Những bàn tay nhúng chàm trong các "chuyến bay giải cứu"
Xã hội đang trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khó tả khi phải chứng kiến một phiên tòa đặc biệt, có tới 54 bị cáo là các cựu quan chức, lãnh đạo doanh nghiệp vì hành vi đưa - nhận hối lộ.
Đặc biệt không chỉ vì phần lớn bị cáo đều là những cán bộ ở những cơ quan quan trọng được giao nhiệm vụ tổ chức chiến dịch giải cứu công dân Việt Nam khỏi các tâm dịch ở nước ngoài về nước; trong đó có cả lãnh đạo tỉnh, thành phố được quyền cấp phép tổ chức tiếp nhận người dân về cách ly.
Trước hết, cần khẳng định rằng, trong đại dịch Covid-19, việc bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về nước an toàn để sum họp cùng gia đình, cộng đồng là một chủ trương đúng đắn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta.
Tuy nhiên, có những người được giao làm nhiệm vụ "bảo hộ công dân" nhưng như lời bị cáo nói trước tòa những ngày qua là "họ đã quên nhiệm vụ cao cả của mình, tìm mọi cách để… hành dân". Bởi, hơn ai hết, những quan chức này ý thức rất rõ giá trị các chữ ký của mình khi đồng ý cấp phép cho doanh nghiệp thực hiện "chuyến bay giải cứu".
Theo cơ quan chức năng, hơn 220 tỷ đồng đã được các doanh nghiệp đưa hối lộ. Trong số ấy, quan chức, cán bộ giúp việc đút túi hơn 165 tỷ đồng với tổng số trên 500 lần "đưa - nhận" theo cáo trạng, khi thì ở cơ quan, khi thì ở quán cà phê... Thế nhưng, trả lời trước tòa, có cựu quan chức trả lời ráo hoảnh rằng "không ý thức được đó là tiền hối lộ, mà chỉ nghĩ là quà cảm ơn". Nhận thức về đạo đức công vụ và pháp luật như vậy và nói ra như vậy đúng là không thể chấp nhận được.
Dõi theo phiên tòa, tôi nhớ câu chuyện Giám đốc Sở Ngoại vụ một tỉnh ở miền Trung kể lại: Từng làm công văn gửi Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao nhờ can thiệp, tạo điều kiện thủ tục giúp các cháu làm việc ở nước ngoài về nước tránh dịch. Chờ mãi chả thấy ai hồi đáp. Trong khi đó, các cháu đã về nước cách ly, về nhà, sau khi doanh nghiệp phải "tự lo" bằng cách chi tiền dịch vụ. "Công ty cháu bảo, thà tốn vài ba nghìn (USD) một đứa cho xong, còn hơn để bọn mày ở lại không biết đến bao giờ mới hết dịch, lại tốn tiền trả lương cao"!
Giống như bao người làm cha, làm mẹ khác, tôi cũng đã từng rất vui mừng, rất tin tưởng và hy vọng vào những chuyến bay mang tên "giải cứu", tin vào tinh thần "bảo hộ công dân" của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài khi có con đang ở vùng tâm dịch Tokyo - Nhật Bản. Gia đình tôi đã tìm hiểu kỹ thông tin và hỏi nhờ người quen thì nhận được câu trả lời là "đông lắm, khó lắm, anh cứ nói cháu đăng ký qua trang web của Sứ quán đi"!
Quả thật, lúc đó tôi đã tin vào câu trả lời trên mà không dám nghĩ đến một lý do nào khác. Con tôi đã đăng ký và nhẫn nại chờ cho đến ngày… Covid hạ nhiệt.
Như bao người chung cảnh ngộ, mãi đến cuối năm 2021, con tôi mới có thể về nước cách ly trong một khách sạn 4 sao ở Hội An.
Ngày ấy, khi tôi chia sẻ tổng chi phí để cháu về nước cách ly, tránh dịch, một đồng nghiệp của tôi thốt lên "như thế là vẫn còn rẻ chán!". Tôi không hiểu vì sao đồng nghiệp nói vậy, thì được cô ấy kể cho nghe chuyến trở về quê hương tránh dịch của gia đình một người bạn thân định cư ở Mỹ. Hai vợ chồng, hai đứa con hoảng loạn rời nước Mỹ khi mỗi ngày nước này có hàng nghìn người chết vì Covid. Phần vì sợ cho mình, phần vì lo cho mẹ già ở Việt Nam, họ đã bằng mọi giá phải về nước ngay trong những ngày căng thẳng nhất. Thế là cuộc trở về của gia đình 4 người bằng cách nào đó được tách thành hai chuyến, vợ và 2 con về trước, chồng về sau, với chi phí rất lớn.
Đồng nghiệp của tôi không tiết lộ tên, địa chỉ bạn mình, bởi ngại vì có nhiều người quen công tác trong ngành ngoại giao. Chỉ thấy cô ấy lắc đầu nhắc lại lời than thở của bạn: "Một chuyến bay bão táp, một chuyến về quê kinh hoàng với chi phí đắt ngoài sức tưởng tượng"!
Phiên tòa đại án "chuyến bay giải cứu" dự kiến diễn ra trong một tháng, chắc sẽ có những diễn biến tiếp theo. Thế nhưng mới chỉ 2 ngày đầu, những mánh khóe, hành vi tiêu cực, thậm chí là "bóp mồm bóp mũi" doanh nghiệp và người dân đã bày ra qua các lời khai trước tòa. Xin thưa rằng, từ một chủ trương tốt đẹp, nhân văn và giữa lằn ranh sống - chết của người dân mà có những bàn tay của một số cán bộ vẫn sẵn sàng nhúng chàm, sẵn sàng ngã giá như mua bán mớ rau con cá ở chợ.
Trung tướng Tô Ân Xô - Người phát ngôn của Bộ Công an, tại một cuộc họp báo cho biết là trong gần 2.000 chuyến bay giải cứu, có những chuyến thu lợi khoảng 2 tỷ đồng.
Vì tiền mà những bàn tay nhúng chàm đã làm ảnh hưởng đến ý nghĩa tích cực, niềm tin của người dân về một chủ trương hết sức nhân đạo, nhân văn. May mà đại dịch đã qua đi và sau đó là sự vào cuộc của các cấp có thẩm quyền, của cơ quan chức năng với tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai".
Có thể thấy một trong số các nguyên nhân dẫn đến vi phạm là cơ quan quản lý liên quan đã không có hướng dẫn cụ thể, minh bạch giúp người dân nắm rõ chính sách, cũng như không kịp thời kiểm tra, giám sát cá nhân và tổ chức cấp dưới, để cho một số cán bộ và chủ doanh nghiệp - nay là bị cáo trước tòa, đã lợi dụng cơ chế "xin - cho" để "đục nước béo cò".
Cũng cần nhắc lại, sau khi các chuyến bay giải cứu đầu tiên cất cánh thì đã xuất hiện phản ánh của người dân về tiêu cực, tuy nhiên ở thời điểm đó những chấn chỉnh cần thiết không được thực hiện, để tiêu cực trượt dài.
Bài học về mặt trái của cơ chế "xin - cho", về công tác kiểm tra, giám sát và ý thức tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên một lần nữa trở nên nóng hổi qua đại án này.
Tác giả: Nhà báo Nguyễn Vân Thiêng học Ngữ văn tại Đại học Sư phạm Quy Nhơn, hiện công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!