Tâm điểm
Đặng Việt Trinh

Mức sinh giảm và mức lương đủ sống

Gần 30 tuổi, cũng đã đến lúc lập gia đình, sinh con như người ta vẫn thường nói "có nơi có chốn" cho ổn định, cho "bố mẹ an tâm". Nhưng rồi, tôi chần chừ. Không phải vì chưa gặp đúng người hay chưa sẵn sàng tâm lý, mà tôi muốn chắc chắn rằng khi con tôi chào đời, con sẽ có một cuộc sống đủ đầy. Không phải quá giàu có, nhưng ít nhất cũng không phải chắt chiu từng hộp sữa, loay hoay với tiền thuê nhà mỗi tháng, băn khoăn chuyện học phí mẫu giáo hay thấp thỏm khi bất chợt có khoản viện phí phát sinh…

Tôi tin tôi không phải là trường hợp cá biệt. Ở TPHCM, rất nhiều người trẻ như tôi - những công chức, viên chức, người lao động với mức lương chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống - đang đứng trước cùng một lựa chọn: kết hôn và sinh con ngay bây giờ, hay tiếp tục cố gắng thêm vài năm để có một nền tảng kinh tế vững vàng hơn?

Với chi phí sinh hoạt ngày càng cao, giá nhà đất vượt xa khả năng chi trả của một người làm công ăn lương, đặc biệt trong "làn sóng sa thải" ở nhiều doanh nghiệp thì chuyện lập gia đình và sinh con càng trở thành một quyết định cân não. Nhiều người trẻ tư duy theo hướng "phòng thủ" để duy trì cuộc sống độc thân dễ chịu, hơn là đánh cược vào một tương lai bấp bênh, nơi áp lực tài chính có thể khiến hôn nhân trở thành gánh nặng và việc nuôi dạy con cái là một hành trình đầy lo toan.

Mức sinh giảm và mức lương đủ sống - 1

Hai người trẻ tuổi trên metro số 1 ở TPHCM (Ảnh: Nam Anh).

Theo Tổng cục thống kê, kể từ năm 2009 đến năm 2022, trong suốt gần 15 năm, mức sinh của Việt Nam giữ trạng thái tương đối ổn định xung quanh mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ). Tuy nhiên, trong hai năm gần đây, 2023-2024, mức sinh Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu giảm nhanh hơn. Năm 2023, tổng tỷ suất sinh (TFR - số con đã sinh ra tính bình quân trên một phụ nữ trong suốt thời kỳ sinh đẻ) của Việt Nam là 1,96 con/phụ nữ và giảm tiếp xuống còn 1,91 con/phụ nữ vào năm 2024. Đây là mức sinh thấp nhất quan sát được từ trước đến nay.

TFR của khu vực thành thị là 1,67 con/phụ nữ, thấp hơn so với khu vực nông thôn (2,08 con/phụ nữ). Trong đó, TPHCM nơi tôi đang cư trú là địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước (1,39 con/phụ nữ).

Đây là những dấu hiệu cho thấy mức sinh của Việt Nam đang có xu hướng giảm và giảm khá nhanh. Kinh nghiệm nhiều quốc gia trên thế giới như: châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cho thấy khi mức sinh đã giảm thì khó có xu hướng tăng trở lại. Năm 2022, các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có TFR là 1,5 con/phụ nữ; Nhật Bản là 1,26 con/phụ nữ; Hàn Quốc: 0,78 con/phụ nữ.

Việt Nam đang ở trong thời kỳ già hóa nhanh do tuổi thọ người dân tăng cao và mức sinh giảm. Có thể thấy nếu chúng ta không sớm có những chính sách kịp thời, mức sinh sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo, và Việt Nam được dự báo đi vào con đường tương tự các quốc gia trong khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc - nơi già hóa dân số tạo gánh nặng rất lớn lên kinh tế, xã hội.

