Ngày thường của doanh nhân
Theo báo cáo từ Công ty tư vấn Henley & Partners kết hợp với New World Wealth, năm 2023, Việt Nam có 19.400 triệu phú có tài sản trên 1 triệu USD, 58 triệu phú có tài sản trên 100 triệu USD và 6 tỷ phú USD. Báo cáo này không phân tích cơ cấu thành phần, nhưng có thể khẳng định, đa phần trong số họ là các doanh nhân.
Dân giàu thì nước mạnh. Chúng ta có cơ sở để vui mừng khi đất nước ngày càng có nhiều hơn những doanh nhân làm giàu chân chính, nhưng tôi biết rằng rất nhiều người sẽ có cùng một câu hỏi: Bí quyết gì khiến họ lại giàu như vậy và giàu như vậy thì có sướng không?
Với câu hỏi thứ nhất, chắc chắn không ai có thể trả lời ngoài chính những doanh nhân thành công, bởi đó là bí quyết riêng của họ, có thể là may mắn gặp thời, có thể là nhiều bạn bè chí cốt như một câu nói quen thuộc là "đường nhiều bạn dễ đi"? Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, không ai gặp may cả đời và dù bạn bè, chiến hữu có tốt tới mức nào đi chăng nữa cũng không thể giúp ai đó làm nên sự nghiệp, vì thế, phải thừa nhận rằng, những doanh nhân thành đạt là người cực kỳ thông minh, nhanh nhạy nắm bắt thời cơ. Và thêm một điều chắc chắn như tôi được chứng kiến rằng, họ là những người có khả năng làm việc liên tục dưới áp lực lớn, cường độ cao.
Một doanh nhân ở Tập đoàn FPT phát biểu rằng ông "tự hào có thể làm việc 12, 14, 16 giờ/ngày, làm từ năm này qua năm khác", thì tôi nghĩ vị này chắc không nói quá lên.
Với câu hỏi, giàu như vậy thì có sướng không, có lẽ dễ trả lời hơn, bởi thật may, bản thân tôi đã được tiếp xúc với khá nhiều doanh nhân thành đạt, có người là chủ ngân hàng, người thì là chủ doanh nghiệp sản xuất, người thì hoạt động thương mại… nên cũng biết sơ qua về sự sướng, khổ của các họ.
Thực ra, nói về sự sướng khổ thì phải căn cứ vào những tiêu chí nhất định. Ví dụ với người nghèo, có đủ ăn là sướng, thiếu áo ấm là khổ; người có mức sống trung bình, vui khi tích cóp được tí chút để lên đời xe và nỗi buồn sẽ ập đến khi cơ quan làm ăn bết bát. Còn với doanh nhân thành công, ai cũng cho rằng, nhiều tiền, khổ làm sao được!
Với nhiều vị doanh nhân, sướng khổ nhiều khi không theo cảm nhận thông thường của nhân gian, mà tùy thuộc vào sắc màu trên sàn chứng khoán và nhịp đập của kinh tế vĩ mô. Không chỉ có sự khác biệt cơ bản về quan niệm sướng, khổ, nhịp sinh học của nhiều doanh nhân cũng hoàn toàn khác biệt với những người làm công ăn lương, bởi với họ, ngày làm việc chỉ kết thúc khi xong việc và trong đầu không tồn tại khái niệm thứ Bảy, Chủ nhật.
Tôi từng biết, có anh bảo vệ vô cùng sửng sốt khi nhìn thấy sếp có mặt ở công ty một cách bất thường vào lúc 7 giờ sáng và sau khi thấy ông ta lên xe ra về, mới hiểu ra rằng, khi các nhân viên công ty đang chuẩn bị một ngày làm việc mới, thì ông chủ vừa kết thúc ngày làm việc kéo dài từ đêm hôm trước.
Chỉ cần chứng kiến chồng văn bản trình ký cao ngang mặt trên bàn làm việc của chủ một doanh nghiệp lớn, rất nhiều viên chức có thể sẽ sợ phát ngất! Chưa hết, văn bản nào cũng phải soi từng chữ, sai sót sẽ đồng nghĩa với thiệt hại, sẽ có một đống tiền ra đi nếu chấp thuận hướng đi lệch chủ trương và rất có thể, chỉ một lần bất cẩn trong phê duyệt văn bản cấp dưới trình lên, ông chủ có thể gặp nguy cơ phải đối diện với cơ quan bảo vệ pháp luật.
