Tâm điểm
Quan Thế Dân

Sinh con thứ ba

Thông tin về việc cho phép sinh con thứ ba hay nói chính xác là "không xử lý kỷ luật trường hợp sinh con thứ ba trở lên" đã được thông báo rộng rãi. Thế là trong một thời gian chưa phải quá dài, chúng ta đã được chứng kiến sự đổi chiều của chính sách. Theo dõi lịch sử câu chuyện cũng có nhiều điều lý thú.

Khi còn đi học, khoảng thập niên 60 của thế kỷ trước, chúng tôi thường nghe các thầy cô phê phán học thuyết Man Tuýt (Malthus). Chúng tôi được biết về học thuyết này (theo lời thầy cô) đại ý như sau: số lượng người sinh ra sẽ tăng theo cấp số nhân, còn của cải trong xã hội tăng theo cấp số cộng, đến một lúc nào đó sẽ dư thừa nhân khẩu, không đủ lương thực để nuôi, dẫn đến đói nghèo. Xã hội loài người sẽ tự điều chỉnh bằng chiến tranh, dịch bệnh để giảm dân số xuống.

Bọn trẻ non nớt chúng tôi chỉ biết há mồm ngồi nghe các thầy cô kết luận rằng "bọn tư bản" đã nghĩ ra học thuyết để biện hộ cho chiến tranh của chúng, các em phải phản đối học thuyết đó.

Sinh con thứ ba - 1

Việt Nam bước vào thời kỳ "dân số vàng" từ 2007, nhưng cũng tiến rất nhanh vào giai đoạn dân số già (Ảnh minh họa: CV)

Tuy nhiên ngoài xã hội thì tôi chứng kiến hình như cái học thuyết ấy lại đang được ứng dụng rộng rãi. Đó là phong trào "sinh đẻ có kế hoạch". Bắt đầu từ những năm 1960, rồi lên đến cao trào vào những năm 1980, phong trào sinh đẻ có kế hoạch phát triển rất rầm rộ, lại đang sử dụng chính học thuyết của Man Tuýt kia. Các cán bộ phụ trách sinh đẻ có kế hoạch giải thích rằng, con người tăng theo cấp số nhân, còn của cải chỉ tăng theo cấp số cộng, nên sinh ra nghèo đói. Muốn chấm dứt đói nghèo phải sinh đẻ có kế hoạch.

Các cán bộ còn viện dẫn ra nhiều ví dụ sinh động như các nước châu Âu đẻ ít, mỗi nhà chỉ có 1 - 2 con đời sống sung túc, còn các nước châu Á sinh đẻ nhiều nên chìm trong đói nghèo. Ngay trong xã hội cũng thấy thực tế như thế, nhà nào đông con, lít nhít 5 - 7 đứa thì nghèo, còn nhà nào ít con hơn thì chăm sóc tốt hơn.

Sau này khi đã lớn và học y khoa, tôi có dịp tìm hiểu tài liệu thì được biết, Thomas Robert Malthus (1766 - 1834) là một nhà nhân khẩu học, nhà kinh tế học người Anh. Ông là một trong những đại biểu của kinh tế học cổ điển. Malthus có nhiều đóng góp vào các học thuyết kinh tế và các đóng góp vào lĩnh vực dân số, đặc biệt là vấn đề sự gia tăng dân số thông qua mô hình phát triển Malthus của ông.

Lý thuyết của Malthus chỉ ra nguyên nhân của nghèo đói bằng một tỷ lệ đơn giản giữa tốc độ tăng trưởng dân số với tốc độ tăng trưởng của cải - tương ứng với mức sống tối thiểu. Nội dung chính được thể hiện như sau: Trong điều kiện thuận lợi, dân số nếu tăng theo cấp số nhân sẽ đạt số lượng gấp đôi sau 20-25 năm, còn sản xuất thực phẩm và đồ tiêu dùng cần thiết chỉ tăng theo cấp số cộng. Khi đó, do bùng nổ dân số, nghèo đói sẽ đe dọa vận mệnh toàn nhân loại. Về mặt này Malthus chịu ảnh hưởng của lý thuyết phổ biến thời bấy giờ - quy luật giảm dần sự màu mỡ của đất. 

Nói một cách công bằng, Malthus không cổ vũ chiến tranh, ông chỉ đưa ra quan sát thực tế và cảnh báo nguy cơ của bùng nổ dân số tới tương lai nhân loại. Mặc dù ông không để ý tới sự điều chỉnh dân số qua việc sử dụng các dụng cụ tránh thai, nhưng gợi ý về một biện pháp như vậy là kết quả tự nhiên có được từ các ý tưởng của ông. Người đầu tiên tuyên truyền sử dụng rộng rãi các dụng cụ tránh thai để tránh sự bùng nổ dân số là Francis Place, khi đọc thuyết của Malthus, Place đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ và ông đã viết một quyển sách về các biện pháp tránh thai năm 1822.

Nhận thức giảm tỷ lệ sinh đẻ để chống đói nghèo là tư duy chung của thế giới trong thời gian đó. Tất cả các nước ở mức độ khác nhau đều can thiệp vào mức độ tăng dân số bằng các biện pháp hạn chế sinh sản. Mạnh mẽ nhất là Trung Quốc, quy định cứng là mỗi cặp vợ chồng chỉ được sinh một con.

Việt Nam thì có khẩu hiệu "dừng lại ở 2 con để xây dựng gia đình hạnh phúc". Chỉ tiêu mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 2 con được quy định cứng ở khối cán bộ, công chức, viên chức, còn với dân thường thì tùy địa phương, sinh con thứ ba có thể bị phạt ở mức nào đó.

