Giảm năm đóng bảo hiểm xã hội, tăng "phủ" lương hưu
Tin vui cho người lao động là các cơ quan quản lý đang trong tiến trình sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), với 12 nhóm chính sách sẽ được cải cách, trong đó có thời gian đóng bảo hiểm.
Theo quy định hiện hành, thời gian đóng bảo hiểm lên đến 20 năm mới được hưởng lương hưu. Chính vì thời gian quá dài nên một bộ phận người lao động ngại đóng, và trong thực tế dù muốn đóng họ cũng gặp những trở ngại khách quan. Đơn cử, tại cuộc đối thoại với Thủ tướng hôm 12/6 vừa qua, một nữ công nhân cho hay nhiều doanh nghiệp đã và đang tìm mọi cách chấm dứt hợp đồng với công nhân ngoài 40, 45 tuổi. Nếu vẫn giữ quy định "từ 20 năm trở lên", vô hình trung nhiều lao động chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm đã phải nghỉ việc và không được đảm bảo quyền lợi. Trong thực tế, với nhóm lao động phổ thông chiếm số đông, khi rời nhà máy ở độ tuổi trên dưới 45, họ sẽ rất khó khăn trong việc tiếp tục đóng bảo hiểm và chờ đợi nhiều năm nữa để nhận lương hưu.
Chính vì vậy, việc dự thảo luật BHXH sửa đổi thể hiện quan điểm giảm dần thời gian đóng, từ 20 năm xuống còn 15 năm và tiến tới có thể chỉ cần 10 năm sẽ tạo cơ chế linh hoạt, giúp người lao động thuận lợi hơn trong việc tiếp cận, thụ hưởng chế độ hưu trí.
Đặc điểm của thị trường lao động Việt Nam là có một tỷ lệ không nhỏ người lao động trong khu vực phi chính thức, chưa tham gia bảo hiểm xã hội. Với quy định đóng ít nhất 20 năm và nam về hưu ở tuổi 60 (tăng dần lên 62), nữ 55 (tăng dần lên 60), nếu lao động nam chưa tham gia bảo hiểm xã hội thì họ sẽ không còn cơ hội ở tuổi sau 40; tương tự như vậy với lao động nữ là sau tuổi 35. Trong khi đó, những người sau độ tuổi 40 thường có công việc ổn định hơn, thu nhập tốt hơn. Nhìn từ góc độ này, việc rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm là rất nhân văn, giúp người lao động chuẩn bị cho cuộc sống về già trong vòng 20 năm tới. Nếu được Quốc hội thông qua, chính sách giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội sẽ mở ra cơ hội cho rất nhiều người từ 40 tuổi (đối với nam) và từ 35 tuổi (đối với nữ) mà chưa tham gia bảo hiểm xã hội có thể bắt đầu tham gia đóng góp, tích lũy cho đến khi về hưu.
Một đặc điểm khác của thị trường lao động là nhiều người làm các công việc bấp bênh, mỗi nơi chỉ làm vài ba năm và thời gian đóng BHXH không liên tục. Khi hết tuổi lao động, tổng thời gian đóng BHXH cộng dồn của họ chưa đủ 20 năm. Việc giảm thời gian đóng cũng sẽ giúp nhóm này thuận lợi hơn trong việc tiếp cận chế độ lương hưu.
Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng mức hưởng của lương hưu phụ thuộc vào hai yếu tố là số năm đóng góp (làm căn cứ để tính tỷ lệ hưởng hưu) và mức đóng góp trung bình (làm căn cứ để tính mức hưởng). Như vậy, nếu giảm thời gian đóng góp thì tỷ lệ hưởng sẽ thấp hơn. Điều này đòi hỏi các nhà làm chính sách giải quyết bài toán cân đối theo nguyên tắc vừa chia sẻ (tính xã hội), vừa theo nguyên tắc đóng - hưởng (tính bảo hiểm). Một mặt, cần giải thích rõ để người lao động nắm, hiểu được chính sách và cân nhắc mức đóng bao nhiêu để có thể có mức hưởng phù hợp với điều kiện sống.
Ở góc độ nào đi nữa thì tôi cũng cho rằng việc được hưởng hưu khi về già - khi mà sức lao động giảm và khả năng tạo các nguồn thu nhập thay thế ít đi - thì việc có lương hưu hàng tháng chắc chắn sẽ tốt hơn việc không có thu nhập cố định hàng tháng hoặc phải sống bằng trợ cấp, hay dựa vào sự chu cấp của con cháu.
Đây là bài toán cần giải quyết đồng bộ. Trong đó, theo tôi, vấn đề quan trọng là chúng ta cần tiếp tục mở rộng bao phủ BHXH tự nguyện, và tăng quyền lợi để người lao động thấy tham gia hệ thống cũng như "ở lại" có nhiều lợi ích hơn "rời đi". Để đảm bảo cuộc sống với lương hưu thì đòi hỏi chính sách có sự điều chỉnh phù hợp cũng như người lao động tham gia đóng góp liên tục. Định hướng cải cách hệ thống hưu trí với đa tầng thu nhập là định hướng đúng, vì nó vừa đảm bảo mức sống tối thiểu, vừa tăng thêm thu nhập từ đóng góp và đầu tư/tiết kiệm của chính người lao động.
Về thiết kế hệ thống, các cơ quan quản lý cần bổ sung thêm một số chế độ ngắn hạn trong chương trình BHXH tự nguyện. Chương trình này ở Việt Nam mới chỉ bao phủ hai chế độ dài hạn (là hưu trí và tử tuất), trong khi không có các chế độ ngắn hạn như trong BHXH bắt buộc (là ốm đau, thương tật, tai nạn lao động, thai sản, thất nghiệp). Với đặc trưng của lao động phi chính thức là nhóm dễ bị tổn thương trước các cú sốc kinh tế - xã hội do điều kiện làm việc không đảm bảo, thu nhập thấp, cường độ làm việc cao thì các chế độ ngắn hạn, rất "sát sườn" này giúp người lao động vượt qua các cú sốc đó. Khi thấy rõ quyền lợi này, người lao động có thêm động lực để tham gia. Qua khảo sát, nhiều lao động trong khu vực phi chính thức chia sẻ với chúng tôi rằng, họ rất mong muốn có những chế độ ngắn hạn nêu trên. Ví dụ, chế độ thai sản - dù chỉ trong mấy tháng - nhưng rất quý giá với chị em lao động phổ thông; hay chế độ tai nạn lao động với công nhân ở các công trình xây dựng cũng sẽ hỗ trợ họ phần đáng kể trong trường hợp gặp rủi ro.
Sự linh hoạt về thời gian đóng, mức đóng BHXH tự nguyện sẽ là nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới khả năng tham gia của người lao động. Đồng thời, chúng ta tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý quá trình đăng ký, đóng, hưởng BHXH - một trong những bước tiến rõ nét của ngành BHXH trong những năm gần đây.
Tác giả: PGS. TS Giang Thanh Long nhận bằng Tiến sỹ Chính sách công tại Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản (GRIPS). Lĩnh vực nghiên cứu của ông là các vấn đề dân số, khía cạnh kinh tế của già hóa dân số, an sinh xã hội. Ông Long hiện là Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!