Cách đây nhiều năm, một chủ doanh nghiệp từng chua chát với tôi rằng: "Làm kinh doanh là cuộc dạo chơi… quanh trại giam, người mạo hiểm thì đi gần, kẻ thận trọng thì cách xa hơn tí chút"! Có thể hình dung của vị doanh nhân đó hơi cường điệu, nhưng ngẫm lại mới thấy rằng, nếu không có tư duy đột phá, không là người tiên phong trong thể chế, nhất định sẽ chỉ là người làm công ăn lương.
Giới viên chức và người làm công lấy niềm vui từ các bữa nhậu nhẹt, gặp gỡ bạn bè và những hoạt động thể thao vừa cải thiện sức khỏe, vừa là những dịp giao lưu tăng tình đoàn kết đơn thuần của những người bè bạn. Kể từ khi môn golf trở thành biểu trưng cho việc thể hiện đẳng cấp của "người có điều kiện", và nhiều người chơi golf với tâm lý chơi là chính, khoe mẽ là chủ yếu! Tuy nhiên, với nhiều doanh nhân, môn thể thao quý tộc đó hoàn toàn không chứng tỏ điều gì như những người bình thường đang suy nghĩ, bởi tài sản, vị thế, uy tín doanh nghiệp của họ đã nói lên tất cả, nhưng họ vẫn "phải" chơi golf!
Vì "phải" chơi, nên bận mấy cũng phải vác gậy lên vai, xụt xịt tí ti, chân hơi tập tễnh cũng phải lên sân, vì với họ sân golf là nơi tụ họp cộng đồng của họ, sân golf là nơi nhận được những thông tin có thể sẽ không xuất hiện ở bất cứ đâu và chỉ với một cú lắc tay nhường điểm, một lời khen về cú đánh "trên cả chuyên nghiệp" là có thể giúp họ có những mối quan hệ, những hợp đồng.
Ngoài những phiền phức, bất tiện và sự khác biệt trong nhịp sống, hàng năm, các ông chủ doanh nghiệp niêm yết đều phải trải qua một lần chứng tỏ độ cao trí tuệ vào dịp họp đại hội đồng cổ đông. Trí tuệ đó trước tiên được thể hiện qua bản báo cáo trước đại hội cổ đông, bởi báo cáo đó phải đảm bảo "hay như tiểu thuyết" nhưng lại phải chân thực chính xác tới từng con số dưới sự canh chừng của Ban Kiểm soát. Việc xây dựng phương án trả cổ tức bao nhiêu, bằng tiền mặt hay cổ phiếu để các cổ đông đồng thuận khi biểu quyết cũng thể hiện trình độ của các ông chủ.
Chưa hết, để có thể đối phó với những cài cắm tạo sóng cổ phiếu của những nhà đầu tư "mưu cao", cũng như vô hiệu các âm mưu thôn tính, các ông chủ phải chuẩn bị hàng chục, thậm chí hàng trăm kịch bản có độ khó cao, độ rắc rối thực sự khó hình dung với những người chưa từng một lần làm ông chủ.
Với những thống kê về sự vất vả, thậm chí là nỗi thống khổ của doanh nhân, chẳng lẽ họ không có niềm vui nào trong cuộc sống?
Chắc chắn là có. Với những doanh nhân còn mải mê làm giàu, niềm vui của họ chính là tốc độ phình ra của tài khoản ngân hàng. Còn với những doanh nhân "tiền chỉ đơn thuần là những con số", họ bị thôi thúc bởi khát vọng xây dựng một đế chế, họ sẽ vui và hãnh diện khi hàng nghìn lao động trong doanh nghiệp của họ có mức thu nhập cao hơn doanh nghiệp cùng ngành.
Thực tế còn cho thấy, có những ông chủ tính toán chi ly từng con ốc vít, từng dấu phẩy trong tính toán chỉ số đánh giá kết quả thực hiện công việc (KPI) của người lao động đã không hề ngần ngại bỏ ra nhiều tỷ đồng để hỗ trợ những thân phận gặp khó khăn trong thiên tai, bão lụt. Họ là những người vui vì được chia sẻ, hạnh phúc khi được góp sức. Có lẽ, với những doanh nhân thành đạt, niềm vui là được lo cho người khác và khi được cộng đồng tôn vinh, những lo toan vất vả sẽ như không còn tồn tại, những eo hẹp trong bố trí thời gian chăm sóc mình và gia đình đều trở thành chuyện... không đáng kể!
Hóa ra, khổ thì đúng là rất khổ, nhưng doanh nhân cũng có những sự sung sướng và hạnh phúc xứng đáng với họ.
Tác giả: Ông Tô Ngọc Doanh có gần 30 năm công tác trong lĩnh vực báo chí, hiện là chuyên gia Truyền thông và Thương hiệu ngành ngân hàng.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!