Tác động của phong trào kiểm soát mức sinh đã có kết quả rõ rệt trên toàn thế giới. Theo nghiên cứu của Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) được công bố trên tạp chí Lancet, tỷ lệ sinh trên toàn cầu đã giảm từ 4,84 năm 1950 xuống 2,23 vào năm 2021 và sẽ tiếp tục giảm xuống 1,59 vào năm 2100.

Ở Việt Nam năm 1961 bình quân một người phụ nữ có 6,3 con, năm 1975 còn 5,1 con. Bắt đầu từ năm 1975 thực hiện chính sách phạt khi sinh con thứ 3 thì số sinh đẻ của người mẹ giảm nhanh, đạt mức sinh thay thế là trung bình mỗi người mẹ sinh 2 - 2,1 con vào năm 2006. Mức tăng dân số toàn quốc giảm từ 3,8% năm 1960 còn 1,14% vào giai đoạn 2011 - 2019.

Việt Nam bước vào thời kỳ "dân số vàng" từ 2007, nhưng cũng tiến rất nhanh vào giai đoạn dân số già. Dự báo đến năm 2038, nghĩa là chỉ còn hơn 10 năm nữa, nước ta sẽ bước vào thời kỳ dân số già, tức là cứ 5 người dân thì có một người trên 60 tuổi.

Sau khi thực hiện chính sách kiểm soát sinh đẻ, người ta mới nhận thấy mặt trái của nó. Đó là tình trạng già hóa dân số. Khi thực hiện chính sách hạn chế sinh đẻ, mức độ tăng dân số chậm lại rồi đứng yên trước khi đi vào giai đoạn giảm dân số, trong khi đó tuổi thọ người dân tăng lên, dẫn đến tình trạng già hóa dân số, số người già trong xã hội nhiều hơn số thanh niên.

Đến lúc này người ta mới nhận ra tăng dân số không chỉ là mối nguy hại, mà còn là mối lợi. 

Các quốc gia bước vào giai đoạn già hóa chứng kiến nền kinh tế trì trệ, tiêu tốn nhiều cho phúc lợi xã hội trong khi lực lượng trực tiếp tham gia lao động ngày càng giảm. Trung Quốc chứng kiến nỗi khổ của chính sách một con nhiều năm, khi giờ đây một người con phải chăm sóc hai người già là bố và mẹ. Nước Nga cũng đang chứng kiến sự suy giảm dân số, 150 triệu dân cho một lãnh thổ rộng lớn.

Một quốc gia được coi là già hóa dân số khi tỷ lệ người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) chiếm 10% tổng số dân số hoặc tỷ lệ người trên 65 tuổi trở lên chiếm 7% tổng số dân. Nếu tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm trên 20% tổng số dân hoặc tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm 14% tổng dân số thì quốc gia đó được gọi là dân số già. Khi dân số già hóa, chi phí xã hội, y tế và an sinh tăng lên rất nhiều, thiếu hụt lao động, nguồn lực kinh tế xã hội sụt giảm.

Các thành tích về giảm sinh của giai đoạn trước lại trở thành nguy cơ làm cho dân số già hóa nhanh của giai đoạn sau. Ở các nước khác, từ giai đoạn dân số già hóa cho đến khi chuyển sang giai đoạn dân số già phải mất 60 - 70 năm, nhưng ở Việt Nam, giai đoạn này đến rất nhanh, chỉ có 20 năm, do chúng ta đã giảm sinh mạnh trong giai đoạn trước. Nguy cơ sẽ là một xã hội "già mà chưa kịp giàu", rất khó khăn trong việc bảo đảm an sinh xã hội.

Nhiều chuyên gia đã lo ngại về tình trạng này và kêu gọi nới lỏng việc hạn chế sinh sản. Tuy nhiên từ năm 2022 trở lại đây số sinh tiếp tục giảm. Đỉnh điểm là năm 2024, tỷ lệ sinh còn 1,91 con cho một phụ nữ, bất kể đây là năm đẹp theo truyền thống.

Thật là một nghịch lý khi hiện nay đời sống kinh tế xã hội đã tốt hơn trước, điều kiện để chăm sóc bà mẹ và trẻ em đã cải thiện rất nhiều, thì số trẻ sinh ra lại giảm xuống. Để giải thích cho hiện tượng này, các nhà nghiên cứu viện dẫn đến quyền bình đẳng nam nữ, chi phí chăm sóc trẻ cao, tình trạng cạnh tranh trên thị trường lao động, sự thiếu vắng các chính sách hỗ trợ… Nhưng không thể không nhắc đến là việc chậm chuyển biến chính sách về dân số và kế hoạch hóa gia đình.

Mới đây thôi chúng ta còn tuyên truyền về chính sách mỗi gia đình chỉ có hai con. Điều này đã ăn sâu vào nhận thức của một vài thế hệ. Các phương tiện thông tin tuyên truyền ở nhiều nơi vẫn còn y nguyên những áp phích khuyến cáo chỉ sinh hai con. Các nguy cơ của già hóa dân số chưa được phổ biến.

Vì thế các thay đổi về chính sách dân số cần được truyền thông rộng rãi để người dân biết và hưởng ứng.

Như vậy, ta thấy từ khởi đầu là lý thuyết của Malthus về dân số ảnh hưởng tới kinh tế, đến nay gần 200 năm trôi qua, nhận thức của xã hội về quy mô dân số liên quan đến kinh tế đã có nhiều phát triển. Tuy nhiên không ai có thể dám nói chắc là chúng ta đã biết tất cả. Vì thế tốt nhất vẫn là mỗi gia đình tự quyết định số con của mình, có tham khảo thêm định hướng của xã hội, tránh các biện pháp cực đoan như đã làm trong quá khứ.

Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!