả hàng hóa, dịch vụ; tạo động lực huy động, phân bổ hiệu quả các nguồn lực; điều tiết sản xuất và lưu thông...", thì chắc chắn rằng các tiêu cực liên quan sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi và không thể len lỏi vào quy trình ra quyết định, gây ra những thiệt hại lớn như vừa qua.
Tác giả: Nguyễn Văn Đỉnh là kỹ sư, thạc sĩ xây dựng, cử nhân luật, từng có nhiều năm công tác tại Bộ Xây dựng và hiện là chuyên gia tư vấn pháp lý trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản. Ông Đỉnh đã và đang tham gia đóng góp xây dựng các luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản...
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!