Thời gian gần đây, nhiều chuyên gia đã lên tiếng về việc cần thiết nghiên cứu, sớm ban hành các chính sách khuyến khích sinh phù hợp với điều kiện kinh tế và văn hóa Việt Nam để mức sinh không giảm quá nhanh khi kinh tế phát triển. Đơn cử, trong phiên thảo luận của Quốc hội về Đề án bổ sung phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân đã đề xuất chuyển từ mô hình "lương tối thiểu" sang "lương đủ sống tối thiểu" để một cặp vợ chồng đi làm đủ tiền nuôi hai con. Theo ông, Việt Nam cần thực hiện song song hai lộ trình: vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa duy trì mức sinh hợp lý để đảm bảo phát triển bền vững.

Từ góc độ một người làm công ăn lương như tôi, tiền lương dù dưới tên gọi nào, thì điều quan trọng là đảm bảo được những chi tiêu cơ bản như tiền thuê nhà, thực phẩm, y tế, giáo dục và chi phí nuôi con… Khi thu nhập hàng tháng chỉ đủ trang trải cho bản thân, tôi hiểu rằng việc lập gia đình sẽ là một thách thức lớn. Hơn nữa một người phụ nữ hiện đại thì không thể suy nghĩ dựa vào chồng mà phải độc lập về tài chính.

Theo khảo sát của Tổng cục thống kê, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2023 ở khu vực thành thị đạt 6,26 triệu đồng, cao gấp gần 1,5 lần khu vực nông thôn (4,17 triệu đồng). Dĩ nhiên đây là thu nhập bình quân, giả sử một người trẻ ở Hà Nội hay TPHCM có thu nhập gấp đôi số này là hơn 12 triệu đồng mỗi tháng thì mới đủ chi tiêu ở mức cơ bản. Cụ thể, trên diễn đàn Quốc hội, Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân đã dẫn chứng từ khảo sát tại TPHCM cho biết rằng một gia đình có hai con cần thu nhập tối thiểu 20-21 triệu đồng/tháng để duy trì cuộc sống. Tức là trung bình vợ hoặc chồng phải có thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, đồng lương cũng cần được điều chỉnh theo mức lạm phát để đảm bảo giá trị thực không bị suy giảm, bảo vệ sức mua của người lao động.

Dĩ nhiên câu chuyện tiền lương không thể chỉ nhìn vào các doanh nghiệp, nhà nước có thể đóng vai trò điều tiết bằng cách tạo ra các cơ chế khuyến khích tăng lương như ưu đãi thuế và hỗ trợ. Nhật Bản là một ví dụ điển hình khi áp dụng chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp để khuyến khích tăng lương. Các tập đoàn lớn nếu tăng lương theo yêu cầu của chính phủ có thể được giảm tới 30% thuế thu nhập, trong khi doanh nghiệp vừa và nhỏ hưởng mức ưu đãi lên đến 40%.

Các địa phương cũng cần quan tâm đến mức sinh trên địa bàn để đề ra chính sách kịp thời. Ví dụ mới đây TPHCM đã phê duyệt gói 653 tỷ đồng để miễn, giảm học phí cho toàn bộ trẻ mầm non dưới 5 tuổi và học sinh THCS, THPT từ năm học 2025 - 2026. Đây là một chính sách cụ thể trong lĩnh vực giáo dục, nhưng rõ ràng cũng sẽ có hiệu ứng tích cực về mặt dân số, khuyến khích các bạn trẻ lập gia đình, sinh con.

Như trên đã nêu, kinh nghiệm nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy khi mức sinh đã giảm thì khó có xu hướng tăng trở lại, vì vậy rất cần những sự quan tâm và giải pháp ngay khi mức sinh Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu giảm.

Tác giả: Chị Đặng Việt Trinh là cây bút trẻ có nhiều bài đăng ở các tờ báo, tạp chí trong nước; hiện là chuyên viên truyền thông trong lĩnh vực bất động sản và giáo dục.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!