Lửa giận trên vô lăng
Cuối chiều ngày 25/6, tại km25+040 cao tốc Nội Bài - Lào Cai, thông qua camera giám sát, cơ quan cảnh sát giao thông phát hiện ôtô biển số 30F-420.xx, xe tải biển số 30K-95.xx và xe tải biển số 29H-320.xx có dấu hiệu chèn ép nhau trên đường cao tốc (hướng Lào Cai đi Hà Nội), gây mất trật tự an toàn giao thông.
Mâu thuẫn xuất phát từ việc 2 xe tải 30K-95.xx và 29H-320.xx đi lấy sắt vụn tại Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Bắc Á do anh N.T.T. (người điều khiển ô tô con) làm chủ. Hai xe tải sau khi lấy hàng thì bỏ chạy để tránh sự kiểm tra của nhân viên công ty. Anh T. sau khi gọi điện báo công an xã đã lấy ôtô con để đuổi theo 2 xe tải trên, tiếp đó là vượt lên trước 2 xe tải trên cao tốc để yêu cầu 2 tài xế quay về làm việc.
Nội tình vụ lấy hàng rồi bỏ chạy của tài xế 2 xe tải còn chờ làm rõ, nhưng vi phạm của anh T. khi tham gia giao thông thì khó chối cãi được. Ngày 27/6, anh N.T.T. bị Công an tỉnh Vĩnh Phúc khởi tố về tội Gây rối trật tự công cộng, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm xuất cảnh và cấm đi khỏi nơi cư trú để tiếp tục điều tra.
Vụ việc trên chỉ là một trong vô vàn ví dụ minh họa sống động về văn hóa giao thông ở nước ta. Tài xế N.T.T., vì mâu thuẫn kinh doanh, đã biến chiếc ôtô thành “vũ khí”, lạng lách, chèn ép hai xe tải để buộc phương tiện dừng lại. Hành động ấy không khác gì một đấu sĩ mù quáng coi con đường như đấu trường của mình, dùng tốc độ và bánh xe hòng khuất phục đối thủ, bất chấp nguy cơ tai nạn chết người.

Hình ảnh 3 ô tô chèn ép nhau trên đường cao tốc (Ảnh: Cắt từ clip).
Điều đáng nói, đây không phải câu chuyện đơn lẻ. Ở bất kỳ con đường nào trên các phố phường, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những chiếc xe máy bốc đầu vượt ẩu, những chiếc ôtô cố tình chạy song song để ngăn xe khác vượt mặt, hay tiếng còi inh ỏi, đèn pha chiếu thẳng vào mắt đối phương như lời tuyên chiến khi ai đó bị “cướp” làn đường.
Tâm lý hơn - thua khi tham gia giao thông, dù là xuất phát từ bất cứ nguyên do nào, cũng có thể ví như ngọn lửa bùng cháy phía sau vô lăng, nguy cơ thiêu rụi sự an toàn và văn minh trên đường phố. Lúc này, đường phố bị biến thành chiến trường, nơi sự kiên nhẫn bị xem là yếu đuối, còn sự liều lĩnh được ngầm tôn vinh.
Tâm lý hơn - thua không tự nhiên có, mà là kết quả của một lò lửa nhen nhóm từ nhiều yếu tố.
Trước hết, văn hóa cạnh tranh trong xã hội đôi khi bị bóp méo, khiến một số người xem việc vượt qua người khác trên đường là cách khẳng định bản thân, như thể chiếc xe là biểu tượng của cái tôi.
Thêm vào đó, sự thiếu hụt trong giáo dục về việc tham gia giao thông đã để lại những khoảng trống nguy hiểm. Nhiều tài xế, dù có bằng lái, lại thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc hay hiểu biết đầy đủ về hậu quả của hành vi mình gây ra. Vụ việc kể trên là minh chứng: tài xế N.T.T. có lẽ không lường trước rằng hành động của mình không chỉ vi phạm luật giao thông mà còn dẫn đến bị khởi tố hình sự.
Sự căng thẳng trong mỗi cá nhân cũng là que diêm châm ngòi ngọn lửa vốn âm ỉ. Trong nhịp sống hối hả, áp lực từ công việc, mâu thuẫn đời thường dễ khiến tài xế “trút giận” lên vô lăng.
Hạ tầng giao thông chật chội, phương tiện đông đúc ở các đô thị lớn như Hà Nội hay TPHCM… càng đổ thêm dầu vào lửa, khiến sự kiên nhẫn trở thành xa xỉ. Chiếc xe máy vượt qua ở ngã tư, hay một ôtô chen ngang trên cao tốc cũng dễ làm ngọn lửa hơn thua bùng lên, đẩy tài xế vào những quyết định bốc đồng, nguy hiểm.
Tâm lý hơn - thua không chỉ là một cơn nóng giận thoáng qua mà từ đó có thể tạo nên đám cháy thiêu rụi an toàn, trật tự và cả nhân tính. Tai nạn giao thông – hậu quả trực tiếp nhất – là cái giá đắt mà xã hội phải trả. Hàng nghìn vụ tai nạn mỗi năm có nguyên nhân từ các hành vi như chạy quá tốc độ, lạng lách hay không giữ khoảng cách an toàn, trong đó tâm lý hơn thua đóng vai trò không nhỏ. Vụ việc ở cao tốc Nội Bài - Lào Cai, may mắn không gây tai nạn, nhưng vẫn dẫn đến khởi tố tài xế với tội “Gây rối trật tự công cộng” – một lời cảnh tỉnh rằng, hành vi bốc đồng có thể đẩy con người vào vòng lao lý.
Hơn thế, tâm lý này còn làm xói mòn văn hóa giao thông. Mỗi lần tài xế bấm còi inh ỏi hay lạng lách để “dằn mặt” đối phương là một lần ảnh hưởng đến niềm tin vào sự an toàn trên đường phố. Đường phố trong những tình huống này bỗng dưng không còn là không gian chung để di chuyển, mà trở thành nơi phô diễn cái tôi, nơi sự hung hăng lấn át văn minh ứng xử.
Để dập tắt ngọn lửa hơn thua trên những cung đường, trước hết, giáo dục giao thông phải được xem là liều “thuốc giải”. Các chương trình đào tạo lái xe cần vượt qua việc chỉ dạy kỹ thuật đơn thuần, hơn thế phải nhấn mạnh đến kỹ năng kiểm soát cảm xúc, ý thức nhường nhịn và lưu ý tới hậu quả của những hành vi nguy hiểm.
Thậm chí, cơ quan hữu quan nên có các chiến dịch truyền thông để lan tỏa thông điệp, rằng nhường đường không phải là thua cuộc, là chịu lép vế, là khuất phục mà chính là chiến thắng cho an toàn chung.
Điều quan trọng là Nhà nước cần cải thiện yếu tố căn cơ, chính là hạ tầng giao thông từ mở rộng đường, cải thiện biển báo đến giảm ùn tắc. Đây chính là nền tảng để làm dịu đi áp lực, giúp tài xế bớt bị kích động.
Cuối cùng, mỗi tài xế cần tự mình kiểm soát tốt cảm xúc bản thân, dập tắt kịp thời cơn nóng giận. Trên đường, không có kẻ thắng người thua, chỉ có những hành trình an toàn hoặc những nạn nhân của sự bất cẩn. Một khoảnh khắc kiềm chế có thể cứu vãn không chỉ một chuyến đi, mà cả một (và nhiều hơn một) mạng sống!
Tác giả: Nhà báo Phạm Trung Tuyến hiện là Phó giám đốc kênh radio Giao thông quốc gia 91 Mhz của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!