Vô cảm hay là phòng thủ?

Bích Diệp

(Dân trí) - Bị "làm ngơ" sau cú ngã, thanh niên nhận cái chết quá thương tâm - vụ việc xảy ra tại Bình Dương đêm ngày 11/12 để lại xót xa và day dứt cho biết bao người.

Vô cảm hay là phòng thủ? - 1

Với quy định tại Nghị định 100 năm 2019 và Điều 132 Bộ luật Hình sự năm 2015, "tội vô cảm" chẳng những bị phạt tiền mà còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự (phạt tù).

Nghĩa là ngoài bản án lương tâm, những người làm ngơ khi gặp người tai nạn giao thông còn phải đối mặt với án phạt của luật pháp. Vậy mà vì sao vẫn còn những sự vô cảm như vậy? Luật pháp có "chữa" được vô cảm hay không?

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM) khi trao đổi trên Dân Trí ngày 15/12 đã rất chân thành khi nói: "Chính bản thân tôi cũng có lúc đã tự hỏi, bây giờ ra đường gặp chuyện mình có dám nhúng tay vào không?".

Câu hỏi này không chỉ bà Thúy, mà hẳn cũng đã xuất hiện ở nhiều độc giả.

Nguyên nhân đúng như vị chuyên gia xã hội học đã chỉ ra đó là: "Khi nhiều vụ việc "làm phúc phải tội" xảy ra, sự vô cảm không còn không xa lạ; trước mỗi việc tốt người ta sẽ cân nhắc, tính toán nhiều hơn đến hậu quả có thể xảy ra với mình".

Câu chuyện 8 năm trước về cậu bé Đỗ Quang Thiện (học sinh lớp 12A2 trường THPT Buôn Mê Thuột, Đăk Lăk) bị áp giải ngay tại trường học rồi nhận án tù sau khi đưa một cụ ông bị đột quỵ vào viện đã gây sốc và khiến dư luận bất bình một thời gian dài.

"Lúc đưa ông đi viện, em chỉ nghĩ là phải cứu ông vì thấy ông bất tỉnh như vậy, em không nghĩ được rằng mọi thứ lại thành ra thế này…", Thiện nói. Tuy vậy, cậu bé ấy vẫn trả lời câu hỏi "Sau này khi chạy xe trên đường, nếu thấy người không may đột quỵ, liệu có đưa họ đi cấp cứu không" một cách rất quả quyết rằng: "… nghĩ mãi cháu vẫn thấy, vì trách nhiệm và lương tâm, lỡ rơi vào trường hợp như vậy nữa, cháu không thể nào hành xử khác đi".

Mới cách đây 3 năm, một trường hợp khác cũng vô cùng xót xa, ngày 11/2, anh Nguyễn Hải Sơn (35 tuổi, thường trú huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đi trên đường thuộc địa phận phố Trẹm, xã Trạm Lộ, huyện Thuận Thành thì gặp một vụ tai nạn giao thông, cô gái đi xe máy đâm vào đuôi xe taxi rồi ngã ra đường và bất tỉnh.

Anh Sơn đã chủ động đưa nạn nhân bị tai nạn giao thông đi cấp cứu. Tuy nhiên, trong khi làm thủ tục nhập viện cho cô gái bị nạn, anh bất ngờ bị một đối tượng đâm vào lưng trọng thương rồi bỏ trốn. Kẻ thủ ác sau đó đã bị bắt, nhưng sự việc vẫn không khỏi khiến người ta cảm thấy rùng mình, ớn lạnh.

Nhiều sự việc khó tin khác cũng đã được báo đài, truyền thông phản ánh, rằng "Lục Vân Tiên" khi cứu người gặp nạn, chẳng những không được báo ân mà còn bị người nhà đánh đập, làm khó, bị vu oan là người gây tai nạn.

Phải chăng chính bởi không thiếu những tình huống "làm ơn mắc oán", thậm chí là… "mắc án" nói trên mà nhiều người đã từ chối cơ hội để trở thành "người tốt". Sự lương thiện, lòng trắc ẩn bị thế chỗ bởi tính "phòng thủ" và tâm lý ngờ vực.

Không đến nỗi vô tâm như việc bỏ đi khi thấy người gặp tai nạn giao thông, hiện nay, với tình trạng "chăn dắt", "bảo kê" đối với người tàn tật, trẻ em ăn xin trở nên quá phổ biến, nhiều người cũng đã chọn giải pháp làm ngơ.

Điều gì đang dần "triệt tiêu" tinh thần trượng nghĩa trong mỗi con người, khiến người ta trở nên nhỏ nhen, tính toán hơn?

Đến nỗi mà có một bộ phận người dân chẳng những không có động lực làm việc tốt, mà thấy người khác làm điều tốt, điều thiện thì chưa suy xét đã chê cười, quy kết có "dắt mũi", lừa gạt, có tiêu cực.

Ta nên buồn, nên chê trách hay lên án ai khi mà chính bản thân chúng ta cũng có lúc đứng trước những sự đấu tranh và dằn vặt ấy? Để rồi, làm người tốt cũng phải học kỹ năng (quay phim, gọi 113, 115)…

Nếu xã hội không có lừa lọc, người với người tin vào nhau hơn, nếu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc, răn đe những vụ gài bẫy, dàn dựng cướp giật, nếu việc "suy đoán vô tội" được các cơ quan tư pháp áp dụng triệt để… hẳn con người ta sẽ không phải vật vã, khổ sở để được "tốt" một cách vô tư như vậy.