Tâm điểm
Quan Thế Dân

Xe máy và bụi mịn ở Hà Nội

Không khí Hà Nội từ khi bắt đầu mùa thu tới nay ô nhiễm nặng nề. Bằng mắt thường cũng thấy nhiều ngày bầu trời mờ mịt sương mù. Thường thì sương mù là hiện tượng thời tiết do luồng không khí lạnh ẩm gây ngưng tụ những hạt nước nhỏ li ti tạo thành. Nhưng hiện nay ở Hà Nội đang tiết trời khô hanh mà có sương mù, thì đấy chính là hiện tượng "sương mù ô nhiễm".

Khi không khí ô nhiễm bụi quá mức, gây nên hiện tượng hạt bụi li ti làm thành tác nhân gây ngưng đọng hơi nước, thành sương mù. Sương mù ô nhiễm càng nặng nề trong những ngày không mưa, nồng độ bụi trong không khí cao, không có gió nên lượng bụi không được phát tán đi.

Bụi gây hại theo kích cỡ của hạt bụi. Bụi mịn và siêu mịn có kích thước nhỏ hơn 2.5 μm, dễ dàng đi xuyên qua các cơ chế bảo vệ của hệ hô hấp vào phế nang thậm chí xuyên qua phế nang đi vào máu, gây nhiều nguy hại. Cùng với ô nhiễm bụi, mức độ ô nhiễm không khí còn được đo bằng nồng độ các khí độc như khí O3, NO2, CO.  

Xe máy và bụi mịn ở Hà Nội - 1

Cảnh ùn tắc trên đường phố khu vực trung tâm Hà Nội (Ảnh: Tiến Tuấn)

Ô nhiễm không khí được biết gây nên nhiều bệnh về hô hấp và tim mạch như viêm mũi xoang, viêm phế quản, hen, khí phế thũng, tăng huyết áp, đột quỵ, ung thư... Hiện tượng cứ mùa thu đông đến là các bệnh như kể trên tăng lên, nhưng nhiều người không rõ nguyên nhân, thì cứ nói chung là tại thay đổi thời tiết, nhưng có thể nói việc nhiều người mắc bệnh khi chuyển mùa có phần xuất phát từ ô nhiễm không khí.

Để đánh giá ô nhiễm không khí nói chung và ô nhiễm bụi mịn nói riêng, nhiều nước trên thế giới sử dụng bộ tiêu chí AQI (Air Quality Index), nền tảng dựa trên bộ tiêu chuẩn "chất lượng không khí xung quanh quốc gia - NAAQS" của Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA).Việc dùng chung một bộ chỉ số giúp đơn giản hóa so sánh chất lượng không khí giữa các nước.

Bộ chỉ số này cho điểm và mã hóa bằng màu giúp người dân nhanh chóng nắm bắt được mức độ ô nhiễm. Điểm số AQI từ 0 - 50 là màu xanh, tốt cho sức khỏe; 51 - 100 là màu vàng, không tốt. Từ 101 - 150 là màu cam, không tốt cho sức khỏe của nhóm nhạy cảm. Từ 151 - 200 là không tốt, khuyến cáo mọi người tránh ra ngoài đường, không mở cửa sổ. Từ 201 - 300 là rất có hại cho sức khỏe.

Theo ghi nhận của một số trang web và ứng dụng theo dõi về tình trạng không khí, ngày 9/10, chỉ số ô nhiễm của Hà Nội là 213, thuộc màu tím, mức độ nguy hiểm cho sức khỏe; còn ngày 9/11 không khí Hà Nội trong nhiều giờ có chỉ số AQI là 218.

Nhờ ứng dụng liên tục cập nhật về chất lượng không khí, giờ đây những ai quan tâm đều có thể mở smartphone là biết ngay chất lượng không khí của Hà Nội ở mức nào so với thế giới. Đáng tiếc là thành phố của chúng ta luôn nằm trong nhóm ô nhiễm không khí hàng đầu.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội ngày càng nặng nề do nhiều nguyên nhân, bao gồm việc mật độ dân cư nội đô quá lớn. Tổng diện tích của Hà Nội là rất lớn, trên 3.000 km2, nhưng phần lớn dân cư sống chen chúc trong diện tích mấy chục km2 của vùng lõi, khiến cho mức độ ô nhiễm của vùng nội đô Hà Nội rất cao. Giảm được mật độ dân cư này là chìa khóa để giảm ô nhiễm cho khu vực nội đô. Tuy nhiên, việc giải bài toán phân bố dân cư đang bế tắc do các lợi ích kinh tế đan xen nhau. Đa số trường đại học và bệnh viện lớn vẫn chưa di dời ra ngoại ô. Một số nhà máy hoặc cơ quan di dời thì liền thay thế vào bằng các chung cư cao tầng, càng nhét thêm người vào nội đô.

