Nghỉ hưu sớm
Theo đánh giá của các cấp có thẩm quyền, việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" đang đạt những kết quả rất tích cực và tạo ra sự chuyển động mạnh mẽ của bộ máy. Cùng với đó, thời gian gần đây nhiều cán bộ, công chức, viên chức đã chủ động xin nghỉ hưu và nghỉ thôi việc theo tinh thần của Nghị định 178/2024/NĐ-CP mà chúng ta vẫn gọi chung một cách nôm na là "nghỉ hưu sớm".
Một vài ví dụ đã được báo chí đưa tin tính đến ngày 9/2 như: Tỉnh Quảng Nam có 443 cán bộ xin nghỉ hưu trước tuổi và nghỉ thôi việc, trong đó có 23 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; tỉnh Hà Tĩnh có Phó chủ tịch tỉnh và Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, cùng 91 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin nghỉ hưu trước tuổi; tỉnh Quảng Bình có 12 cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh và cấp huyện đề đạt nguyện vọng được nghỉ hưu trước tuổi; tại Thanh Hóa, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội có 27 công chức, viên chức, người lao động xung phong nghỉ hưu trước tuổi, trong số này có người còn tới hơn 10 năm công tác…
Ở cấp Trung ương cũng có đã có những trường hợp như Chánh Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng 4 cán bộ xin nghỉ hưu trước tuổi.
![Nghỉ hưu sớm - 1 Nghỉ hưu sớm - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/TTMmuHh4uLqoIJXugNZcwNKNuuE=/2025/02/09/nguy-ngo-quy-so-du-lich-edited-1739081573249.jpeg)
Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình là một trong những cán bộ chủ chốt tại tỉnh này đã gửi đơn xin nghỉ hưu trước tuổi. Ông Quý sinh năm 1966, tính theo năm công tác thì phải đến tháng 12/2028, tức gần 4 năm nữa ông mới đến tuổi hưu.
Từ những thông tin ban đầu được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, chúng ta có thể thấy rằng trong số những người muốn nghỉ hưu sớm, không chỉ có công chức, viên chức bình thường mà khá nhiều cán bộ giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, nhất là ở các địa phương; đại đa số những cán bộ có nguyện vọng nghỉ hưu sớm này còn thời gian công tác dưới 5 năm.
Mặc dù chưa có cuộc khảo sát chính thức nào về số lượng cũng như động lực thúc đẩy những người xin nghỉ trước thời hạn nêu trên, nhưng dựa vào những chia sẻ trên báo chí, bước đầu chúng ta có thể thấy một số yếu tố như sau.
Những cán bộ, công chức, viên chức chủ động xin rời khỏi bộ máy Nhà nước vừa để hưởng ứng cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, và cũng vừa thực hiện đúng quy định hiện hành (trong đó có Nghị định 178/2024/NĐ-CP). Về ý thức chính trị, hẳn nhiên về cơ bản những người có nguyện vọng rời khỏi vị trí đang công tác là để tránh gây khó cho tổ chức, tạo thuận lợi cho việc tái sắp xếp và bố trí nhân sự, chủ động nhường lại vị trí và cơ hội làm việc cho các thế hệ trẻ hơn.
Về tâm lý, với phần lớn những người còn thời gian làm việc dưới 5 năm thì việc xin nghỉ sớm thường sẽ không gây ra tác động gì đáng kể đến tinh thần hay áp lực công việc để bảo đảm cuộc sống. Ngược lại, họ không chỉ được tiếng gương mẫu thực hiện chủ trương mà còn có sự hỗ trợ từ Nhà nước để tính toán cho các kế hoạch cuộc sống sau khi nghỉ hưu, điều mà họ sẽ sớm đối diện kể cả khi không chủ động xin nghỉ sớm.
Từ góc độ tài chính, như trên đã nêu, chính sách hỗ trợ là nguồn lực động viên đối với những người xin nghỉ trước thời hạn, nhất là những cán bộ, công chức, viên chức có điều kiện kinh tế khiêm tốn hoặc đang sinh sống tại các địa bàn khó khăn. Theo ông Vũ Đăng Minh - Người phát ngôn Bộ Nội vụ, thì Bộ Nội vụ đang phối hợp cùng Bộ Tài chính xây dựng, ban hành thông tư về nguồn kinh phí, lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí liên quan việc chi trả chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ thuộc diện tinh giản.
Về cơ sở pháp lý, Chính phủ đã có Nghị định 178, có thông tư hướng dẫn, phương pháp cách tính chế độ với từng trường hợp cụ thể, khi cấp thẩm quyền thông qua là có thể vận hành ngay.
Với băn khoăn "liệu có đủ nguồn thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy", người phát ngôn Bộ Nội vụ cho biết qua đánh giá tác động cho thấy, nguồn kinh phí chi trả những người sẽ nghỉ thuộc diện sắp xếp còn thấp hơn phần phải trả cho họ nếu còn làm việc trong 5 năm. Vì vậy, đại diện Bộ Nội vụ khẳng định "yên tâm đủ kinh phí để chi trả cho những người thuộc diện sắp xếp".
Những mục tiêu quan trọng nhất của cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nước ta hiện nay là thu gọn về đầu mối tổ chức, sắp xếp lại chức năng và nhiệm vụ của từng cơ quan, tái bố trí nhân sự, giảm biên chế… nhằm cải thiện rõ rệt về chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị trên phạm vi cả nước. Hay nói cách khác là "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" như tiêu đề bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Vì thế, theo tôi, việc nhiều cán bộ, công chức, viên chức chủ động xin nghỉ sớm là xu hướng lành mạnh và tích cực. Những người tiên phong nên được ghi nhận vì họ là những người đang thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, sẵn sàng chấp nhận những thiệt thòi cho bản thân vì lợi ích chung của đất nước. Còn tất nhiên "ai thuộc diện giữ lại, ai thuộc diện tinh giản" thì phải thực hiện theo quy định và quyết định của các cấp có thẩm quyền.
Có thể khẳng định đến nay việc ban hành kịp thời, đầy đủ các chính sách bảo đảm quyền, lợi ích của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động đã góp phần quan trọng giải tỏa tâm tư, tạo thuận lợi trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.
Ngày 1/12/2024, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18; báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ quan điểm: "không để cơ quan Nhà nước là nơi trú ẩn an toàn cho cán bộ yếu kém".
Quan điểm "nhìn thẳng vào sự thật, không lảng tránh sự thật" về những biểu hiện trì trệ của không ít đơn vị trong hệ thống chính trị đang đặt ra yêu cầu bố trí nhân sự "đúng người, đúng việc", "nhìn việc, chọn người" chứ không chỉ đơn thuần giảm biên chế thông qua vận động công chức, viên chức nghỉ hưu sớm.
Khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới, sẽ có rất nhiều việc cần làm để từng bước cải thiện chất lượng của đội ngũ nhân sự trong hệ thống chính trị. Trong đó, thiết nghĩ chúng ta cần căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị cũng như các yêu cầu đối với từng vị trí việc làm để thực hiện tái bố trí nhân sự. Việc lựa chọn nhân sự cho vị trí cụ thể cần phải dựa vào năng lực thực tế, và người được chọn phải thể hiện sự ưu trội hơn thông qua những kết quả và đóng góp cụ thể. Theo đó cạnh tranh năng lực nên trở thành một trong những nguyên tắc vận hành của quy trình công tác cán bộ.
Có thể nói rằng thực hiện tốt chính sách đối với người nghỉ việc hiện nay, chính là góp phần vào quá trình xây dựng đội ngũ nhân sự trong hệ thống chính trị có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước trong thời gian tới.
Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!