Làm gì để thoát cảnh "sống trong bụi mịn"?
Trong công việc của một chuyên gia địa kỹ thuật, tôi thường xuyên tiếp xúc với bụi đất, đặc biệt là bụi xi măng có kích thước trung bình khoảng 0,04 mm. Ngoài ra, ở Dubai - nơi tôi đang cư trú hiện nay, tôi cũng thường xuyên gặp vấn đề "bụi tự nhiên" từ sa mạc.
Bầu trời Dubai khá mờ vì bụi. Loại bụi này dễ lắng xuống. Xe tôi, dù để trong nhà có mái che hay ở tầng hầm, sau một hai ngày vẫn bị phủ kín bởi lớp bụi mờ. Bụi sa mạc nói chung có ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng do lắng xuống nhanh và không tồn tại lâu trong không khí, tác động của nó ít nghiêm trọng hơn bụi mịn. Các biện pháp đơn giản như đeo khẩu trang (nếu cần) có thể giảm thiểu tác hại và không gây khó chịu.
Tôi quan sát thấy mọi người ở Hà Nội và TPHCM khi ra đường đều có thói quen đeo khẩu trang, song với bụi mịn thì khẩu trang chỉ có tác dụng phần nào.
Như một quy luật, bụi sinh ra từ các hoạt động của con người. Khi dân số và phương tiện giao thông cá nhân tăng, lượng bụi cũng tăng tỷ lệ thuận.
Bụi trở thành vấn đề nghiêm trọng khi có kích thước rất nhỏ, lơ lửng trong không khí và lắng xuống chậm. Đặc biệt các hạt bụi mịn nhỏ hơn 2,5 micromet (PM2.5), có thể tồn tại lâu trong không khí, dễ dàng xâm nhập vào đường hô hấp và gây ảnh hưởng đến sức khỏe
Tại các thành phố lớn, với mật độ dân cư dày đặc và lượng phương tiện giao thông cao, một lượng khổng lồ bụi và khói được tạo ra từ xe cộ, nhà máy, công trình xây dựng, hoạt động sản xuất, và các sinh hoạt khác như nấu nướng. Các yếu tố đặc trưng của môi trường đô thị khiến bụi bị giữ lại và tích tụ ngày càng nhiều.
Bụi cũng có thể từ ngoại thành tràn vào. Tuy nhiên, các khu vực ngoại thành có diện tích xanh lớn, thoáng đãng, nên nhìn chung, chất lượng không khí tốt hơn.
Trong thành phố, sự hiện diện của các tòa nhà cao tầng vây quanh tạo ra những "lòng chảo" khổng lồ, hạn chế sự lưu thông không khí với ngoại thành, khiến bụi bị "mắc kẹt." Không khí nóng từ mặt đường, xe cộ, và các hoạt động đô thị khác bốc lên cao, tạo hiệu ứng giống như một chiếc "đèn lồng" giữ bụi mịn lơ lửng trong không khí.
Hiện tượng này đặc biệt rõ rệt trong thời gian đại dịch Covid - 19, khi các biện pháp giãn cách xã hội khiến giao thông cá nhân giảm mạnh. Bầu trời ở nhiều thành phố lớn trên thế giới, ngay cả những nơi ô nhiễm nặng như Mumbai, đã trở nên trong xanh.
Gần đây, khi một số thành phố lớn ở Việt Nam ô nhiễm không khí ở mức báo động, nhiều người tìm kiếm giải pháp để bụi mịn đi lên cao hơn, giảm ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tuy nhiên theo tôi, đây là một quan niệm sai lầm vì bụi có tỷ trọng lớn hơn không khí, nên một cách tự nhiên theo quy luật vật lý sẽ đi xuống chứ không phải đi lên.
Khi xác định được nguồn gốc ô nhiễm không khí như nêu trên, chúng ta có thể đưa ra các giải pháp hiệu quả, theo hướng tiếp cận giảm bớt phương tiện giao thông (và các hoạt động công nghiệp), cũng như khẳng định vai trò của cây xanh.
Cây xanh đóng vai trò quan trọng trong việc giảm ô nhiễm không khí và điều hòa nhiệt độ đô thị. Cây hấp thụ nhiệt, giảm bức xạ và có thể làm mát nhiệt độ khu vực xung quanh. Một nghiên cứu so sánh dữ liệu 293 thành phố ở châu Âu cho thấy cây xanh giúp giảm nhiệt độ bề mặt đất (LST) hiệu quả hơn so với các khu vực không có cây xanh, từ 0-12⁰C tùy vùng.
Cây xanh đồng thời hạn chế hiệu ứng "đèn lồng." Lá cây là bề mặt lý tưởng để bụi lắng xuống và bị giữ lại một cách hiệu quả. Tổng diện tích bề mặt khổng lồ từ hàng tỷ các lá cây sẽ thu giữ một lượng rất đáng kể bụi, không để chúng trở lại không khí dễ dàng như các bề mặt khác.