Giải thích tình trạng ô nhiễm không khí, UBND TP Hà Nội từng chỉ ra 12 nguyên nhân, như: Khí xả thải từ ô tô, xe máy; đun bếp than tổ ong, đốt củi; xây dựng, phá dỡ các công trình; vận chuyển vật liệu; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; đốt rơm rạ, rác; thu gom rác thải chưa tốt; ô nhiễm ao hồ lâu năm; bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận; tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa.

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, ảnh hưởng đến an sinh xã hội và cuối cùng là ảnh hưởng đến phát triển kinh tế. Do vậy, muốn cải thiện tình trạng ô nhiễm, không thể cứ ngồi nói chuyện lý thuyết hay soạn thảo đề án nữa mà phải bắt tay vào làm ngay.

Trong các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí thì nguyên nhân do các phương tiện giao thông được cho chiếm tới 56%. Hiện Hà Nội có trên 1 triệu ôtô và trên 6 triệu xe máy. Đa số phương tiện giao thông chạy bằng động cơ đốt trong, sinh ra khói độc và bụi mịn.

Bằng cảm quan, người dân cũng có thể tự mình kiểm chứng điều này, đó là vào ngày những Tết Nguyên đán hoặc nghỉ lễ, ra đường thấy không khí Hà Nội rất trong lành, vì lúc đó phần lớn người và xe cơ giới đã rời Hà Nội về các miền quê ăn Tết hoặc đi du lịch.

Chính quyền thành phố nhận thấy điều này và đang xây dựng các kế hoạch phát triển giao thông công cộng, hạn chế xe cá nhân, tiến tới cấm xe máy vào năm 2030, để làm giảm ô nhiễm. Bao nhiêu năm nay cứ nói đến "cấm xe máy" là bị phản ứng, vì đây là phương tiện mưu sinh của người dân và vì vận tải hành khách công cộng ở Hà Nội mới đáp ứng được 19,5% nhu cầu; trên 80% nhu cầu đi lại của người dân vẫn phải bằng các phương tiện cá nhân. Nhưng theo tôi đã đến lúc Hà Nội không thể "nói mãi mà không làm".

Gần đây, thành phố đưa ra kế hoạch xây dựng vùng phát thải thấp, hạn chế các phương tiện cơ giới. Nếu xe cơ giới muốn vào vùng này phải đóng phí cao. Tôi cho rằng đây là cách tiếp cận phù hợp. Việc thu phí sẽ hạn chế các phương tiện cơ giới đi vào vùng phát thải thấp, tất nhiên đi kèm với biện pháp này thì thành phố phải tính phương án tổ chức giao thông cho người dân sống ở vùng phát thải thấp, cũng như những người đi làm ở các trụ sở cơ quan trong khu vực này.

Khu vực trung tâm chính là khu vực kinh tế sầm uất nhất của thành phố, nên biện pháp hạn chế phương tiện cơ giới vào đây phải được tổ chức khoa học, để làm sao không ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động kinh doanh, dịch vụ. Hơn nữa, khi tình trạng ùn tắc giao thông và môi trường khu vực nội đô được cải thiện, chúng ta hy vọng rằng đây là yếu tố không chỉ giúp cải thiện sức khỏe hàng triệu người dân, mà còn kích thích hoạt động dịch vụ, du lịch phát triển.

Xu hướng trên thế giới hiện nay là chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông xanh, phương tiện sử dụng năng lượng phát thải thấp như xe điện, xe chạy bằng hydro...  Trong tình thế "bế tắc" lâu nay với phương tiện giao thông chạy bằng xăng, dầu thì giải pháp khả thi là chuyển đổi nhanh sang xe điện. Dự thảo thí điểm mô hình vùng phát thải thấp (LEZ), hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm của TP Hà Nội cũng đã nêu đề xuất các tổ chức, cá nhân di chuyển vào vùng phát thải thấp (giai đoạn 2025-2030 dự kiến là quận Hoàn Kiếm) bằng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn khí thải cụ thể, trừ ô tô điện, xe máy điện và các phương tiện ưu tiên theo quy định. Hà Nội có thể đẩy nhanh việc chuyển đổi phương tiện giao thông từ động cơ đốt trong sang động cơ điện bằng các chính sách thuế, phí, đặc biệt khuyến khích xe buýt điện và có thể tính tới xe buýt cỡ nhỏ để phù hợp với khu vực phố cổ.

Bất cứ siêu đô thị nào muốn giảm thiểu ô nhiễm không khí cũng phải có các giải pháp đồng bộ, bao gồm việc triển khai dứt khoát lộ trình tiến tới cấm hoàn toàn xe chạy động cơ đốt trong. Xanh hóa phương tiện giao thông là một giải pháp khả thi về mặt công nghệ và kinh tế hiện nay (xe điện đã khá phổ biến và có giá thành ngày càng cạnh tranh). Thực hiện cuộc chuyển đổi này càng sớm thì càng tốt cho bầu không khí ở Thủ đô.

Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!