Rút "một cục" hay chờ lương hưu?
Nhìn hình ảnh người lao động xếp hàng rút bảo hiểm xã hội một lần trên truyền thông những ngày vừa qua, tôi tự nhiên nhớ đến một vài người quen biết, đã "về một cục" theo chế độ 176 cách đây khoảng 30 năm trước.
Lúc đó, những người về nghỉ theo chế độ 176 cũng chỉ được hưởng hỗ trợ một lần, họ rời khỏi các cơ quan khi tuổi còn khá trẻ và lại lao vào tìm kế mưu sinh. Nay khi tôi phỏng vấn những người này, ở tuổi già, họ chia sẻ một trong những mong muốn lớn nhất là có lương hưu, dù ít nhưng ổn định hàng tháng và không phải phụ thuộc con cháu. Có người đề xuất đóng bù thời gian thiếu để được hưởng lương hưu. Ở góc độ nhân văn thì có thể tạo điều kiện cho các đề xuất này, song nếu số lượng "đóng bù" lớn sẽ không đảm bảo ổn định hệ thống, hơn nữa sẽ không công bằng với những người tham gia bảo hiểm xã hội liên tục.
Theo nghiên cứu của chúng tôi, đây không phải câu chuyện riêng có ở Việt Nam. Nhiều nước trên thế giới cũng đối mặt với vấn đề lao động không tham gia bảo hiểm xã hội hoặc ra khỏi lưới an sinh khi còn trẻ, ở độ tuổi sung sức, và về già không còn nguồn thu nhập thì họ bắt đầu đối mặt với bài toán tiền đâu để duy trì cuộc sống. Không ít người thậm chí lâm vào cảnh nghèo túng nên thay vì được hưởng bảo hiểm xã hội, họ lại trở thành đối tượng trợ giúp xã hội (tức là nhận trợ cấp thông qua ngân sách của chính phủ với mức hưởng hạn chế). Vấn đề này càng gay gắt khi các nền kinh tế đối mặt những cú sốc, đơn cử như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009.
Hai năm qua, cũng như các nước khác, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Vì vậy, thực trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần vốn đã âm ỉ nhiều năm, nay tăng mạnh hơn là điều có thể hiểu được. Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, gần 209.000 lao động chọn rút bảo hiểm xã hội một lần trong ba tháng đầu năm 2022. Tính hết tháng 3/2022, lao động rút bảo hiểm xã hội một lần trên cả nước tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở TP HCM, có những thời điểm cơ quan bảo hiểm quá tải công việc vì số hồ sơ xin rút quá nhiều.
Việt Nam đang ở giai đoạn "dân số vàng", nhưng tốc độ già hóa dân số rất cao so với những nước có mức thu nhập tương đương. Cả nước hiện có 12,6 triệu người cao tuổi (chiếm 12,8% tổng dân số). Dự báo đến năm 2049, Việt Nam sẽ có 28,6 triệu người (chiếm gần 25% tổng dân số, tức là cứ 4 người dân thì có 1 người cao tuổi). Già hóa dân số cùng với rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ là hai yếu tố cộng hưởng gây áp lực lớn lên hệ thống hưu trí và đảm bảo an sinh xã hội sau này. Cần nói thêm rằng, tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần tăng mạnh trên cái nền là tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội bắt buộc ở Việt Nam vẫn còn thấp (khoảng 30%).
Giải bài toán này như thế nào? Trước hết, tôi đồng tình với nhận định của lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội về ba nguyên nhân chính, đó là: i) đời sống của một bộ phận người lao động còn khó khăn do tác động của Covid-19 gây nên, khiến họ tạm tìm tới nguồn tài chính ban đầu mà chưa thấy được hậu quả lâu dài của việc rút bảo hiểm xã hội một lần; ii) chính sách tuyên truyền, phổ biến về bảo hiểm xã hội dù đã rộng rãi, liên tục hơn trước nhưng nhiều người lao động chưa hiểu hết và cân nhắc được - mất khi quyết định "rút sổ một lần"; và iii) một số cá nhân lợi dụng để mua, bán sổ bảo hiểm xã hội và gây nên tình trạng trục lợi bảo hiểm xã hội.
Thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh truyền thông, theo tôi, cơ quan quản lý cần tiến hành cuộc khảo sát diện rộng và công phu hơn về thực trạng rút bảo hiểm xã hội một lần để đề ra giải pháp chi tiết cho từng nhóm lao động. Theo khảo sát ở quy mô nhỏ của chúng tôi, nhóm đầu tiên là những người thực sự gặp khó khăn trong cuộc sống, họ cần tiền để xử lý những vấn đề cấp bách cá nhân (như trả nợ, chữa bệnh…). Nhóm thứ hai là các lao động rút tiền đầu tư, chuyển đổi công việc. Nhóm thứ ba là giải quyết nhu cầu gia đình (như sửa sang nhà cửa, đóng tiền học cho con cái…). Nhóm thứ tư là các lao động rút bảo hiểm xã hội một lần theo phong trào vì họ nghe thấy lời đồn về quỹ bảo hiểm bị thâm hụt, không bền vững… và dao động khi thấy người khác rút.
