Tâm điểm
Đinh Duy Hòa

Thấy gì qua việc gần 100 cán bộ của 1 sở xin nghỉ hưu trước tuổi

Mấy chục năm qua, chúng ta có khá nhiều đợt giảm biên chế Nhà nước và đương nhiên đi kèm là các chính sách, chế độ cho những người ra khỏi bộ máy. Nhưng, phải nói rất thật lòng là lần này ngay từ lúc văn bản chưa ra đã có sự chờ đợi, kỳ vọng. Bởi tinh thần chỉ đạo chung của Trung ương là phải có chính sách, chế độ vượt trội để tạo điều kiện cho những người thuộc diện tinh giản biên chế có cơ sở ban đầu tiếp tục mưu sinh trong môi trường không còn là Nhà nước nữa.

Ngày 31/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 178 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC ), người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Ngày 17/1, Bộ Nội vụ có Thông tư số 1 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 178. Và chỉ sau đó ít ngày đã có sự hưởng ứng thực hiện các văn bản này ở một số cơ quan.

Thấy gì qua việc gần 100 cán bộ của 1 sở xin nghỉ hưu trước tuổi - 1

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh (Ảnh: Văn Nguyễn).

Một trong những nơi đi đầu là Hà Tĩnh với việc 91 CBCCVC và người lao động thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi để thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy khi hợp nhất Sở này với Sở Tài nguyên và Môi trường. Tương tự là 46 CBCCVC của huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, cũng xin nghỉ hưu trước tuổi và qua đó sẽ được hưởng các chế độ theo Nghị định số 178.

Báo chí cũng đưa tin cán bộ, công chức lãnh đạo cấp sở, cấp huyện ở một số địa phương có đơn nêu nguyện vọng được về hưu trước tuổi.

Có thể nói Nghị định số 178 đang tác động không nhỏ đến những cân nhắc, tính toán ra đi hay ở lại bộ máy của rất nhiều người đang làm việc trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị. Điều đó là bình thường, bởi hầu hết chúng ta đi làm là để lo toan cuộc sống cho mình và gia đình mình. Không cân nhắc, không tính toán sao được!

Người quen của tôi làm việc trong một đơn vị sự nghiệp lớn của Nhà nước, còn khoảng 5 năm nữa mới đủ tuổi nghỉ hưu, mới đây đã nói nếu nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 178 thì sẽ vừa có được lương hưu cho lâu dài, vừa có ngay một khoản tiền để có thể bắt đầu một công việc khác.

Sau khi tính toán, người quen của tôi hỏi "vậy theo anh, em có nên về không?". Tôi trả lời một cách đơn giản là "Nhà nước không thể bỏ ra một khoản tiền lớn như vậy cho riêng chú, bởi đây sẽ là một khoản lãng phí, đầu tư không đúng chỗ, bởi chú không thuộc diện phải ra khỏi biên chế, mà ngược lại Nhà nước cần có chế độ để giữ chân chú ở lại làm việc".

Nói câu chuyện người quen để hình dung tổng thể câu chuyện ra đi hay ở lại bộ máy. Vấn đề quan trọng nhất vẫn là xác định đúng ai phải ra đi khi sắp xếp tổ chức lần này. Nếu người quen của tôi có đơn và được duyệt nghỉ hưu trước tuổi để hưởng chế độ theo Nghị định 178 thì sẽ là áp dụng sai Nghị định này. Điều đó có nghĩa là 91 CBCCVC Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của Hà Tĩnh không phải cứ tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi là được chấp nhận ngay, mà cần phải được đánh giá có đáp ứng đủ tiêu chuẩn ra khỏi bộ máy hay không.

Tương tự là câu chuyện của 46 CBCCVC của huyện Thạch Hà.

Tương tự là câu chuyện của tất cả những ai ra khỏi bộ máy trong cả nước trong đợt sắp xếp này.

Có người lại bảo sao mà phức tạp làm gì, ai muốn ra thì vì mục tiêu giảm biên chế cứ đồng ý để họ ra, hà cớ gì bày đặt đủ tiêu chuẩn mới được ra.

Nếu làm như vậy thì trong thực tế rất có thể người tài giỏi sẽ rời bộ máy, và người kém năng lực sẽ ở lì trong bộ máy theo kiểu biên chế suốt đời. Và cũng chính vì vậy Nghị định 178 đã quy định rõ 3 tiêu chí đánh giá để xem xét người phải ra khỏi bộ máy. Nói ngắn gọn thì 3 tiêu chí này đề cập đến tiêu chí về phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ; tiêu chí về năng lực chuyên môn và tiêu chí về kết quả công việc. Tất cả CBCCVC của cơ quan sẽ được lãnh đạo cơ quan đánh giá trong 3 năm gần nhất theo 3 tiêu chí này để xác định ai phải rời cơ quan. 

Theo Nghị định 178 thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức lấy ý kiến tập thể lãnh đạo cấp ủy, chính quyền cùng cấp để ban hành tiêu chí đánh giá và tiến hành thực hiện rà soát tổng thể chất lượng CBCCVC thuộc phạm vi quản lý; trên cơ sở đó xác định trường hợp phải nghỉ việc do sắp xếp thuộc đối tượng được hưởng chính sách, chế độ theo quy định.

Nghị định 178 cũng lường trước tình huống như của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh, khi quy định trường hợp trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, nếu CBCCVC đủ điều kiện áp dụng quy định tại Nghị định này có đơn tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi hoặc nghỉ thôi việc, thì người đứng đầu cơ quan phải lập danh sách đối với từng trường hợp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, nếu không đồng ý thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Điểm mấu chốt ở quy định này là CBCCVC đủ điều kiện áp dụng quy định tại Nghị định này, tức là lại quay trở về câu chuyện xem xét 3 tiêu chí như vừa nêu.

Và nếu như vậy thì trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức là hết sức lớn để  đánh giá CBCCVC dưới quyền một cách công tâm, khách quan, qua đó xác định đúng người phải ra khỏi cơ quan, tổ chức. Cũng theo tinh thần này mà mới đây Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đã ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn triển khai khẩn trương Nghị định 178, theo đó có yêu cầu cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc quyết định đối tượng nghỉ việc, đảm bảo công bằng, minh bạch và đúng quy định.

Tác giả: TS Đinh Duy Hòa nguyên là Vụ trưởng Vụ cải cách hành chính, Bộ Nội vụ.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!