Tâm điểm
Bích Diệp

"Hóng biến", "hít drama" hay là bụi mịn mạng xã hội

Trong bộ phim "The Social Network" được ra mắt vào năm 2010 nói về Mark Zuckerberg và sự ra đời của mạng xã hội Facebook, chàng sinh viên Mark Zuckerberg đã sáng lập ra Facebook như một công cụ để tìm kiếm bạn gái.

Tuy nhiên, đó đơn thuần chỉ là sự tưởng tượng của đạo diễn bộ phim, dù rằng với Facebook cũng như các mạng xã hội khác trên internet hiện nay, việc giao tiếp, tìm bạn đời cũng là một nhu cầu phổ biến.

Khi nói về nguồn gốc của Facebook, Mark Zuckerberg đã tiết lộ với tờ Axel Springer (Đức) rằng, cơ duyên của mạng xã hội lớn nhất thế giới hiện nay chính là từ một công cụ chia sẻ học tập. Facebook đã ra đời như thế, với một mục đích thật đơn thuần là để "người dùng có thể chia sẻ những gì họ muốn với những người xung quanh", hay là lan tỏa giá trị sống.

Sự phổ cập của Internet và sự ra đời của các mạng xã hội đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của chúng ta, tạo nên một thế giới thực sự "phẳng". Không chỉ kết nối chuyện trò, "social network" còn có thể được ví như sạp báo khổng lồ với liều lượng thông tin mới đăng tải chóng mặt, cập nhật theo giây.

Không ít bạn bè tôi nói, họ đọc tin trên mạng xã hội còn nhiều hơn trên báo. Đương nhiên, với tư cách là một nhà báo, tôi không tránh khỏi phiền lòng, nhưng biết làm sao được, báo chí công dân đã là xu thế phổ biến trong xã hội hiện đại.

Tôi không phủ nhận những giá trị của mạng xã hội, nhưng tôi có cảm giác như rất nhiều người đã sống với thế giới "ảo" còn nhiều hơn thế giới thật. Chỉ đơn giản như bạn bè gặp mặt cũng mỗi người một góc một chiếc điện thoại; đi ăn, đi du lịch, đến bất cứ đâu cũng chăm chăm chụp ảnh "sống ảo" để đăng lên mạng, ngóng chờ tương tác thay vì việc thực sự trải nghiệm khoảnh khắc "sống thật" ấy.

Nhiều mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống, chứng trầm cảm của một cá nhân, bạn bè cạch mặt nhau hay sự đổ vỡ của một gia đình… tưởng không liên quan nhưng lại cũng có yếu tố của mạng xã hội, khi mà tâm trí con người ta đặt vào thế giới ảo quá nhiều.

"Nghiện mạng xã hội" là một hội chứng về tâm lý được thừa nhận. Dùng mạng xã hội quá liều cũng tác hại không kém uống thuốc an thần mà không đọc hướng dẫn sử dụng vậy.

Trên thế giới ảo đó có gì? Vô vàn thông tin, từ những khoảnh khắc được chỉnh sửa và tô vẽ long lanh cho đến cả những sự việc bị bóp méo, bôi đen theo ý thích của người đăng tải. Dù có Luật an ninh mạng, nhưng tin đồn thất thiệt, tin giả vẫn sống khỏe chỉ bởi, hệ thống kiểm duyệt của mạng xã hội (thông qua các tiêu chuẩn cộng đồng) không kiểm soát xuể. Cho nên, tin tức trên các trang mạng xã hội trong một số trường hợp còn nhanh hơn báo chí là vì thế, bởi báo chí luôn cần phải xác thực nguồn tin.

Có một số lối nói mới xuất hiện trong giới trẻ như "hóng biến", "hít drama" khiến tôi bật cười, nhưng cũng cho thấy xu hướng thích quan tâm đến những chuyện giật gân, thích bàn tán đến chuyện đời tư. Một "tệp khách" quá rộng cho những "nhà sản xuất nội dung" trên mạng xã hội!

Cách đây một vài năm, tôi nhiều lần đề cập đến những clip mang tính bạo lực, phản cảm, phản giáo dục của giang hồ mạng trên YouTube, thì bây giờ, các nền tảng mạng với những tính năng mới về phát video càng dễ dàng để người ta livestream, từ bán sản phẩm hàng hóa, kinh doanh đa cấp, "lùa gà" đầu tư đến việc "bóc phốt", tấn công cá nhân mà lượng người xem có thể lên đến hàng chục nghìn người trong cùng một thời điểm.

Đằng sau những tin tức giật gân (thiếu kiểm chứng) đó có khi chỉ là hành động thiếu suy nghĩ của cá nhân nhưng cũng có khi được cả một "ekip sản xuất" dàn dựng công phu.

Tôi không ủng hộ cái xấu, không đồng tình với sự bao che những hành vi trái đạo đức, đi ngược luật pháp, nhưng nếu không tỉnh táo, chúng ta sẽ bị cuốn vào những vụ bê bối có chủ ý và ảnh hưởng đến cuộc sống của người vô tội. Có những bình luận tưởng chừng vô thưởng vô phạt cũng có thể đẩy một người tìm đến cái chết, mà các vụ tự vẫn của một số nghệ sĩ ở Hàn Quốc, Trung Quốc… là ví dụ.

Nếu là phật tử, hẳn nhiều người thấm nhuần lời Đức Phật từng dạy: "Nói đúng thời, nói đúng sự thật, nói lời nhu hòa, nói lời liên hệ đến lợi ích, nói với từ tâm", đạo Phật coi khẩu nghiệp là một trong những nghiệp nặng nề nhất mà một người có thể tạo ra. Còn nếu là một người Công giáo, có lẽ bạn cũng từng nghe Đức Giáo hoàng Phanxicô ví von "các chuyện ngồi lê đôi mách là khủng bố." Ngài nói: "Người ngồi lê cũng như kẻ đi ném bom, họ ném bom và họ bỏ chạy, họ hủy hoại bằng miệng lưỡi, họ không xây dựng hòa bình". Trong dân gian còn có câu răn dạy của ông cha: "Lời nói, đọi máu" - lời nói ra có thể giết chết hoặc cứu sống một con người, nên trước mỗi sự việc cần phải thận trọng trong phát ngôn, chớ nên hàm hồ mà nói bừa nói phứa, nói hóng nói hớt.

Làm một "Influencer" (người có ảnh hưởng) là một vinh dự, nhưng bên cạnh nguồn lợi từ phát triển nội dung, chạy quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội (YouTube, Facebook…), điều quan trọng hơn còn là trách nhiệm với xã hội, là danh dự và sự thật cần tôn trọng. Chỉ vì mưu cầu nổi tiếng hay say sưa với "quyền lực ảo" trên mạng xã hội, hậu quả nhận lấy sẽ khôn lường.