Một đặc điểm chung của các lao động rút bảo hiểm xã hội một lần mà chúng tôi phỏng vấn là họ thường sử dụng nguồn tiền này để chi tiêu trong ngắn hạn, chứ ít người có đủ tiền để tạo các khoản đầu tư đem lại thu nhập thường xuyên đủ lớn. Và khi nguồn đó hết, nhiều người không còn nguồn thu nhập nào thay thế, đặc biệt với những lao động vốn dĩ đã có thu nhập chưa cao, ít tiết kiệm.
Nhiều lao động chưa thực sự nắm rõ một thực tế là khi họ rút bảo hiểm xã hội một lần (với bảo hiểm bắt buộc) tức là họ đang rút mình ra khỏi hệ thống an sinh, và sau đó sẽ không được hưởng không chỉ lương hưu mà cả các chế độ liên quan như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp… Dù "ở hay rút" là quyền của người lao động, nhưng với xu hướng công việc bấp bênh, việc tự đưa mình ra khỏi lưới an sinh thực sự tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong khi đó, theo tính toán, với một lao động có mức đóng bảo hiểm xã hội bằng 22% mức tiền lương hiện nay, khi về hưu với số năm đóng góp mức hưởng có thể lên tới 50%, tối đa là 75%. Như vậy, việc đóng bảo hiểm và chờ lương hưu là một phương án tối ưu hơn so với rút khỏi hệ thống.
Để người lao động gặp khó khăn vẫn yên tâm ở lại với bảo hiểm xã hội, nhiều nước thiết kế chính sách cho vay ngắn hạn, hỗ trợ thu nhập hoặc hỗ trợ đóng bảo hiểm. Chính sách bảo hiểm được điều chỉnh linh hoạt về mức đóng và cách đóng, sao cho phù hợp nhất với từng nhóm lao động.
Như đã nêu trên, hiện nay bảo hiểm xã hội bắt buộc được thiết kế với các chế độ ngắn hạn (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp), trong khi bảo hiểm xã hội tự nguyện lại chưa có các chính sách này. Trên thực tế, hầu hết những người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lại chính là nhóm rất cần các chế độ ngắn hạn như vậy vì họ thường là lao động phi chính thức. Chỉ có chế độ dài hạn (hưu trí và tử tuất) với thời gian đóng quy định như hiện nay là tối thiểu 20 năm thì không tạo động lực tham gia, đặc biệt với lao động có thu nhập không cao. Một số lao động chia sẻ với chúng tôi rằng "đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và phải chờ đợi 20 năm mới hưởng, trong khi các quyền lợi sát sườn khi không may xảy ra rủi ro thì lại không có, vậy thì đóng làm gì?".
Hiện nay ở Việt Nam các nguồn thu nhập từ hệ thống an sinh xã hội còn rời rạc và đơn tầng. Vì thế, theo xu hướng lưới an sinh thu nhập thì Việt Nam cần tính đến hệ thống hưu trí đa tầng. Cụ thể, tầng đầu tiên - gọi là tầng 0 - là tầng hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước chi trả, nghĩa là, khi bước vào tuổi hưu thì dù là người giàu hay người nghèo đều hưởng một mức như nhau để đảm bảo thu nhập tối thiểu. Một số nước có thể áp dụng phương pháp phân loại theo thu nhập/tài sản để giảm bớt số người hưởng, tránh gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Tầng thứ hai là tầng tham gia đóng góp và chia sẻ trong hệ thống theo nguyên tắc thực thanh thực chi (pay-as-you-go) như thiết kế hiện nay. Còn tầng thứ ba là tầng dành cho hưu trí bổ sung (giống như tài khoản tiết kiệm cá nhân, đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, không chia sẻ).
Thiết kế như thế sẽ tạo ra các lưới thu nhập cho người lao động, đảm bảo họ không rơi vào "bẫy nghèo" khi về già mà không có thu nhập và không còn sức lao động.
Tác giả: PGS. TS Giang Thanh Long nhận bằng Tiến sỹ Chính sách công tại Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản (GRIPS) và Thạc sỹ Chính sách công tại Đại học Hitotsubashi, Nhật Bản. Lĩnh vực nghiên cứu của ông là các vấn đề dân số, khía cạnh kinh tế của già hóa dân số, an sinh xã hội, các chương trình hỗ trợ xã hội và xây dựng các mô hình mô phỏng vi mô đánh giá hệ thống an sinh xã hội. Ông Long hiện là Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.