Khởi nghiệp không chỉ để làm giàu
Muốn đất nước giàu mạnh và thịnh vượng, thì nhất định dân phải giàu, doanh nghiệp phải lớn mạnh, phải vươn ra toàn cầu.
Thế nhưng doanh nghiệp không tự nhiên sinh ra, nó được bắt đầu bằng sự khởi nghiệp của những con người có tầm nhìn có khát vọng lớn, dám đối đầu với thách thức, khó khăn, chấp nhận rủi ro, vượt qua nỗi sợ hãi, không sợ thất bại, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Doanh nhân không những chịu trách nhiệm với chính mình mà còn chịu trách nhiệm với cả sự nghiệp và cuộc sống của nhiều người khác.
Khởi nghiệp không chỉ để kiếm tiền, để làm giàu cho cá nhân mình, càng không phải để được làm ông chủ, làm giám đốc, thoát cảnh đi làm thuê, khởi nghiệp chính là vì sự thôi thúc mạnh mẽ từ bên trong, con tim mách bảo rằng nhất định phải làm công việc ấy, bởi xã hội đang cần những sản phẩm và dịch vụ ấy, bởi sản phẩm, dịch vụ ấy mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, cho xã hội.
Cứ có một doanh nghiệp khởi nghiệp, là cộng đồng doanh nhân thêm một thành viên mới, xã hội thêm nhiều người có việc làm và cứ có một doanh nghiệp khởi nghiệp thành công thì xã hội có thêm hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn việc làm mới. Từ đó, nhà nước có nguồn thu ngân sách để có tiền tái đầu tư phát triển hạ tầng và cho phúc lợi xã hội, cho an ninh, quốc phòng, đất nước chúng ta sẽ tiến thêm một bước trên con đường thịnh vượng và văn minh.
Có một thực tế không thể phủ nhận rằng doanh nghiệp cũng như con người, cũng có sinh, có tử. Bất cứ quốc gia nào, dù hùng mạnh và giàu có đến đâu, mỗi năm cũng có khá nhiều doanh nghiệp buộc phải giã từ chốn thương trường, chính vì vậy mà việc có thêm các doanh nghiệp thành lập mới, một phần là để bù đắp cho số doanh nghiệp đã mất đi, đã rút lui khỏi thương trường, một phần là góp phần cho tăng trưởng kinh tế, tạo thêm công ăn việc làm cho xã hội.
Trong 10 chỉ số kinh tế quan trọng nhất của một quốc gia mà các cơ quan chính phủ, các quốc gia phải thống kê và công bố hàng quý, hàng năm, thì cả 3 chỉ số đầu tiên đều liên quan đến doanh nghiệp, đó là tổng sản phẩm quốc nội (GDP), việc làm (toàn xã hội có bao nhiêu việc làm, bao nhiêu việc làm mới được tạo ra, tỷ lệ thất nghiệp) và sản xuất công nghiệp.
Về bản chất thì doanh nghiệp chính là nơi trực tiếp tạo ra của cải vật chất cho xã hội và tạo ra 75% công ăn việc làm cho toàn xã hội. Điều đó chứng tỏ rằng doanh nghiệp và khởi nghiệp là vấn đề trọng tâm, là cốt lõi của bất cứ quốc gia nào, nó không những chỉ là vấn đề của doanh nghiệp, doanh nhân mà nó còn là vấn đề lớn nhất, quan trọng nhất của quốc gia.
Chính vì vậy mà khởi nghiệp không phải chỉ là câu chuyện riêng của giới doanh nhân, của riêng những con người có đam mê kinh doanh, có khát vọng làm giàu, có khát vọng làm đổi thay xã hội thông qua những sản phẩm, dịch vụ mới cùng thói quen tiêu dùng và giải trí mới mà còn là câu chuyện và mối quan tâm chung của tất cả mọi người trong xã hội, từ lãnh đạo quốc gia đến những chàng trai, cô gái trẻ vừa bắt đầu sự nghiệp của mình.
Trong cuộc đời doanh nhân của mình, tôi học hỏi được rất nhiều từ anh Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT. Anh Bình là một lãnh đạo doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng. Anh rất ít khi dùng quyền lực. Trước khi ra một quyết định, anh đều tìm sự đồng thuận, ít khi xảy ra trường hợp "các chú miễn bàn, anh quyết rồi" (điều rất phổ biến ở nhiều doanh nghiệp Việt). Anh Bình biết truyền cảm hứng và ủy quyền cho các bộ phận bên dưới để tự họ giải quyết vấn đề của mình.
