Doanh nhân "vượt rào"
Trước thềm ngày doanh nhân Việt Nam năm nay, tôi rất vui và xúc động khi được biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành nghị quyết về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Nghị quyết ra đúng dịp này không chỉ như một "món quà" đặc biệt mà với những nội dung "đúng và trúng", sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới của giới doanh nhân Việt Nam.
Đọc kỹ nghị quyết 41, tôi đặc biệt tâm đắc với nội dung: "Tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, pháp luật về sở hữu, quyền tự do kinh doanh, bảo hộ quyền tài sản hợp pháp, khởi nghiệp, bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế...".
Thực tế nhiều năm qua cho thấy có những chính sách chưa theo kịp với sự phát triển quá nhanh của kinh tế - xã hội, khiến nhiều doanh nhân đứng trước "hàng rào" cơ chế, buộc phải lựa chọn "vượt rào" vì lợi ích chung hoặc thoái lui cầu an.
Tôi đã có trải nghiệm về câu chuyện này, khi gần 20 năm trước, pháp luật quy định trầm hương là hàng quốc cấm, không được buôn bán, nếu vi phạm sẽ bị xử theo luật hình sự. Nhìn sản vật quý giá của Việt Nam phải lẩn khuất trong bóng tối, tôi đã suy tư rất nhiều và quyết thay đổi "thân phận" của trầm hương. Tôi cùng các chuyên gia, trí thức và các cộng sự kiên trì vận động, mở các cuộc hội thảo, viết nhiều bài báo về giá trị và lợi ích của việc bãi bỏ lệnh cấm trầm hương.
Cuối cùng, nỗ lực của chúng tôi đã được lắng nghe, trầm hương được "cởi trói", nhanh chóng trở thành mặt hàng được trong và ngoài nước ưa chuộng, các làng nghề truyền thống hồi sinh.
Cú "vượt thoát" đó của trầm hương đã thành công, nhưng nhìn ra các lĩnh vực khác, thực tế không ít doanh nhân khi đứng trước các chính sách chưa theo kịp yêu cầu phát triển, vì sợ hình sự hóa các quan hệ kinh tế nên không dám đổi mới, sáng tạo.
Việt Nam đang bước vào thời kỳ mà việc phát triển dựa vào mô hình khai thác vốn, lao đồng và tài nguyên giá rẻ đã tới giới hạn, đổi mới sáng tạo phải là động lực tăng trưởng mới.
Có những đổi mới sáng tạo đôi khi vượt qua những quy định hiện hành. Đặc biệt trong thời đại công nghiệp 4.0 với sự phát triển chóng mặt của trí tuệ nhân tạo đã tạo ra những ứng dụng vượt ra ngoài khuôn khổ một quốc gia. Như chúng ta thường hay nói, cái gì cũng có mặt trái của nó, đôi khi các mặt trái đó không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Vậy ứng xử với một tiến bộ khoa học công nghệ có hai mặt, phải và trái, như thế nào để vừa quản lý được nhưng vừa không cản trở sự phát triển và lấy lợi ích của người dân, đất nước làm đại cục. Nếu hình sự hóa sẽ làm thui chột đi sự đổi mới, sáng tạo - một động lực tăng trưởng quan trọng nếu không nói là trụ cột trong thời đại số.
Doanh nhân, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo có thể đi trước thời đại, vượt qua những tư duy thông thường, có những sản phẩm vượt qua sự hình dung của số đông, ví như cỗ máy tìm kiếm Google trước đây, hay gần đây là Chat GPT. Những ứng dụng này, dĩ nhiên có mặt trái, nhưng lợi ích mà nó mang lại cho nhân loại thì lớn gấp nhiều lần.
