Tâm điểm
Bùi Minh Đức

Đằng sau lối sống "hai thu nhập, không con cái"

Hai vợ chồng người bạn tôi đều là giảng viên đại học, thu nhập ở mức khá so với mặt bằng chung. Gia đình hai bên cũng có điều kiện để sắm sửa cho họ một căn nhà ở Hà Nội. Cưới nhau được gần 2 năm, hai người vẫn chưa có ý định có con. Hai năm sau khi kết hôn mà chưa có con không phải một điều quá lạ lẫm, nhưng kể cả khi hỏi về dự định sinh con của hai người - phải thực sự thân tôi mới dám hỏi, bạn tôi nói vẫn chưa nghĩ tới.

Những người độc thân lựa chọn không kết hôn và không có con có thể là điều dễ hiểu, nhưng giờ đây nhiều cặp vợ chồng cũng lựa chọn không có con, dù đã kết hôn được vài năm. Nhóm người như vậy được gọi bằng một từ viết tắt tiếng Anh "DINKs" (Dual income, no kids" - hai thu nhập, không con cái).

Hiện không có thống kê về các gia đình trẻ chọn chưa hoặc không sinh con tại Việt Nam. Còn tại Mỹ, theo một số thống kê thì trên dưới 20% dân số trưởng thành chủ động chọn không có con. Đây là một tỷ lệ khá cao với đất nước hơn 300 triệu dân như Mỹ.

Đằng sau lối sống hai thu nhập, không con cái - 1

Dân số là một bài toán dài hạn, nếu không giải quyết ở hiện tại, các quốc gia sẽ không kịp trở tay trong tương lai (Ảnh minh họa: CV)

Khảo sát tại Mỹ còn cho thấy khoảng 1/2 các cặp đôi không có con cái vì không muốn có con, 25% cho biết họ dự định sẽ có con sớm và 23% nói họ sẽ muốn có con vào một thời điểm cụ thể trong tương lai. Lý do lớn nhất để các cặp đôi lựa chọn không có con là tự do tài chính (33%), bên cạnh những lý do như cuộc sống tự do thoải mái không ràng buộc.

Đọc một số bài viết về các cặp đôi không có con ở Việt Nam cũng như lắng nghe chia sẻ từ bạn bè, tôi nhận thấy những lý do tương đồng, dù ở Mỹ hay ở Việt Nam: Kết hôn vì muốn gắn kết với người mình thương chứ không phải vì mục tiêu có con; những áp lực tài chính từ việc có con khi chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ; lo lắng cho tương lai của con trẻ trong một tương lai biến động.

Đằng sau lối sống đang được nhiều người trẻ lựa chọn là nỗi lo của không ít quốc gia trên thế giới từ Mỹ tới Hàn Quốc, và ngay cả Việt Nam, khi tỷ lệ sinh tại nhiều nước đã chạm ngưỡng thấp đáng báo động. Tỷ lệ sinh ở Việt Nam đang chứng kiến xu hướng đi xuống (năm 2023 ước tính là 1,96 con/phụ nữ, thấp nhất trong lịch sử và dự báo tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo), gây ra nhiều tác động tới tình hình kinh tế xã hội.

Dân số là một bài toán dài hạn, nếu không giải quyết ở hiện tại, các quốc gia sẽ không kịp trở tay trong tương lai. 

Tại Việt Nam, năm 2024 đã là năm thứ 5 thực hiện Chiến lược dân số Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030. Công tác dân số đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Ba vấn đề chính thường được nêu ra là tỷ lệ sinh thấp, tỷ lệ chênh lệch giới tính vẫn ở mức cao và tốc độ già hóa dân số nhanh.

Là một người trẻ trong độ tuổi kết hôn và sinh con, và là một người làm nghiên cứu truyền thông, tôi nhận thấy vấn đề cần giải quyết không chỉ nằm ở các chính sách mà còn nằm ở cách truyền tải thông điệp đến người dân.

Trên khía cạnh chính sách, các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều giải pháp, bao gồm giảm áp lực tài chính đa chiều lên các cặp đôi khi kết hôn, từ những chính sách cụ thể như hỗ trợ học phí cho trẻ nhỏ, tăng thời gian nghỉ thai sản cho đến những chính sách vĩ mô như kiềm chế lạm phát, kiểm soát giá đất đai.

Tôi có những người bạn không muốn kết hôn hay có con chỉ vì đơn giản họ biết sẽ không bao giờ mua được nhà đất ở thành phố, và việc phải để lũ trẻ sinh ra trong những ngôi nhà đi thuê, nay đây mai đó là một điều không đành. Muốn khuyến khích phụ nữ sinh con nhưng nhiều công ty không muốn nhận phụ nữ đang mang thai làm việc, cắt giảm các chính sách thai sản…. thì làm sao được? Đây không phải là những câu chuyện quá lạ lẫm ở nhiều công ty trong nước. Việc có con của các cặp đôi nhiều khi như một cuộc đua vượt chướng ngại vật, đặc biệt với phụ nữ, cứ vượt qua được một rào cản này lại có thêm một rào cản khác. 

Cách đây vài hôm, khi đọc được thông tin khuyến khích các gia đình sinh đủ 2 con trước tuổi 35 với mức thưởng 3 triệu đồng, tôi thầm nghĩ thưởng là tốt rồi nhưng 3 triệu đồng sẽ giải quyết được điều gì cho một cặp đôi có con? Một tháng học phí? Một vài tháng tiền sữa bỉm?

Những điều tôi nêu ở trên không mới, nhưng có lẽ chưa bao giờ cũ để nhắc lại trong câu chuyện không kết hôn - không sinh con. Giờ hãy nói về câu chuyện thông điệp. Để khuyến khích phụ nữ sinh con đòi hỏi một chiến lược truyền thông quy mô tầm cỡ quốc gia, ví dụ như năm 2024 là năm Rồng và nhiều nước đưa ra thông điệp thúc đẩy sinh con trong năm Rồng để đem lại may mắn, trẻ lớn lên sẽ thành công. Nếu thông điệp truyền thông về sinh con mãi chỉ xoáy vào câu chuyện "lợi ích chung cho toàn xã hội", nhiều người trẻ sẽ thấy xa lạ khi điều họ cần giải quyết là những lợi ích hay khó khăn trước mắt khi có con. Hoặc họ sẽ đặt câu hỏi "tại sao họ phải là người có con để xã hội ổn định trong khi người độc thân không có trách nhiệm?".

Muốn các cặp đôi kết hôn, có con, thông điệp về giá trị của việc kết hôn và có con phải thực sự sát sườn với họ: Có con mang lại những niềm vui tinh thần và ý nghĩa cho cuộc sống, có con để đỡ đần khi về già, có con sẽ được hưởng những ưu đãi về thuế, về học phí….

Tháng 12 hàng năm được chọn là "Tháng hành động quốc gia về dân số". Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam (26/12) năm 2024 có chủ đề "Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc". Như bao người Việt Nam, tôi mong muốn "chất lượng dân số được nâng cao" và "đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc" nhưng hai điều trên cần phải cùng được thúc đẩy; lợi ích của các gia đình khi sinh con cần được đảm bảo song hành cùng tốc độ tăng trưởng dân số ổn định.

Tác giả: Bùi Minh Đức tốt nghiệp Thạc sĩ Truyền thông từ đại học Clark, Mỹ; hiện đang là quản lý truyền thông cho một công ty công nghệ đồng thời là giảng viên đại học. Anh cũng là tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách xuất bản tại Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!