Hiện nay, tỷ lệ cây xanh tại các thành phố lớn ở Việt Nam là rất thấp so với mức tối thiểu 9m²/người và lý tưởng là 50m2/ người mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị. Điều này càng làm trầm trọng thêm vấn đề ô nhiễm.
Một giải pháp đơn giản và bền vững là thiết kế trồng cây xanh dày đặc nhất có thể trong đô thị. Trên cùng một diện tích, cây cần được trồng nhiều tầng, từ thấp nhất đến cao, bao gồm bãi cỏ, thảm hoa, cây bụi, và cây cao. Cây xanh còn có thể được trồng trên mái nhà, tạo ra các khu vườn lớn trên cao. Cây xanh còn được "trồng đứng" (trồng dọc) để phủ kín các bề mặt bê tông. Trồng cây xanh còn được khuyến khích tại mỗi gia đình. Đây là cách làm đã thành công ở nhiều nơi trên thế giới, như Singapore.
Bogotá, thủ đô Colombia, là một ví dụ tiêu biểu khác. Thành phố này được gọi là "thành phố công viên" với hơn 200 công viên, tổng diện tích 5.000 ha không gian xanh, trong đó công viên Simón Bolívar rộng 400 ha. Mỗi người dân ở Bogotá có ít nhất 4m² diện tích xanh công cộng.
Bogotá còn nổi tiếng với sáng kiến "Ciclovía," khi hơn 120km đường phố được đóng cửa và cấm xe vào cuối tuần, biến thành phố thành "công viên khổng lồ" lớn nhất thế giới. Sáng kiến thu hút trung bình 1,5 triệu người (20% dân số thành phố) tham gia các hoạt động ngoài trời như chạy bộ, đi bộ, và đạp xe.
Sáng kiến "Ciclovía" giúp Bogotá giảm ô nhiễm không khí 16% cuối tuần, bụi mịn PM10 (có kích thước từ 2.5 - 10μm, chỉ bằng 1 phần 5 chiều rộng của sợi tóc) giảm 13 lần ngày cuối tuần từ 65mg/m3 xuống 5 mg/m3, giảm tiếng ồn. Nhiều nước đã áp dụng sáng kiến này, chẳng hạn như Indonesia với "Ngày không xe ôtô" tại thủ đô Jakarta, với 15 - 20km đường phố khu vực trung tâm cấm hoàn toàn xe ôtô.
Các thành phố lớn ở Việt Nam có thể học hỏi từ Bogotá. Thay vì chỉ có vài con phố đi bộ đơn lẻ, Hà Nội có thể quy hoạch mở rộng toàn bộ khu phố cổ, xung quanh hồ Hoàn Kiếm và một vài tuyến phố lân cận thành khu vực dành riêng cho xe đạp, người đi bộ, xe tay ga chạy điện vào cuối tuần. Tương tự, TPHCM có thể áp dụng mô hình này tại khu vực trung tâm, bao quanh bởi các tuyến đường Điện Biên Phủ, Cách mạng tháng Tám, Đinh Tiên Hoàng và sông Sài Gòn.
Tại các khu vực trung tâm này, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, mua sắm và ẩm thực có thể được tổ chức, vừa tạo ra tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch và "kinh tế cuối tuần," vừa giúp cải thiện chất lượng cuộc sống trong bối cảnh thành phố đang thiếu trầm trọng không gian công cộng.
Các khái niệm đô thị như "thành phố 15 phút," thành phố thân thiện với người đi bộ (walkability city), hay thành phố thân thiện với xe đạp (cyclability city) hay thành phố để vui đùa (playful city) cũng có thể được áp dụng để xây dựng thành phố hài hòa hơn với thiên nhiên.
Ngoài các giải pháp trên, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh kiểm soát bụi từ các công trường xây dựng, áp dụng bắt buộc các hệ thống phun sương, gắn cảm biến giám sát bụi thời gian thực, tăng che chắn công trường và nhà máy. Không kém phần quan trọng, cơ quan quản lý cần ban hành và áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn về giới hạn phát thải bụi tại các nhà máy và công trường. Các doanh nghiệp vi phạm có thể bị xử phạt hoặc yêu cầu cải tiến công nghệ, hoặc bị đình chỉ thi công/ sản xuất.
Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đang đẩy chúng ta xa rời thiên nhiên, đồng thời đối mặt với các vấn đề ô nhiễm như khói bụi. Sử dụng các giải pháp hài hòa với thiên nhiên sẽ giúp giải quyết những thách thức này một cách bền vững và hiệu quả.
Tác giả: TS Bùi Mẫn, Giám đốc Phòng thí nghiệm GTC Soil Analysis Services tại Dubai, là chuyên gia cao cấp trong nghiên cứu đặc tính đất và thí nghiệm địa kỹ thuật tiên tiến, với trọng tâm về quản lý và kiểm soát chất lượng. Ông từng giảng dạy tại Đại học Bách khoa TPHCM và tham gia nhiều dự án hạ tầng lớn cùng các công ty tư vấn hàng đầu như Fugro, WS Atkins, và Amec Foster Wheeler.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!