Tôi nghĩ rằng nghị quyết 41 sẽ tạo động lực thúc đẩy đổi mới, sáng tạo khi nhấn mạnh: "Quan tâm xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các mô hình, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mới để mở rộng không gian phát triển cho doanh nhân, doanh nghiệp. Nghiên cứu triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để tạo điều kiện cho doanh nhân, doanh nghiệp có bước đột phá trong một số lĩnh vực mới, có lợi thế, tiềm năng…". Tôi tin đây là những cơ sở rất quan trọng để tạo ra sự phát triển bùng nổ của kinh tế sáng tạo trong thời gian tới, thúc đẩy các doanh nhân đổi mới, dấn thân.
Tôi cũng đặc biệt chú ý tới nội dung này trong nghị quyết 41: "Bảo đảm khuôn khổ pháp luật ổn định, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, bình đẳng, nhất là trong tiếp cận nguồn lực về đất đai, tài chính, công nghệ. Thực hiện phương thức đối tác công - tư; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, đối tượng phục vụ; kiểm soát, xóa bỏ đặc quyền, độc quyền trong sản xuất, kinh doanh..."
Đây chính là sự cam kết của Đảng và Nhà nước trong việc tạo ra một không gian bình đẳng, công bằng, văn minh, ở đó sẽ không có sự phân biệt đối xử "con đẻ, con nuôi", sẽ không còn đặc quyền, độc quyền.
Chỉ trong một không gian bình đẳng, công bằng như vậy, doanh nghiệp mới có điều kiện phát triển và từ đó sẽ xuất hiện những doanh nghiệp đạt tầm khu vực và thế giới. Sự bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực sẽ thúc đẩy doanh nghiệp vươn lên cạnh tranh, tiết kiệm tài nguyên, tăng năng suất lao động, giải phóng nguồn lực con người.
Nếu doanh nghiệp tư nhân được tiếp cận nguồn vốn, quỹ đất, công nghệ bình đẳng công bằng như doanh nghiệp nhà nước, tôi tin họ sẽ tạo ra những giá trị lớn hơn nhiều lần nguồn lực mà họ nhận được, qua đó đóng góp ngày càng nhiều hơn cho Nhà nước và xã hội.
Nghị quyết 41 cũng yêu cầu doanh nhân cần xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc... Doanh nhân của thời kỳ mới không để "giấc mơ con đè nát cuộc đời con", đừng dừng lại ở hưởng thụ vật chất khi đã đạt một vài thành tựu mà cần rèn đức luyện tài, nuôi khát vọng lớn, làm nên những kỳ tích kinh tế.
Tư duy của doanh nhân thời kỳ mới cần vượt ra khỏi "ao làng" để hướng ra biển lớn, tầm nhìn thị trường phải rộng lớn trong khu vực và trên thế giới chứ không chỉ quanh quẩn trong nội địa. Ra khơi, sóng lớn và đối diện với sự rợn ngợp của đại dương, nhưng nếu chịu dấn thân thì mới bắt được "cá to". Đó là trải nghiệm của tôi khi cách đây hơn 10 năm tôi đã "đánh liều" sang Mỹ đề nghị hợp tác với một số giáo sư Đại học Harvard, Viện Công nghệ Massachusetts. Nhờ sự hợp tác đó, sản phẩm của chúng tôi đã đạt đẳng cấp quốc tế, chạm được vào cảm xúc người tiêu dùng và xuất khẩu ra nhiều thị trường lớn.
Tôi kỳ vọng nếu triển khai tốt nghị quyết 41, trong vòng 3-5 năm tới chúng ta sẽ có những doanh nghiệp quốc tế, tiếp cận được khoa học công nghệ nước ngoài để tạo ra phương thức sản xuất tiến tiến. Và trong tương lai gần Việt Nam sẽ có một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Nghị quyết 41 chính là những điều mà doanh nhân cần và mong muốn bấy lâu, để từ đó tạo ra động lực mới, sinh khí mới, yêu cầu mới và sự phát triển mới.
Tác giả: Ông Nguyễn Văn Tưởng từng công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú khu vực Tây Nguyên. Sau đó, ông thành lập công ty Trầm Hương Khánh Hòa, góp công lớn đưa trầm hương Việt Nam trở thành một thương hiệu được bạn bè thế giới biết đến.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!