Gần đây, nhiều người hay nói anh "nổ", "chém gió", nhất là khi anh Bình nói về trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn, ô tô, chuyển đổi số. Anh bỏ ngoài tai tất cả những lời ong tiếng ve, anh sang tận Nhật Bản, lên đài truyền hình NHK để nói về các vấn đề toàn cầu quan tâm. Không những thế, anh đến hầu hết những hãng công nghệ lớn nhất nước Mỹ, châu Âu…, gặp gỡ lãnh đạo cao nhất của các hãng này.
Điểm khác biệt lớn nhất của anh là anh luôn tin tưởng sâu sắc vào những điều anh "nổ" và anh dành trọn tâm huyết, thời gian, sức lực và cả tiền bạc để thực hiện đến cùng những khát vọng viển vông ấy. Không biết do may mắn, hay do ông trời thương, hay do khách hàng Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và các cộng sự tin tưởng anh mà nhiều vấn đề tưởng như viển vông, không tưởng đã thành sự thật.
Khởi nghiệp, nếu không có những giấc mơ lãng mạn và khát vọng lớn đôi khi đến viển vông, thì cùng lắm chỉ có thể tạo ra được những doanh nghiệp bình thường. Tuy nhiên nếu không có tính thực tiễn và những hành động thực tế phù hợp cho từng giai đoạn để biến giấc mơ thành sự thật thì giấc mơ và khát vọng mãi mãi là viển vông.
Nhìn ra thế giới, có hai nhà khởi nghiệp mà tôi vô cùng thích thú, khâm phục và ngưỡng mộ, đó là Henry Ford và Steve Jobs, trong đó Henry Ford là hình mẫu tuyệt vời nhất cho doanh nhân khởi nghiệp. Henry Ford là người có tinh thần khởi nghiệp mãnh liệt, có tầm nhìn và khát vọng lớn lao vượt thời đại, nhưng rất lãng mạn, ông đã đứng dậy mạnh mẽ sau 2 lần khởi nghiệp đầu thất bại, là người phát minh ra dây chuyền lắp ráp, là người mở đường cho phong trào tăng lương và giảm giờ làm cho người lao động.
Hiếm có ai có tinh thần khởi nghiệp mãnh liệt như Henry Ford. Hai lần khởi nghiệp đầu tiên thất bại, bị sa thải khỏi công ty mà mình là người sáng lập, thậm chí bị sa thải khỏi công ty mang chính tên mình (công ty Henry Ford), ông vẫn đứng dậy mạnh mẽ và thành công rực rỡ với lần khởi nghiệp thứ ba, công ty Ford Motor.
Ngay từ những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, cách đây gần 130 năm, Henry Ford đã có tầm nhìn "xe ôtô phải dành cho tất cả mọi người, vì thế giá thành nó phải rẻ", "tôi sẽ chế tạo ra chiếc ôtô dành cho đại đa số, được chế tạo bằng những vật liệu tốt nhất, giá thấp đến mức không một người đàn ông nào có lương tốt lại không thể sở hữu một chiếc" (tầm nhìn của Henry Ford lúc đó đi ngược với đa số: ôtô là công nghệ cao, sang trọng, dành cho giới nhà giàu).
Đấy là tầm nhìn rất lãng mạn, bởi ngày nay ở 3/4 các quốc gia trên thế giới chiếc xe ôtô vẫn là niềm mơ ước của số đông người lao động.
Thời điểm năm 1916, cứ 100 chiếc xe ô tô chạy trên đường thì có đến 55 chiếc là xe Ford Model T của Ford Motor.
Với giá bán chỉ 350 USD một chiếc xe Ford Model T, Henry Ford đã biến giấc mơ lãng mạn "xe ôtô là để dành cho tất cả mọi người" của ông thành sự thật.
Henry Ford cũng là người phát minh ra hệ thống dây chuyền lắp ráp ôtô, mở đầu cho giai đoạn sản xuất công nghiệp theo dây chuyền (năm 1913). Nhờ sản xuất theo dây chuyền, năng suất lao động tăng, Henry Ford đã tăng lương cho người lao động lên gấp 2 lần, đồng thời giảm giờ làm từ 9h xuống 8h một ngày. Chính vì vậy Henry Ford cũng chính là người đi tiên phong trong phong trào "làm việc ít giờ hơn, kiếm được nhiều tiền hơn" cho người lao động.
Nhân ngày doanh nhân Việt Nam, tôi mong Việt Nam sẽ ngày càng có nhiều doanh nhân lãng mạn và thực tế.
Tác giả: Ông Đỗ Cao Bảo là cử nhân Toán điều khiển, Học viện kỹ thuật quân sự; từng làm việc tại Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu và Viện Khoa học Việt Nam. Ông Bảo là một trong những thành viên sáng lập Tập đoàn FPT, hiện là Ủy viên HĐQT Công ty Cổ phần FPT.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!