Bỏ quy định lương tối thiểu, chuyển xây dựng lương đủ sống được không?

Hoa Lê

(Dân trí) - Các chuyên gia khuyến cáo công cụ "lương tối thiểu" chưa đủ để điều tiết thị trường. Khái niệm "lương đủ sống" sẽ hướng người lao động tới việc thương lượng tiền lương dựa trên giá cả, sức lao động.

Trong phiên thảo luận của Quốc hội về Đề án bổ sung phát triển kinh tế xã hội năm 2025, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần có lộ trình chuyển từ lương tối thiểu sang lương đủ sống tối thiểu.

Ông Nhân dẫn chứng hiện nay, lương tối thiểu vùng 1 khoảng 5 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, để một gia đình có hai người lao động nuôi được hai con, thu nhập cần đạt khoảng 21 triệu đồng/tháng. Điều này có nghĩa là lương đủ sống phải ở mức 10,5 triệu đồng/người/tháng.

Chênh nhau rõ rệt giữa hai mức lương

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, mức lương tối thiểu khác với mức lương đủ sống.

Cụ thể, theo quy định của Bộ luật Lao động, mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất trả cho người lao động làm việc trong điều kiện bình thường, đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

"Đây là sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động yếu thế, đồng thời đây cũng là cơ sở để thương lượng tiền lương", ông Quảng cho hay.

Là thành viên của Hội đồng Tiền lương Quốc gia nhiều năm, Phó trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động nhận thấy, tiền lương tối thiểu chỉ là mức thấp nhất bảo vệ lao động yếu thế.

Bỏ quy định lương tối thiểu, chuyển xây dựng lương đủ sống được không? - 1

Tiền lương tối thiểu chỉ là mức thấp nhất bảo vệ lao động yếu thế (Ảnh minh họa: Sơn Nguyễn).

Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên 7 yếu tố: Mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Trong kết cấu của tiền lương này bao gồm quy định về lương thực thực phẩm chỉ đảm bảo 2.300kcal/ngày... chưa tính đến những rủi ro, khoản tích trữ cho người lao động.

Trong khi đó, theo ông Quảng, mức lương đủ sống có thể hiểu là tiền lương đảm bảo cuộc sống cho một người lao động làm việc trong điều kiện bình thường (8 giờ/ngày, 48 giờ/tuần), đảm bảo 1 cuộc sống bình thường, nghĩa là có một cuộc sống đàng hoàng hơn.

Mức lương này bao gồm ăn đủ dinh dưỡng; chi phí phi lương thực đảm bảo học hành, giao tiếp xã hội, thậm chí đảm bảo có tích lũy để xử lý trong trường hợp rủi ro.

Ông Quảng nêu ví dụ về khảo sát mức lương đủ sống của sàn tiền lương tối thiểu năm 2018 cho ngành dệt may ở TPHCM gần 9 triệu đồng/người/tháng.

Trong khi đó, tiền lương tối thiểu vùng 1 của năm đó tại thành phố này là 3,98 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức lương đủ sống cao hơn nhiều lần tiền lương tối thiểu vùng.

Chưa thể bỏ được lương tối thiểu

Theo quan sát, ông Quảng cho biết, hiện nay khá nhiều ngành đã tiệm cận được với mức lương đủ sống. Tuy nhiên vị này nói thêm, hướng tới lương đủ sống là chưa đủ.

Người lao động cần hướng đến việc thương lượng tiền lương dựa trên giá cả, sức lao động, thỏa thuận tiền lương giữa lao động với chủ sử dụng. Lao động có tay nghề, có kỹ thuật sẽ làm được điều này.

Bỏ quy định lương tối thiểu, chuyển xây dựng lương đủ sống được không? - 2

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Tiền lương tối thiểu đã được áp dụng ở Việt Nam được 12 năm. Tuy nhiên, Phó trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động khẳng định vẫn chưa thể bỏ mức lương này bởi quan hệ lao động, cũng như việc thương lượng tiền lương theo cơ chế thị trường của Việt Nam chưa tốt, chưa triệt để.

"Tới đây, Việt Nam cần hướng tới việc thỏa thuận tiền lương. Tuy nhiên, hiện nay do việc thương lượng của chúng ta yếu nên buộc phải duy trì Hội đồng tiền lương để đàm phán tăng lương tối thiểu vùng hàng năm", ông Quảng nhấn mạnh.

Liên quan đến thời điểm đề xuất lương tối thiểu vùng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổng hợp tình hình việc làm, thu nhập để phục vụ cho việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên, việc điều chỉnh lương tối thiểu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, có những yếu tố chuyên sâu.

Trước mắt, ông Quảng muốn đề xuất Hội đồng Tiền lương Quốc gia sớm nhóm họp và có các phương án đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu vùng.